Phòng bệnh đậu ở dê
Bệnh đậu ở dê là bệnh truyền nhiễm lây lan nhanh, với mức độ nguy hiểm cao. Bệnh gây nhiều thiệt hại về kinh tế cho người nuôi. Do đó cần có những biện pháp xử lý kịp thời.
Thực hiện biện pháp tổng hợp để phòng bệnh hiệu quả cho dê. Ảnh: CTV
Tác nhân gây bệnh
Bệnh đậu ở dê (Goat pox) do chủng virus thuộc giống Capripox virus, họ Poxviridae gây nên. Bệnh biểu hiện với các thể từ mãn tính đến cấp tính.
Virus đậu dê có sức đề kháng cao với nhiệt độ (bị diệt ở 560C trong 2 giờ). Những chất sát trùng thông thường diệt virus nhanh chóng. Virus có thể sống sót trong một thời gian dài trên vật chủ hay ngoài môi trường (chúng có thể tồn tại 6 tháng trên nền chuồng và 3 tháng trong vẩy mụn khô nằm trên da của con vật bị bệnh). Virus trong dịch lâm ba được bảo quản trong glyxerin ở nhiệt độ lạnh giữ được độc lực trong nhiều tháng.
Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, bệnh nặng trên dê con, dê già hay dê đang tiết sữa. Ở những đàn mẫn cảm, tỷ lệ chết có thể lên đến 80%.
Triệu chứng
Thời gian ủ bệnh ở dê là 5 - 7 ngày, nhưng cũng có thể tới 21 ngày. Dê bệnh biểu hiện: Sốt cao 40 - 420C, kéo dài 3 - 5 ngày, thở nhanh, mí mắt sưng, chảy nước mắt và dịch mũi, kém ăn, nằm một chỗ, đứng với dáng điệu lưng cong. Khoảng 2 ngày sau các nốt đỏ xuất hiện ở các vùng ít lông như bẹn, bìu dái, mặt dưới đuôi, vú và âm hộ. Các mụn nhỏ như hạt đỗ, hạt ngô. Da ở xung quanh mụn đỏ hơn bình thường và sưng do thủy thũng. Mụn lúc đầu nhỏ, sau mọng trắng, vỡ loét ra, chảy dịch, sau đó đóng vảy màu nâu đen (vảy đậu). Vảy bong ra để lại vết sẹo đỏ. Các mụn đậu lại mọc lên trên đám da khác. Quá trình này dễ quan sát ở những vùng da bị rụng lông, niêm mạc miệng, niêm mạc mũi.
Biến chứng thường gặp: Các mụn đậu mọc ở kết mạc mắt khi vỡ ra có thể làm cho dê bị mù. Mụn đậu mọc ở niêm mạc mũi và khí quản, gây viêm màng giả, có thể làm cho dê thở khó, suy hô hấp. Mụn đậu mọc ở quanh núm vú gây lở loét quanh núm vú. Nếu có nhiễm trùng thứ phát do các loại vi khuẩn thì các mụn loét mưng mủ, vỡ loét, tạo thành vết thương. Nếu dê lành bệnh sẽ có miễn dịch bền vững và lâu dài với virus đậu.
Bệnh tích
Khi mổ khám, ngoài bệnh tích ngoài da còn thấy trên niêm mạc thanh quản, khí quản, thực quản, dạ cỏ, dạ múi khế, ruột già, âm đạo, vùng vỏ thận, gan và dịch hoàn những bệnh tích đậu tương tự trên da. Bệnh tích ở phổi thường gặp là các nốt đậu nhỏ màu xám nhạt lan tràn và là một trong những nguyên nhân chính làm dê bị chết vì suy hô hấp. Ngoài ra, người ta còn thấy bại huyết (xuất huyết dưới tương mạc, thoái hóa các khí quan, sưng hạch cấp tính) do kết hợp với một số bệnh nhiễm khuẩn khác.
Dê mang thai thường sẩy thai khi bị bệnh đậu. Một số dê non mắc bệnh còn thấy: Ỉa chảy nặng, chết nhanh khi virus đậu tác động đến niêm mạc ruột.
Chẩn đoán bệnh
Dựa vào triệu chứng lâm sàng sau: Dê có biểu hiện sốt, có mụn đậu xuất hiện ở mặt da, trên niêm mạc mũi, miệng và quanh mắt.
Chẩn đoán phân biệt bệnh đậu dê với các bệnh sau: Bệnh viêm da có mủ truyền nhiễm (còn gọi là bệnh lở miệng), bệnh lưỡi xanh, bệnh viêm da do nấm, bệnh nấm vảy của cừu, bệnh ghẻ.
Chẩn đoán phòng thí nghiệm bằng cách:
Phân lập virus: Nuôi cấy trên môi trường tế bào thận dê, dịch hoàn dê để xác định virus đậu.
Dùng các phản ứng huyết thanh: Phản ứng kháng thể huỳnh quang gián tiếp, phản ứng miễn dịch khuếch tán trên thạch.
Kỹ thuật PCR: Kỹ thuật PCR có độ nhạy cao, cho phép xác định chính xác virus đậu dê trong khi các phương pháp trên có thể xảy ra phản ứng chéo với một số virus khác.
Phòng bệnh
Để phòng bệnh đậu dê, biện pháp hiệu quả và kinh tế nhất là tiêm vaccine phòng bệnh cho đàn dê. Vaccine sống có hiệu quả miễn dịch tốt hơn vaccine chết. Hiện nay Công ty Thuốc thú y Trung ương (NAVETCO) đã nghiên cứu và sản xuất thành công vaccine nhược độc phòng bệnh đậu dê. Vaccine an toàn, hiệu quả phòng bệnh cao và được sử dụng cho dê từ 1 tháng tuổi trở lên. Biện pháp phòng bệnh đậu dê chủ yếu là tăng cường chăm sóc, nuôi dưỡng, vệ sinh phòng bệnh cho đàn dê.
Trị bệnh
Không có thuốc đặc hiệu điều trị bệnh đậu. Cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh tổng hợp để phòng bệnh hiệu quả. Trong thời gian điều trị giữ chuồng khô, sạch và ấm vào mùa đông. Đối với những khu vực có dê đã mắc bệnh đậu cần phải: Tiêu hủy toàn bộ đàn dê mắc bệnh bằng cách chôn hoặc đốt; Thực hiện các biện pháp tiêu độc, sát trùng chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi và phương tiện vận chuyển dê; Kiểm soát chặt chẽ vận chuyển động vật và sản phẩm động vật trong vùng dịch; Kiểm dịch gia súc từ nơi khác đưa về; Tiêm phòng bao vây vùng có dịch và các vùng có nguy cơ lây lan bệnh đậu dê.
Để điều trị các mụn đậu và nhiễm khuẩn kế phát người nuôi có thể tham khảo một số biện pháp sau:
Bôi một trong các dung dịch sát trùng lên các mụn đậu: Thường dùng dung dịch Blue Methylen 1% hoặc dung dịch Iodin 1%.
Khi có hiện tượng viêm nhiễm do vi khuẩn ở mũi, miệng và viêm khí quản thì điều trị bằng kháng sinh như Ampicilin (liều 30 mg/kg trọng lượng) phối hợp với Kanamycin (liều 20 mg/kg TT), dùng liên tục 5 - 6 ngày, kết hợp với sử dụng các loại thuốc trợ sức, trợ lực: Vitamin B1, Vitamin C và cafein.
Thuốc điều trị phụ nhiễm:
Navet-Combiocin: Liều tiêm: 1 lọ/65 kg trọng lượng, ngày 1 lần, liên tục 3 -5 ngày.
Nave - Enro 100: Liều tiêm: 1 ml/20 kg trọng lượng, ngày 1 lần, liên tục 3 - 5 ngày.
Navet- Amoxy: Liều tiêm: 1 ml/10 kg trọng lượng, 2 ngày 1 lần, liên tục 3 - 5 ngày.
Có thể bạn quan tâm
Ngày 18/9, các nhà khoa học cho biết các loại thuốc sử dụng trong chăn nuôi nhằm tăng trọng lượng cho gia súc, gia cầm và ngăn ngừa dịch bệnh có thể làm xuất hiện vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh.
Bệnh ghẻ là một bệnh mãn tính thuộc nhóm bệnh do ngoại ký sinh trùng gây ra. Bệnh xảy quanh năm và thường bùng phát mạnh vào mùa Đông xuân khi khí hậu ẩm ướt,
Chế độ nuôi dưỡng tốt phải đảm bảo cho dê mẹ phát triển bình thường khi có chửa, cho nhiều sữa trong thời kỳ cho sữa.