Phiên biển xa bờ được mùa, trúng giá
Cá đầy khoang tàu
Khi cơn bão xa đang đổ bộ vào Biển Đông cũng là lúc nhiều tàu đánh cá của ngư dân Lý Sơn trở về đất liền an toàn. Sau hơn một tháng bám biển, tàu nào khoang cũng đầy cá.
Sáng sớm, tại bến cá Sa Kỳ, các chị, các mẹ đã đón đợi những chuyến tàu của chồng, con mình từ khơi xa về. Khi những chiếc tàu vào bến, niềm vui râm ran một góc trời.
Sáng 12.4, tàu cá mang số hiệu QNg 96509TS của ông Dương Minh Thạnh, ở thôn Đông, xã An Hải (Lý Sơn) từ Trường Sa về đến Sa Kỳ. Con tàu 400 mã lực ông Thạnh vừa cải hoán, nâng công suất hồi cuối năm ngoái lắc lư mãi mới cặp vào bến. “Chuyến này cha con tôi đi hơn một tháng, đánh được hơn 20 tấn cá đỏ củ và độ vài tấn cá ngon khác. So với phiên biển đầu năm trước, phiên này được hơn”- ông Dương Minh Thạnh hồ hởi cho biết.
Tại Bến đá – bến cá Tấn Minh trên bờ Sa Kỳ, từ sáng sớm đến quá trưa đã có 3 tàu cá của ngư dân Lý Sơn ghé về bán cá. Cá ngừ đại dương, cá đỏ củ, cá thu khơi, cá bè, cá đòn… con nào cũng to tròn. Cá ngừ đại dương đến hàng chục kilôgam một con; cá thu khơi cũng bình quân hơn 10kg/con.
Cá bè, cá đòn nhỏ hơn nhưng cũng 5 - 7kg/con. Những mã cân 50kg nhiều lúc chỉ đủ cân một con cá. Cả tuần này, tàu nào trở về bán cá sau khi “kết sổ” cũng từ 20 tấn trở lên.
Niềm vui được giá
Nhiều ngư dân cho biết: Phiên biển này vui hơn cả là cá được giá. Anh Nguyễn Tấn Hùng, ngư dân tàu cá QNg 96751 TS đang vác những con cá ngừ đại dương đặt lên bàn cân, phấn khởi bảo: “Con cá to này phiên biển đầu năm 2014 bán được 300 nghìn đồng. Còn năm nay cũng trọng lượng này nhưng bán được tới 400 nghìn đồng. Trong khi giá dầu đi biển lại giảm, hỏi ngư dân nào chẳng vui chứ!”.
Theo các chủ cơ sở thu mua cá ở bến Sa Kỳ, dù cá cùng loại nhưng giá bán khác nhau tùy vào trọng lượng và độ tươi ngon. Cá ngừ đại dương giá giao động từ 40 - 60 nghìn đồng/kg; cá thu 150 - 180 nghìn đồng/kg, cá chim khoảng 100 nghìn đồng/kg.
Chị Nguyễn Thị Bạch Tuyết, chủ cơ sở thu mua cá ở cảng Sa Kỳ cho biết: “Thời tiết đầu năm cũng khá thuận lợi nên hầu hết các tàu đều bảo quản cá rất tươi. Chúng tôi cũng muốn cá tươi như thế để khi nhập vào các nhà hàng hay nhà máy chế biến thì cũng không bị ép giá”.
Ở bến cá, dường như giá cá được các đầu nậu định sẵn và khi trả giá mua cá cũng chỉ nhích lên vài giá là cùng. Và họ trả giá theo cách rất riêng mà chỉ có đầu nậu và ngư dân hiểu tường tận.
Vẫn còn những băn khoăn
Niềm vui được mùa, trúng giá của ngư dân ở phiên biển xa bờ đầu năm này là rất lớn, nhưng trong tận sâu việc mua – bán cá chưa làm ngư dân hài lòng. Ông Bùi Tấn, ngư dân xã Bình Châu (Bình Sơn) bày tỏ: “Giá tuy cao nhưng năm ngoái cứ 12kg cá thì chủ nậu trừ bì 2kg, ngư dân được tính 10kg.
Còn nay, giá tuy cao hơn nhưng chủ nậu trừ bì tới 15, 17. Nghĩa là 15 hoặc 17 kg cá thì chúng tôi mới được tính 10kg. Trừ hao hụt gì mà nhiều quá trời, giá có cao hơn thì cũng trở thành thấp thôi!”.
Một lẽ khác, phiên biển đầu năm giá dầu chạy tàu chưa tăng, nên dù sao chuyến ra khơi của ngư dân cũng có vẻ nhẹ lo hơn bây giờ. “Giá dầu tăng từ giữa tháng 3 rồi. Nay đi khơi phải đổ dầu giá mới. Mỗi phiên biển chi phí đội lên 4 - 6 triệu đồng tiền dầu. Nếu dầu không tăng giá thì số tiền này cũng đủ mua lương thực, thực phẩm cho anh em ăn uống trong suốt cả hải trình” – ông Nguyễn Bốn, ngư dân thôn Tân Định, xã Bình Châu (Bình Sơn) giải thích.
Cá trúng mùa, bán được giá phiên biển đầu năm của những tàu đánh bắt xa bờ đã gặt được nhiều niềm vui. Thế nhưng, phiên biển thứ hai này, những khó khăn lại bắt đầu nhích lên khi giá dầu tăng, gia tăng thêm thách thức đối với mỗi ngư dân trong mùa biển mới.
Có thể bạn quan tâm
Cùng với phát triển trồng rừng, nhiều năm qua cây sơn cũng đã được người dân ở một số thôn bản xã Tân An (Chiêm Hóa) đưa vào trồng. Qua thực tế trồng và chăm sóc nhiều năm cho thấy, việc trồng sơn lấy mủ đã mang lại một nguồn thu nhập ổn định, giúp cho nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng, mở ra một hướng đi mới trong chuyển đổi cây trồng ở địa phương.
Vụ cam năm 2011, huyện Hàm Yên có trên 2.326 ha, năng suất bình quân 130 tạ/ha, sản lượng đạt trên 28 nghìn tấn quả, tổng giá trị thu nhập đạt trên 150 tỷ đồng. Cuối vụ, cam bán được giá, nhiều nông dân trên địa bàn huyện đã có thu nhập tiền tỷ.
Tháng 11-2011, người dân xã Phúc Sơn (Chiêm Hóa) đã được Công ty Sawon ở Bắc Giang đầu tư hỗ trợ giống hành lá trồng thử nghiệm. Tuy mới là dự án thí điểm, nhưng với những ưu điểm như năng suất cao, không mất nhiều công chăm sóc, loại cây trồng này đang mở ra một hướng đi mới đối với người nông dân nơi đây..
Học hết trung học phổ thông, anh đã theo đuổi nhiều nghề, đi nhiều nơi nhưng rồi thất bại. Không sợ khó khăn vất vả, dám nghĩ dám làm, anh đã tìm ra hướng phát triển kinh tế gia đình bằng mô hình chăn nuôi vịt hiệu quả..
Vụ lúa mùa năm nay, xã Minh Quang (Chiêm Hóa) có kế hoạch gieo cấy 412 ha (cao nhất huyện). Để đảm bảo sản xuất đúng khung thời vụ, góp phần nâng cao sản lượng lương thực của huyện, cán bộ Trạm Khuyến nông huyện phối hợp với UBND xã chỉ đạo bà con nông dân khẩn trương làm đất và gieo cấy lúa..