Trang chủ / Tin tức / Tin thủy sản

Phát triển ngành thủy sản bền vững, cần sự hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước

Phát triển ngành thủy sản bền vững, cần sự hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước
Tác giả: D.T
Ngày đăng: 16/08/2022

Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan sáng nay (11/8), tại Hội nghị toàn quốc giữa Thủ tướng Chính phủ với các doanh nghiệp có chủ đề "Chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững".

Xuất khẩu đạt 6,7 tỷ USD trong 7 tháng

Chia sẻ tại Hội nghị, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Hiệp hội hiện có 279 doanh nghiệp thành viên và đang chiếm khoảng 80-83% kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Trong 2 năm qua, thủy sản Việt Nam duy trì được năng lực cạnh tranh, nằm trong top 3 sau Trung Quốc và Na Uy về xuất khẩu thủy sản trên thế giới.

Trong 7 tháng đầu năm nay, ngành thủy sản Việt Nam phục hồi nhanh, ghi nhận lần đầu tiên trong 20 năm qua là xuất khẩu được 6,7 tỷ USD, tăng 35%. Trong đó có những mặt hàng đặc biệt như mặt cá tra – mặt hàng chủ lực của Việt Nam đang chi phối 95% nguồn cá thịt trắng toàn cầu, tăng 80% trong 7 tháng vừa qua.

Năm nay, ngành thủy sản có thể lần đầu tiên vượt mốc xuất khẩu trên 10 tỷ USD và sẽ tăng khoảng 12-15% so với năm 2021. Trong đó, sản phẩm nuôi trồng thủy sản là cá tra và tôm sẽ chiếm khoảng 65%, các sản phẩm khai thác biển khoảng 35%.

Có một con số khẳng định được nội lực của ngành để đồng hành với Chính phủ trong thời gian qua, đặc biệt là giai đoạn chống dịch căng thẳng vừa qua khi đứt gãy chuỗi cung ứng quốc tế. Đó là, nếu như trong cơ cấu về xuất khẩu của Việt Nam hiện nay thì doanh nghiệp FDI liên quan có tỉ lệ kim ngạch xuất khẩu chiếm trung bình khoảng 70-84%, các doanh nghiệp trong nước tham gia vào khoảng 26-30%. Trong ngành thủy sản, hiện nay, con số này lại ngược lại, các doanh nghiệp Việt Nam đang chiếm 95%, chỉ 5% có sự tham gia của doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực thủy sản, lĩnh vực liên quan đến nông dân và ngư dân Việt Nam.

Bối cảnh hiện nay và 7 tháng đầu năm chúng ta đang chịu tác động, hệ lụy của dịch, các chuỗi cung ứng quốc tế đứt gãy trong giai đoạn trước đến nay chưa khôi phục hoàn toàn. Đặc biệt, lạm phát tăng cao làm giảm sức mua tại các thị trường đang tiêu dùng thủy sản của nước ta. Bên cạnh đó, tăng giá hàng hóa đối với lĩnh vực thủy sản, đặc biệt là tăng giá thức ăn chăn nuôi thủy sản.

Sau làn sóng dịch Covid-19 hồi đầu năm, chuỗi khai thác biển của ngư dân, chế biến xuất khẩu đã phục hồi nhanh chóng, nắm bắt được cơ hội của thị trường. Dư địa của thị trường đối với thủy sản còn nhiều, cơ hội của chúng ta còn không ít, nhưng để giành được điều đó trong bối cảnh phải phát triển bền vững và phải cạnh tranh với không ít quốc gia thì có một số thách thức đang tác động tiêu cực đến phát triển bền vững của ngành hàng.

Đề xuất hỗ trợ chi phí sản xuất

Ông Nam đề xuất, trước hết đó là vấn đề chi phí sản xuất tăng cao đáng lo ngại khiến cho giá thành sản phẩm tăng và nguy cơ sẽ giảm khả năng cạnh tranh. Đầu tiên là vấn đề thức ăn chăn nuôi, trung bình hiện nay, đặc biệt sau dịch, đã tăng khoảng 20%. Giá thành thức ăn chăn nuôi của sản phẩm cá tra, tôm đang chiếm 65-70%, tác động chi phối rất lớn.

Thứ hai, chi phí vận tải biển và nhân công tăng trong 2 năm qua với các lý do liên quan đến dịch, liên quan đến ách tắc và bây giờ liên quan đến giá nhiên liệu tăng, nên hiện nay vẫn đang giữ ở mức cao. Bờ Tây Mỹ hiện nay đang ở mức 400 triệu đồng cho một container, đến châu Âu cũng tăng đến 4 lần từ 10.000-12.000 USD. Điều này chi phối rất nhiều, đặc biệt với ngành đông lạnh của chúng ta. Các chi phí đầu vào khác như bao bì, hóa chất, vận chuyển, hội nhập… đều tăng.

VASEP kiến nghị Thủ tướng, các bộ ngành quan tâm có biện pháp hỗ trợ, chỉ đạo tháo gỡ giảm chi phí cho cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có thủy sản, đặc biệt giá thức ăn chăn nuôi.

“Tín dụng đang siết lại từ đầu tháng 8, trong khi lạm phát tăng cao khiến người dân các nước giảm tiêu dùng, nhiều nhà nhập khẩu cho biết không nhận đơn hàng từ nay đến tháng 10. Nghĩa là chúng ta sẽ tồn kho, chúng ta sẽ không có tiền để trả ngay cho ngân hàng, mà không trả khoản vay cũ thì các ngân hàng (trong 1 tuần  qua) đều báo sẽ không cho vay khoản vay mới, dẫn đến không thu mua được cá, tôm của nông dân. Mong rằng, Thủ tướng Chính phủ cũng như Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có chỉ đạo giúp cho các vấn đề đang diễn ra trong 1 tuần qua”, ông Nam đề nghị.

Xuất khẩu thủy sản đạt 6,7 tỷ USD, tăng 35% trong 7 tháng đầu năm 2022.

Ngoài ra, vấn đề nữa là thách thức trong chi phí tuân thủ xử lý môi trường, một trong ba trụ cột để phát triển bền vững. Hiện, ngành thủy sản có hai khâu quan trọng nhất là chăn nuôi và chế biến đều bị ách tắc bởi các vi phạm về môi trường. Xu hướng của chúng ta là phát triển bền vững, bị vướng quy chuẩn môi trường liên quan đến nước thải đầu ra không nằm trong quy chuẩn chăn nuôi mà nằm trong quy chuẩn khác, rất nhiều chỉ tiêu không phù hợp với nuôi tôm, cá, như quy chuẩn xử lý phốt pho hữu cơ trong chế biến thủy sản đông lạnh. Do đó, rất mong Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét có quy chuẩn riêng, ông Nam nhấn mạnh.

Cần sự hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước, đồng hành của doanh nghiệp

Phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho biết, như VASEP trình bày ở trên, con số tương tự như thủy sản thì trong lâm sản và những mặt hàng nông nghiệp khác, doanh nghiệp nội chiếm tỉ trọng vượt trội hơn doanh nghiệp ngoại, chứng tỏ nội lực của các doanh nghiệp nội trong các hiệp hội, ngành hàng còn rất lớn. Mỗi ngành hàng đều có tiềm năng và dư địa phát triển. Tất nhiên, cùng với đó vẫn kèm theo những rủi ro. 

Vì thế, chúng tôi mong muốn sự đồng hành, kiến tạo, sự phát triển nông nghiệp nông thôn theo Nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và theo chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn mà Thủ tướng đã phê duyệt.

Chúng tôi quan niệm rằng, một mình Bộ không thể cải hóa được các vấn đề nội tại của ngành nông nghiệp và con đường phát triển của nông nghiệp không thể thiếu các hiệp hội, ngành hàng, thiếu các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Do đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã giao cho một cơ quan của Bộ chuyên trách những vấn đề đối với hiệp hội, ngành hàng trong lĩnh vực nông nghiệp. Chúng tôi cũng xác định rằng các doanh nghiệp, hiệp hội, ngành hàng không phải đối tượng để quản lý mà là đối tác cùng đồng hành trong sự kiến tạo không gian phát triển từ dự thảo hoạch định chính sách, cơ chế, thể chế cho tới quy hoạch phát triển ngành. Mỗi ngành hàng đều phải có tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội.

Ngược lại, những vấn đề khó của hiệp hội ngành hàng hay của doanh nghiệp thì không thể tự thân doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng giải quyết được mà cần sự hỗ trợ, sự tương tác, đồng hành của cơ quan quản lý nhà nước. Lĩnh vực nào thuộc Bộ thì chúng tôi sẽ chủ động giải quyết, phần nào liên bộ chúng tôi sẽ chủ động mời các bộ để cùng tham gia giải quyết. Những vấn đề vượt tầm của thể chế sẽ báo cáo với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Hai vấn đề VASEP nêu ở trên cũng là những vấn đề liên quan đến các ngành hàng tương tự. Nhiều khi cũng có sự xung đột nhất định giữa doanh nghiệp nội và doanh nghiệp ngoại, nhất là những doanh nghiệp liên quan tới nguyên liệu đầu vào của ngành nông nghiệp cho chế biến thủy sản, chế biến gỗ và những ngành hàng khác. Việc này thì Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng đã có chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT phải tìm cách tự chủ các nguyên liệu đầu vào. Chúng tôi cũng đang triển khai thông qua các hiệp hội, ngành hàng.

Thứ hai, những vấn đề về quy chuẩn xử lý nước thải. Đây là vấn đề nhiều năm, các doanh nghiệp đã kêu rất nhiều. Nhiều doanh nghiệp nói rằng tiêu chuẩn đầu ra còn khắt khe hơn tiêu chuẩn đầu vào.

Các doanh nghiệp nông nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp thủy sản, còn dư địa không gian phát triển nhưng đất để doanh nghiệp mở rộng nhà máy thì rất khó khăn. Các doanh nghiệp rất lo lắng khi quy hoạch theo vùng có thể địa phương dễ thay đổi để dành quỹ đất nuôi trồng đó cho ngành kinh doanh khác như du lịch… tạo ra sự không an tâm cho việc đầu tư.

Phát biểu kết luận Hội nghị, nhấn mạnh tinh thần đồng hành, lắng nghe, chia sẻ với doanh nghiệp, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương, cảm ơn sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, cùng cả nước đạt được những kết quả tích cực, khá toàn diện trên các lĩnh vực; bày tỏ chia sẻ với các khó khăn, thách thức và cả hy sinh, mất mát mà các doanh nghiệp gặp phải trong thời gian qua.

Thủ tướng chúc mừng các doanh nghiệp đã phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, vượt khó vươn lên, có những doanh nghiệp thua lỗ, rút lui nhưng cơ bản các doanh nghiệp phát triển được trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, đạt nhiều kết quả rất đáng trân trọng; kêu gọi các doanh nghiệp tiếp tục phát huy truyền thống, "đồng cam cộng khổ" cùng đất nước và nhân dân, khẳng định truyền thống của dân tộc ta là càng khó khăn, thách thức càng đoàn kết, thống nhất, nỗ lực, chủ động, sáng tạo, "biến nguy thành cơ".

Thủ tướng mong muốn và tin tưởng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ngày càng bản lĩnh, lớn mạnh, cùng Đảng, Nhà nước và nhân dân xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ ngày càng cao gắn với tích cực, chủ động hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.


Có thể bạn quan tâm

Một số lưu ý trong chăm sóc và quản lý thủy sản nuôi mùa nắng nóng Một số lưu ý trong chăm sóc và quản lý thủy sản nuôi mùa nắng nóng

Nhiệt độ là một trong các yếu tố quan trọng ảnh hưởng trực tiếp tới sinh trưởng của động vật thủy sản (ĐVTS).

26/07/2022
Doanh nghiệp thủy sản đối diện dấu hiệu xuất khẩu giảm tốc Doanh nghiệp thủy sản đối diện dấu hiệu xuất khẩu giảm tốc

Từ tháng 5 do thời tiết bất lợi làm ảnh hưởng đến sản lượng thủy sản, cùng với đó là thị trường bước vào mùa xuất khẩu thủy sản thấp điểm.

08/08/2022
Giải pháp giảm thiệt hại cho tôm do các bệnh nguy hiểm Giải pháp giảm thiệt hại cho tôm do các bệnh nguy hiểm

Thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ nay đến cuối năm 2022 có thể xuất hiện nhiều hình thái thiên tai.

08/08/2022