Phát triển mô hình nuôi heo trên đệm lót sinh học
Giảm thiểu ô nhiễm môi trường
Nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, nhất là mùi hôi từ chất thải, nước thải trong chăn nuôi heo, năm 2014, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư đã phối hợp với HTX nông nghiệp kinh doanh tổng hợp thị trấn Phú Hòa triển khai mô hình nuôi heo thịt đảm bảo vệ sinh môi trường có sử dụng đệm lót sinh học (nuôi heo trên đệm lót sinh học) tại thị trấn Phú Hòa.
Tham gia mô hình, các hộ nuôi heo không nuôi theo cách thông thường mà nền chuồng được rải lớp đệm lót dày khoảng 50 đến 70cm, bao gồm men Balasa N01 trộn với bột bắp và các loại nguyên liệu có độ xơ cao như mùn cưa, vỏ trấu, lõi bắp…
Bà Lê Thị Lài ở thị trấn Phú Hòa, hộ tham gia mô hình nuôi heo bằng đệm lót sinh học của Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư, cho biết: “Gia đình tôi đã nuôi heo hơn chục năm nay và gặp khá nhiều khó khăn trong việc xử lý chất thải, nhất là mùi hôi của nước thải và phân heo. Từ khi được Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư hướng dẫn làm nền chuồng bằng đệm lót lên men, mùi hôi không còn, nước thải cũng hết”.
Còn ông Phạm Xuân Long ở thị trấn Phú Hòa, cho hay: “Trước đây gia đình tôi có xây hầm bioga để xử lý chất thải, nhưng vì sử dụng nhiều năm nên hầm đã đầy, không xử lý hết lượng nước, phân thải ra mỗi ngày của đàn heo 20 con. Trong chuồng lúc nào cũng có mùi hôi của nước tiểu và phân heo, ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình và hàng xóm.
Qua hướng dẫn của Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư, gia đình tôi đã làm chuồng heo với nền chuồng là lớp đệm lót sinh học nên nước tiểu và phân heo được xử lý lên men thành phân sinh học, chuồng heo bây giờ không còn mùi hôi”.
Mô hình nuôi heo trên đệm lót sinh học không những giúp giải quyết hiệu quả chất thải trong chăn nuôi heo mà còn giúp tiết kiện được khá nhiều chi phí và thời gian. Ông Phạm Xuân Long cho biết thêm: Từ khi gia đình tôi chuyển sang nuôi heo bằng đệm lót sinh học, mỗi ngày tôi không còn mất nhiều thời gian để tắm heo và quét dọn chuồng, giúp tiết kiệm được thời gian và khá nhiều chi phí tiền điện.
Đồng thời nhờ vệ sinh môi trường được đảm bảo, không có mùi hôi, khí độc nên heo nuôi trên đệm lót sinh học hạn chế được dịch bệnh, nhất là bệnh tiêu chảy, giúp heo lớn nhanh. Trung bình mỗi con cho lãi khoảng 1 triệu đồng sau 3 tháng nuôi.
Phát triển mô hình
Hiện nay, nhiều hộ nuôi heo ở các địa phương khác đang học tập, nhân rộng mô hình nuôi heo trên đệm lót sinh học. Ông Huỳnh Văn Thế ở xã Hòa Quang Bắc (huyện Phú Hòa), cho hay: Vừa qua tôi được đi tham quan mô hình nuôi heo trên đệm lót sinh học ở thị trấn Phú Hòa, tôi nhận thấy cách nuôi này sẽ giải quyết được mùi hôi, nước thải chăn nuôi.
Vì vậy gia đình tôi đã đầu tư làm đệm lót cho 2 chuồng nuôi heo thịt (rộng 20m2) với chi phí gần 800.000 đồng. Giá thành làm đệm lót chuồng khá rẻ, trong khi đó nền đệm lót lại sử dụng được từ 3 đến 4 năm mới phải thay; sau khi thay, chất đệm lót chuồng trở thành phân vi sinh… rất hiệu quả kinh tế lại đảm bảo cho môi trường.
Từ những thành công bước đầu của mô hình nuôi heo trên đệm lót sinh học tại thị trấn Phú Hòa, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tiếp tục mở rộng mô hình tại xã Hòa Mỹ Tây (huyện Tây Hòa). Theo bà Trần Thị Minh Tâm ở xã Hòa Mỹ Tây, hiện gia đình bà đang nuôi 10 con heo thịt theo mô hình sử dụng đệm lót sinh học bằng men Balasa N01.
Thực tế nuôi cho thấy, tất cả chất thải trong chăn nuôi như phân, nước tiểu đều được đệm, men xử lý hiệu quả, không còn mùi hôi, không còn nước thải, giúp bảo vệ môi trường, giảm dịch bệnh, tăng hiệu quả kinh tế.
Ông Nguyễn Thành, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh, cho biết: Sắp tới trung tâm sẽ tiếp tục tổ chức tập huấn kỹ thuật, đưa bà con nông dân đi đến từng hộ thực hiện mô hình để quan sát, nhận xét, đánh giá khách quan về hiệu quả của mô hình nuôi heo trên đệm lót sinh học.
Qua đó sẽ tuyên truyền, vận động bà con học tập và nhân rộng mô hình, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường do chăn nuôi heo gây ra.
Có thể bạn quan tâm
Mẫu tàu YANMAR 01 do Viện Nghiên cứu Chế tạo tàu thủy sản xuất theo đơn đặt hàng của Công ty Yanmar, thí điểm dùng tàu vỏ composite. Đây là mô hình hợp tác khai thác cá ngừ đại dương giữa công ty Yanmar và ngư dân các tỉnh Nam Trung bộ.
Mấy ngày qua nhiều tàu câu cá ngừ đại dương của ngư dân Phú Yên trúng mùa lại được giá bán nhờ cách câu mới, là câu vàng thay vì câu bằng đèn cao áp như năm trước. Giá cá ngừ được các doanh nghiệp mua trong khoảng 120.000 - 200.000 đồng/kg, tùy vào chất lượng tàu cá.
Đến nay, diện tích thả nuôi cá tra toàn tỉnh Đồng Tháp là 1.114,22ha, đạt 51,8% kế hoạch, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm 2013, năng suất bình quân 341 tấn/ha. Ước 6 tháng đầu năm 2014, diện tích thả nuôi 1.467ha, đạt 68,2% kế hoạch, sản lượng thu hoạch ước đạt 195.338 tấn, tốc độ thu hoạch bình quân 33.000 tấn/tháng.
Theo thông báo từ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bình Thuận, kể từ ngày 1/8/2014 đến hết ngày 31/3/2015, các tổ chức cá nhân được khai thác các loài hải đặc sản bằng nghề lặn gồm: Sò lông, Điệp quạt, Dòm nâu, Bàn mai, Nghêu lụa trên toàn vùng biển Bình Thuận.
Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, những năm gần đây, xã Yên Đức (huyện Đông Triều - Quảng Ninh) đã tích cực chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi; ứng dụng khoa học kỹ thuật để đưa các con giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Dự án nuôi cá trắm đen thương phẩm được triển khai thí điểm ở xã Yên Đức là một trong những mô hình mới như vậy.