Phát triển kinh tế nhờ nuôi cá nước ngọt
Từ nguồn vốn Chương trình xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Thuận đã hỗ trợ nhiều địa phương phát triển các mô hình nông nghiệp hiệu quả. Mới đây nhất là mô hình “Nuôi cá thát lát an toàn sinh học bằng thức ăn công nghiệp theo liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ” trên địa bàn xã Gia An (Tánh Linh), giúp các hộ dân phát triển kinh tế.
Khá lên nhờ nuôi cá
Chúng tôi đến Tánh Linh đúng vào dịp địa phương đang diễn ra hội thảo “Phát triển nuôi trồng thủy sản nước ngọt khu vực thung lũng sông La Ngà”. Tại đây, hầu hết các hộ dân nuôi trồng thủy sản tiêu biểu, hiệu quả đều có mặt. Hộ ông Phạm Xuân Thanh, thôn 8, xã Gia An, Tánh Linh là một trong số đó.
Sau ít phút gặp gỡ, chúng tôi tìm đến nơi ông sinh sống, sản xuất trên diện tích 5.000 m2 ao với hơn 10 ô riêng biệt, nuôi nhiều loại cá. Đi dọc tuyến kênh chính Nam, nơi có nguồn nước ra vào thường xuyên, các ao nuôi cá của gia đình ông trải dài, bao quanh ngôi nhà nhỏ. Vợ ông Thanh - bà Lê Thị Bé hồ hởi khoe với chúng tôi: Gia đình nuôi cá từ mấy năm nay, nhưng cá thát lát thì mới mua giống do Nhà nước hỗ trợ, thả được hơn 1 tháng. Ngoài ra, chúng tôi còn nuôi cá trê từ năm 2018, rất thành công. Theo chia sẻ của bà Bé, cá thát lát nuôi 8 tháng sẽ cho thu hoạch, trọng lượng từ 4 lạng trở lên. Thức ăn cá từ cám viên và tận dụng các loại cá tạp. Riêng cá trê nuôi 4 tháng có thể thu hoạch. Đáng mừng, khi tham gia mô hình nuôi cá thát lát, sản phẩm sẽ được Công ty TNHH TMDV Phối Phối (thị trấn Lạc Tánh) liên kết thu mua với giá 80.000 đồng/kg, cá rô và cá diêu hồng 40.000 đồng/kg. Riêng cá chình hiện xuất bán dao động từ 450.000 - 480.000 đồng/kg. Nhẩm tính về chi phí đầu tư 5.000 m2 ao, bà Bé cho hay mỗi lứa đầu tư khoảng 50 triệu đồng, doanh thu 70 - 80 triệu đồng/lứa. Riêng cá thát lát hiệu quả hơn, thu lợi 30 - 40 % tổng doanh thu.
Nhân rộng mô hình, tận dụng lợi thế
Đối với người dân nuôi trồng thủy sản khu vực thung lũng sông La Ngà, việc được hưởng lợi từ các chương trình hỗ trợ từ nguồn vốn Chương trình xây dựng nông thôn mới, sẽ góp phần giúp bà con khắc phục khó khăn về nguồn vốn đầu tư. Trong đó, mô hình “Nuôi cá thát lát an toàn sinh học bằng thức ăn công nghiệp theo liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ” trên địa bàn xã Gia An đã và đang nhận được đồng thuận của địa phương và người dân. Chương trình được thực hiện trên quy mô 450 m3 lồng bè và 3.500 m2 ao đất, với tổng số giống thả nuôi là 61.750 con/13 hộ (giá trị cá giống 5.000 đồng/con), trong đó Nhà nước hỗ trợ 70% con giống và 30% thức ăn từ Chương trình xây dựng nông thôn mới, tổng kinh phí trên 500 triệu đồng. Hiện nay, cá sinh trưởng, phát triển bình thường.
Có thể nói địa bàn xã Gia An là nơi có lợi thế về nuôi trồng và phát triển nguồn lợi thủy sản nước ngọt, với lòng hồ Biển Lạc có mặt nước ổn định hàng năm trên 1.000 ha và dòng sông La Ngà chạy dọc về địa bàn khoảng 15 km. Đây là điều kiện thuận lợi để các loài cá nước ngọt có điều kiện sinh sản và phát triển quanh năm. Trong đó có nhiều loài thủy sản có giá trị kinh tế cao như cá thát lát, bống tượng, lươn, cá chạch…
Theo ông Mai Trí Mân - Chủ tịch UBND xã Gia An, lượng đánh bắt tự nhiên từ hồ Biển Lạc và sông La Ngà hằng năm lên đến hàng trăm tấn. Nhờ vậy, giúp các hộ dân có việc làm, tăng thu nhập trong lúc nông nhàn. Vào năm 2018, Hội Nông dân xã đã khảo sát, chọn những hộ dân đã gắn bó với nghề nuôi cá lâu năm để thành lập 1 Tổ hội nghề nghiệp nuôi trồng thủy sản nước ngọt xã Gia An gồm 19 thành viên. Qua 1 năm hoạt động, nông dân được tiếp cận với kỹ thuật nuôi trồng, tiếp cận thị trường tiêu thụ và được hỗ trợ vay vốn, con giống để đầu tư phát triển. Qua đó tạo thuận lợi trong việc chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm, tận dụng và phát huy tối đa tiềm năng về diện tích mặt nước hồ Biển Lạc.
Có thể bạn quan tâm
Trong nuôi trồng thủy sản, tỏi có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, phòng trị bệnh cho tôm cá nuôi, đặc biệt các nhóm vi khuẩn gây bệnh, nấm, ký sinh trùng.
Công nghệ nuôi trên bờ tuần hoàn nước sẽ không xả thải ra môi trường. Công nghệ đó để áp dụng cho xử lý nuôi tôm hùm, tránh việc nuôi trong các đầm vịnh
Cá nheo Mỹ (Ictalurus punctatus Rafinesques, 1818) có tên tiếng Anh Channel catfish là loài cá bản địa của châu Mỹ và hiện nay đã trở thành đối tượng nuôi