Hiệu quả nuôi cá nheo Mỹ ở Hưng Yên
Là đối tượng nuôi có nhiều tiềm năng về mặt kinh tế và giá trị dinh dưỡng, mô hình nuôi cá nheo Mỹ được phát triển tại nhiều địa phương khu vực Đồng bằng sông Hồng. Học viện Nông nghiệp Việt Nam cũng triển khai mô hình nuôi thử nghiệm cá nheo Mỹ tại vùng quy hoạch NTTS của tỉnh Hưng Yên và đã cho những kết quả khả quan.
Tiềm năng lớn
Cá nheo Mỹ (Ictalurus punctatus Rafinesques, 1818) có tên tiếng Anh Channel catfish là loài cá bản địa của châu Mỹ và hiện nay đã trở thành đối tượng nuôi thủy sản quan trọng của nhiều nước trên thế giới. Cá nheo Mỹ có giá trị dinh dưỡng cao, giàu khoáng và vitamin, tỷ lệ đạm trong thịt cá cao nhưng cholesterol thấp. Thịt cá không có xương dăm, dễ chế biến thành nhiều món ngon do đó được ưa chuộng trên thị trường, giá cá thương phẩm giao động từ 60.000 - 80.000 đồng/kg. Cá nheo Mỹ có ngưỡng chịu nhiệt rộng, khả năng chịu nhiệt tốt hơn cá rô phi, cá chim trắng và nhiều loài cá khác. Ở Việt Nam, cá nheo Mỹ đã được nuôi ở một số tỉnh miền Bắc như Hải Dương, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thanh Hóa, Yên Bái, Hòa Bình…; đây là đối tượng nuôi có thể góp phần đa dạng đối tượng nuôi cho vùng Đồng bằng sông Hồng, tạo được sản phẩm hàng hóa có chất lượng cho người tiêu dùng.
Cá nheo Mỹ có thể nuôi trong các hệ thống nuôi khác nhau như ao đất, lồng bè và trong bể, có thể thả ghép với cá khác như chép, mè để tận dụng tầng nước và tăng hiệu quả kinh tế. Thức ăn để nuôi thương phẩm cá nheo Mỹ là thức ăn công nghiệp, cá có tốc độ tăng trưởng nhanh, sau 1 năm đạt trọng lượng 1,3 - 2 kg/con, sau 18 tháng đạt 2,5 - 3 kg/con.
Hiệu quả thả nuôi
Mô hình được Học viện Nông nghiệp Việt Nam triển khai nuôi thử nghiệm trong ao có diện tích từ 2.000 - 2.500 m2, độ sâu nước từ 1,5 -2 m, mật độ thả ban đầu 1,5 và 2 con/m2. Cá được cho ăn thức ăn viên nổi của hãng CJ Master. Trong 6 tháng đầu, cá được cho ăn thức ăn có hàm lượng 35% protein với mức 5% khối lượng cá/ngày, khi cá đạt trên 800 g/con đến khi thu hoạch được cho ăn thức ăn 30% protein với khẩu phẩn từ 3 - 2% khối lượng cá. Cá được cho ăn 2 lần/ngày, lượng thức ăn được theo dõi điều chỉnh theo diễn biến của thời tiết và chất lượng nước ao nuôi. Sau 6 và 9 tháng nuôi, tất cả các ao được san thưa về mật độ 1 con/m2. Các ao nuôi đều được lắp hệ thống phun mưa FP-150 với công suất 1,5 KW, tạo ra 45 m3 nước/giờ để tạo ôxy trong ao nuôi. Trong quá trình nuôi định kỳ hàng tháng sử dụng thuốc khử trùng BKC800, sau 3 ngày tiếp tục bổ sung chế phẩm sinh học NB25 làm sạch môi trường và trong 4 tháng đầu được cho ăn thuốc xử lý nội và ngoại ký sinh. Khi phát hiện cá có biểu hiện nhiễm khuẩn, ngoài việc khử trùng nước còn sử dụng kháng sinh Flophenicol cho cá ăn 5 ngày liên tục với liều 15 mg/kg cá/ngày.
Hệ số chuyển hóa thức ăn 2,5 - 2,8. Các yếu tố môi trường ở ao nuôi tương đối ổn định, nằm trong khoảng thích hợp cho sinh trưởng và phát triển của cá nheo Mỹ. Ở mô hình mật độ nuôi 1 con/m2 có hệ số chuyển hóa thức ăn thấp nhất, cao hơn các mô hình nuôi cá truyền thống hay nuôi rô phi đơn tính. Các mô hình thả mật độ cao (1,5 con/m2 và 2 con/m2) nếu tiến hành san đàn phù hợp sẽ cho hiệu quả kinh tế cao hơn.
Trong quá trình nuôi, để đạt hiệu quả cao, người nuôi cần chú ý về thời điểm thả giống, thích hợp là tháng 3 hoặc tháng 4, nhưng muốn có con giống cỡ này để nuôi thương phẩm cần phải ương giống qua đông để chủ động con giống sớm, khi đó sẽ có cá thương phẩm kích cỡ lớn được thị trường ưa chuộng.
Nên nuôi đơn cá nheo Mỹ, thả với mật độ ban đầu 2 con/m2 để tiết kiệm chi phí, sau khoảng 4 tháng nuôi khi cá đạt trên 500 g/con tiến hành san đàn khi thời tiết còn ấm để giảm mật độ nuôi xuống 1 con/m2. San đàn để tránh cạnh tranh về thức ăn và không gian sống có thể dẫn đến cá bị nhiễm bệnh làm giảm hiệu quả sử dụng thức ăn. Không nên nuôi cá nheo Mỹ với mật độ dày để tránh hiện tượng nổi đầu do thiếu khí, ảnh hưởng tới sinh trưởng và hệ số sử dụng thức ăn của cá. Các hộ nuôi cần chủ động máy móc, thiết bị hỗ trợ như quạt nước hoặc phun mưa để tránh hiện tượng cá nổi đầu vào lúc nhạy cảm về thời tiết.
Mô hình thực nghiệm cho thấy, cá nheo Mỹ có tốc độ lớn tốt, khả năng sử dụng và hấp thu thức ăn có hiệu quả. Tốc độ sinh trưởng khoảng 6 - 7 g/con/ngày. Tỷ lệ sống đạt 94 - 96%. Thả cá cỡ 31 g/con với mật độ nuôi 1 con/m2, sau 13 tháng cho hiệu quả kinh tế đạt khoảng 250 triệu/ha/năm.
Có thể bạn quan tâm
Cá hô (Catlocarpio siamensis) là một loài cá quý trên sông MeKong và là một đặc sản của ĐBSCL. Cá hô có giá trị kinh tế cao, tuy nhiên để nuôi được loài cá này
Trong nuôi trồng thủy sản, tỏi có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, phòng trị bệnh cho tôm cá nuôi, đặc biệt các nhóm vi khuẩn gây bệnh, nấm, ký sinh trùng.
Công nghệ nuôi trên bờ tuần hoàn nước sẽ không xả thải ra môi trường. Công nghệ đó để áp dụng cho xử lý nuôi tôm hùm, tránh việc nuôi trong các đầm vịnh