Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Phát Triển Kinh Tế Biển

Phát Triển Kinh Tế Biển
Ngày đăng: 03/09/2013

Với 32km bờ biển, 81 nghìn ha bãi bồi ven biển và gần 4.000ha đất ngập triều, những năm qua, huyện Giao Thủy (Nam Định) đã tập trung phát triển kinh tế biển trở thành ngành kinh tế “mũi nhọn” của huyện, trọng tâm là phát triển lực lượng khai thác xa bờ, xây dựng hạ tầng dịch vụ nghề cá và phát triển nuôi trồng thủy sản, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của huyện.

Trong phát triển nuôi trồng thuỷ hải sản, huyện đã tập trung rà soát, bổ sung quy hoạch các vùng nuôi, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển các vùng nuôi tôm công nghiệp tập trung tại các xã Giao Phong, Bạch Long, Giao Thiện và Thị trấn Quất Lâm, nuôi ngao tại vùng đệm và phục hồi sinh thái Vườn Quốc gia Xuân Thủy… Để bảo đảm nuôi trồng thủy sản phát triển ổn định và bền vững, khâu sản xuất giống được huyện tập trung chỉ đạo.

Hiện, trên địa bàn huyện có 11 trại sản xuất giống thủy sản nước lợ và 1 trại giống nước ngọt, tập trung vào các loài chủ lực như: tôm sú, ngao, hàu, tu hài, cua biển, cá bống bớp… Các trại sản xuất giống thủy sản tiêu biểu của gia đình các ông: Đinh Thanh Khiết (Giao Phong), Trần Văn Tỉnh (Giao Thiện), Mai Thế Chính (Giao Lạc)... đã đáp ứng được nhu cầu con giống của các hộ nuôi trên địa bàn.

Trung tâm Giống hải sản tỉnh đặt trên địa bàn huyện đã làm chủ được công nghệ sinh sản nhân tạo các giống cá: chim biển vây vàng, sủ đất, vược… nhằm đa dạng hóa đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao. Huyện tăng cường áp dụng các biện pháp chuyển giao công nghệ tiên tiến cho các vùng nuôi công nghiệp, bán công nghiệp, nhờ đó, phong trào nuôi thủy sản phát triển mạnh cả về diện tích, năng suất và sản lượng.

Năm 2012, tổng diện tích nuôi thủy sản toàn huyện đạt 5.096ha, trong đó diện tích nuôi mặn lợ đạt 3.910ha, diện tích nuôi nước ngọt đạt 1.186ha. Sản lượng nuôi thủy sản đạt 19.980 tấn, trong đó một số đối tượng nuôi cho năng suất cao như: ngao 16.400 tấn, tôm thẻ chân trắng 860 tấn, tôm sú 150 tấn, cá nước ngọt 2.300 tấn...

Bình quân năng suất mỗi vụ tôm thẻ chân trắng tại các vùng nuôi công nghiệp đạt 5-7 tấn/ha, trong đó một số hộ đạt 10 tấn/ha, lãi từ 300-400 triệu đồng/ha; nhiều hộ nuôi tôm vụ đông đạt năng suất 4 - 5 tấn/ha. Nghề nuôi ngao cũng phát triển mạnh giải quyết việc làm cho hơn 5.000 lao động thường xuyên và hàng chục nghìn lao động thời vụ, nhiều hộ thu lãi hàng tỷ đồng từ nuôi ngao.

Đối với nghề khai thác, huyện khuyến khích phát triển, khai thác thủy hải sản xa bờ, nâng cao sản lượng đánh bắt, tập trung đầu tư chuyển mạnh sang khai thác các loại hải sản có giá trị kinh tế cao bằng các biện pháp cụ thể như: hỗ trợ kinh phí mua dầu, đóng mới tàu thuyền, mua bảo hiểm cho thuyền viên, bảo hiểm thân tàu cho ngư dân theo Quyết định số 289/QĐ-TTg ngày 18-3-2008 của Thủ tướng Chính phủ.

Các hoạt động dịch vụ hậu cần phục vụ nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản như: may lưới, thu mua, sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ cung ứng nhiên liệu xăng, dầu, sản xuất nước đá… tiếp tục được mở rộng từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển nghề nuôi trồng và khai thác thủy sản.

Để thực hiện nâng cấp hệ thống vận tải dịch vụ hậu cần nghề cá, huyện đang tích cực đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án xây dựng cảng cá Thịnh Lâm tại Thị trấn Quất Lâm. Anh Nguyễn Văn Mạnh, ngư dân ở Thị trấn Quất Lâm cho biết: “Chúng tôi rất vui khi dự án khu neo đậu tránh, trú bão cho tàu, thuyền đang được thực hiện, giúp ngư dân yên tâm hơn trong việc bảo vệ tàu thuyền trong mùa mưa bão”.

Đến nay, toàn huyện có 891 tàu với tổng công suất trên 34.000CV, trong đó, số tàu có công suất máy dưới 20CV là 701 chiếc, công suất từ 20CV đến 90CV là 8 chiếc, công suất trên 90CV là 182 chiếc. Tổng sản lượng khai thác hằng năm bình quân của huyện đạt gần 9.000 tấn. Trong 6 tháng đầu năm 2013, sản lượng khai thác của huyện đạt 5.373 tấn, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2012.

Cùng với việc đẩy mạnh nuôi trồng, đánh bắt, nghề chế biến hải sản được duy trì và phát triển trong các hộ dân, sản phẩm chủ yếu là nước mắm, mắm tôm, tôm, cá khô, sứa mặn, sứa ăn liền… tập trung ở các xã Giao Châu, Giao Yến, Giao Hải, Giao Thiện...

Xã Giao Hải nằm trong vùng đệm của Vườn Quốc gia Xuân Thủy, có 1,8km bờ biển. Hiện, toàn xã có trên 250 phương tiện đánh bắt hải sản, thu hút hơn 500 lao động trực tiếp và tạo việc làm cho hàng trăm lao động thời vụ. Ngoài ra, diện tích nuôi ngao của xã rộng trên 130ha, cho nhiều hộ thu lãi từ 300 - 400 triệu đồng/năm.

Nguồn nguyên liệu từ nghề đánh bắt và nuôi hải sản tạo điều kiện phát triển nghề chế biến hải sản trên địa bàn. Hằng năm, các cơ sở chế biến thủy sản của xã xuất bán trên 3.000 tấn sứa và trên 1.000 tấn tôm, cá các loại cung ứng ra thị trường nội địa và xuất khẩu.

Khai thác lợi thế tự nhiên để phát triển du lịch sinh thái và nghỉ mát, những năm qua, ngành du lịch Giao Thủy đã góp phần quan trọng vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện. Lượng khách hằng năm đến Giao Thủy bình quân tăng 20 - 25%/năm, doanh thu từ du lịch đạt trên 55 tỷ đồng/năm.

Thời gian tới, huyện chủ trương huy động các nguồn lực tập trung khai thác, phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên, tài nguyên du lịch phong phú, đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái biển chất lượng cao, lập dự án khu du lịch nghỉ dưỡng Giao Phong và khu du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Xuân Thủy.

Để đảm bảo cả lợi ích trước mắt và lâu dài, huyện xác định kinh tế biển cần được tập trung đầu tư, tổ chức quản lý, khai thác đồng bộ, đạt hiệu quả kinh tế cao trên tất cả các lĩnh vực: nuôi trồng, đánh bắt, dịch vụ thương mại, chế biến xuất khẩu và du lịch sinh thái, đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái biển bền vững. Huyện sẽ tiếp tục bổ sung hoàn thiện quy hoạch nuôi trồng thủy sản, nhất là vùng nuôi mặn lợ. Quản lý chặt chẽ hơn về con giống, đảm bảo số lượng và chất lượng những loài chủ lực như: ngao, tôm, cua và các loại cá nước ngọt.

Đẩy mạnh phát triển thị trường, xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm thủy sản đáp ứng tiêu dùng và xuất khẩu. Củng cố và nâng cao năng lực các đội tàu đánh bắt xa bờ. Kết hợp chặt chẽ giữa khai thác tiềm năng, phát triển kinh tế với củng cố hệ thống chính trị các xã ven biển, giữ vững an ninh - quốc phòng, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.


Có thể bạn quan tâm

Thu Lợi Nhuận Cao Bằng Cách Xử Lý Chôm Chôm Ra Trái Nghịch Vụ Thu Lợi Nhuận Cao Bằng Cách Xử Lý Chôm Chôm Ra Trái Nghịch Vụ

“Trúng mùa mất giá”, hay “đụng hàng dội chợ” là những điệp khúc mà người nông dân luôn phải đối mặt. Để né tranh diệp khúc này, nhiều nông dân trồng cây ăn trái đã tìm hướng đi mới cho mình bằng cách xử lý cho cây ra trái vụ nghịch, mục đích bán được giá cao và nông dân trồng chôm chôm java Nguyễn Văn Sum ấp Phụng Đức A, xã Phú Phụng, huyện Chợ Lách đã thành công trong việc xử lý cho cây chôm chôm ra trái vụ nghịch. Năng suất đạt trên 6 tấn thu lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng.

22/03/2012
Nghiên Cứu Ứng Dụng Các Kỹ Thuật Và Quản Lý, Phát Triển Nhãn Hiệu Tập Thể “Cá Ngừ Đại Dương Phú Yên” Nghiên Cứu Ứng Dụng Các Kỹ Thuật Và Quản Lý, Phát Triển Nhãn Hiệu Tập Thể “Cá Ngừ Đại Dương Phú Yên”

Sáng 6/6, Hội đồng khoa học tỉnh Phú Yên tổ chức xét duyệt và thông qua đề tài “Nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật và quy trình quản lý sản phẩm nâng cao giá trị tài sản trí tuệ và phát triển nhãn hiệu tập thể “Cá ngừ đại dương Phú Yên” (PHUYEN TUNA)”.

10/06/2012
Thử Nghiệm Cà Chua Hồng Châu Thử Nghiệm Cà Chua Hồng Châu

Phòng NN - PTNT Lục Ngạn (Bắc Giang) đang hỗ trợ 38 hộ nông dân ở thôn Thượng, xã Hồng Giang thực hiện mô hình trồng 4 ha giống cà chua Hồng Châu của Cty Sygenta Việt Nam. Đây là giống cà chua lai F1, có đặc điểm: kháng bệnh vàng xoăn lá tốt; sinh trưởng và phát triển khoẻ, chiều cao của cây đạt từ 1,2 – 1,4 m; tỷ lệ cây ra hoa và đậu quả sai (từ 80 – 120 quả/cây)

20/08/2011
Nông Dân Quảng Ngãi Loay Hoay Vì Tôm Chết Hàng Loạt Nông Dân Quảng Ngãi Loay Hoay Vì Tôm Chết Hàng Loạt

Hiện nay nhiều vùng nuôi tôm ở tỉnh Quảng Ngãi đã xảy ra tôm chết hàng loạt, khiến nông dân loay hoay chưa có biện pháp khắc phục. Đặc biệt 5 xã phía đông của huyện Tư Nghĩa đã xuống giống khoảng 150 ha diện tích ao, hồ, nhưng đã có hơn 100 ha tôm chết, khiến bà con rơi vào cảnh điêu đứng.

10/06/2012
Khó Khăn Gì Khi Làm GAP ? Nhà Vườn Trực Tiếp Sản Xuất Nói Gì ? Khó Khăn Gì Khi Làm GAP ? Nhà Vườn Trực Tiếp Sản Xuất Nói Gì ?

Tấm giấy chứng nhận GlobalGAP đã và đang nâng dần giá trị trái ngon ở ĐBSCL. Tuy vậy, bên cạnh cái được thì vẫn còn tồn tại cái chưa được GlobalGAP.

25/03/2012