Phát triển diện tích cây mắc ca không nên nóng vội chạy theo phong trào
Hiện, cây mắc ca đã được tỉnh quy hoạch trồng tại huyện Tuy Đức, nhưng gần đây, nhiều hộ dân đã tự phát đưa vào trồng ở nhiều vùng đất chưa được các cơ quan chuyên môn khuyến cáo nên trồng.
Trước thực tế đó, ngành Nông nghiệp tỉnh khuyến cáo nông dân chưa nên trồng mới cây mắc ca một cách đại trà, mặc dù đã xác định đây là một giống cây trồng mới có tiềm năng tại địa phương.
Có hiện tượng chạy theo phong trào
Để đánh giá khả năng thích ứng của cây mắc ca trên các vùng đất khác nhau trên địa bàn tỉnh, năm 2010, ngành Khuyến nông tỉnh đã tiến hành thực hiện mô hình trình diễn với quy mô 11 ha tại 3 phân vùng khí hậu chính của tỉnh.
Tính đến đầu năm 2014, từ nguồn kinh phí của các chương trình, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh đã triển khai được 44,8 ha, cho 96 hộ nông dân trên địa bàn 7 huyện, thị xã là Tuy Đức, Đắk R’lấp, Đắk Mil, Đắk Glong, Đắk Song, Krông Nô và thị xã Gia Nghĩa tham gia.
Mặc dù, quá trình triển khai các mô hình bước đầu mới chỉ dừng lại ở việc đánh giá kết quả thử nghiệm, nhưng, thời gian qua, trước những nhận định về giá trị kinh tế cao của cây mắc ca nên đã có không ít hộ dân tự phát trồng loại cây này. Đơn cử, trường hợp của ông Nguyễn Kiến Phương ở thôn 5, xã Quảng Sơn (Đắk Glong).
Ông Phương cho biết: “Gần 10 năm qua, gia đình tôi chủ yếu tập trung phát triển cây ăn trái như bơ, sầu riêng… Nhưng gần đây, tôi thấy nhiều người bàn tán với nhau về cũng hiệu quả kinh tế của cây mắc ca. Mặc dù, tôi chưa hề nhìn thấy cây mắc ca như thế nào nhưng trước “tin đồn” như thế, tôi cảm thấy rất tò mò và đã mua giống về trồng 1 ha mắc ca. Sau 3 năm trồng, vườn cây vẫn xanh tốt nhưng tôi cảm thấy không yên tâm vì mình trồng mà chưa biết thị trường “đầu ra” của sản phẩm như thế nào”.
Do đó, năm 2013, ông Phương đã nhổ và chuyển toàn bộ số mắc ca ra bờ rẫy để nhường đất trồng các loại cây khác như cây bơ mang lại hiệu quả thấy rõ hơn.
Gia đình ông Dương Văn Thắng ở thôn Nghĩa Thuận, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) cũng có gần 2 ha đất trồng cà phê, hồ tiêu. Đầu năm nay, ông dự định mua giống mắc ca về trồng nhưng khi liên lạc giống tại thành phố Buôn Ma Thuột thì các vựa cây giống bắt buộc ông phải gửi tiền ứng trước tới 30% - 40% mới mua được cây giống. Vì nguồn giống mắc ca đã được người khác “xí phần” hết rồi.
Ông Thắng cho biết: “Tôi đặt giống cây qua điện thoại. Không biết chất lượng giống thế nào nhưng cũng hết sức nhiêu khê vì phải tranh giành, đặt cọc trước mới mua được giống cây”. Tương tự, gia đình ông Phan Văn Dụ ở thôn 13, xã Đắk Lao (Đắk Mil) trồng thử 100 cây mắc ca từ năm 2010, qua theo dõi, đến thời điểm ra trái bói thì có 90/100 cây có hoa nhưng chỉ đạt khoảng 5 kg quả/90 cây…
Cần giúp người dân hiểu rõ hơn về cây mắc ca
Trong thời gian qua, không ít hộ dân tự phát trồng mắc ca đã mua phải giống bán trôi nổi trên thị trường, giống không rõ nguồn gốc, kém chất lượng. Ngoài ra, do chạy theo phong trào nên nông dân ở một số huyện đã trồng mắc ca trên những vùng đất không phù hợp với định hướng quy hoạch phát triển mắc ca của tỉnh.
Ông Hồ Gấm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp – PTNT tỉnh cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông mới chỉ chọn ra được vùng đất phù hợp về điều kiện sinh thái cho cây mắc ca sinh trưởng và phát triển, đó là huyện Tuy Đức. Các địa phương khác vẫn đang trong quá trình khảo nghiệm, do đó nông dân không nên trồng đại trà. Vấn đề này, chúng tôi đã khuyến cáo từ năm 2010 nhưng do nhiều người bất chấp rủi ro, chỉ nghe nói về cái lợi khi phát triển cây trồng này nên cứ tự phát trồng”.
Cũng theo ông Gấm thì việc trồng cây mắc ca không hề đơn giản vì để có một vườn cây phát triển toàn diện, đạt tiêu chuẩn về năng suất, chất lượng, yêu cầu người trồng mắc ca phải đảm tuân thủ các yêu cầu về chọn giống, điều kiện đất đai, khí hậu (nhiệt độ, chế độ mưa, gió), độ cao và tuân thủ nghiêm ngặt kỹ thuật trồng, chăm sóc… Theo các chuyên gia thì những vùng đất trồng cây mắc ca phải đáp ứng đủ các tiêu chí như nhiệt độ trung bình năm từ 20-230C mới có thể giúp phân hóa mầm hoa và vùng đất không quá nhiều gió lớn vì mắc ca chịu gió bão kém...
Đó mới chỉ là những thông số về kỹ thuật canh tác đối với loại cây trồng này. Còn nếu nhìn nhận một cách đơn giản hơn về cây mắc ca thì đa số người dân đều không biết gì về loại cây trồng này. Bởi phần đông bà con chưa hề nhìn thấy hình dáng cây mắc ca là như thế nào, chứ nói gì đến hạt mắc ca. Do đó, các cấp, ngành chuyên môn tỉnh cần có biện pháp tuyên truyền cụ thể, trực quan hơn để người dân hiểu rõ hơn về cây mắc ca. Từ đó, họ mới nhìn nhận có nên trồng hay không để tránh những rủi ro sau này.
Có thể bạn quan tâm
Nam ưu 209 là giống lúa lai 3 dòng do Công ty cổ phần Giống cây trồng Miền Nam (SSC) lai tạo. Ngoài việc nổi bật về chất lượng gạo: Hạt dài > 7 mm, cơm dẻo mềm, vị đậm, mùi thơm nhẹ, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, nam ưu 209 còn có khả năng kháng rất tốt bệnh đạo ôn ở vụ xuân, bệnh bạc lá ở vụ mùa.
Đây là lớp tập huấn nằm trong chương trình dự án nông nghiệp cận đô thị gắn với trồng cây bí xanh an toàn tại Văn Lang, huyện Hạ Hòa với quy mô của dự án 25ha, với 380 hộ tham gia. Tổng kinh phí thực hiện trên 2 tỷ đồng. Trong đó tỉnh và huyện hỗ trợ bà con nông dân về giống, chi phí triển khai tập huấn, vật tư, kiểm tra quản lý xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm.
Huyện có cơ chế chính sách khuyến khích mở rộng diện tích cây vụ đông; đồng thời yêu cầu các xã, thị trấn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quy gọn vùng sản xuất với từng loại cây trồng, ưu tiên mở rộng diện tích gieo trồng các loại khoai tây, bí đỏ, dưa chuột... để tăng giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích gieo trồng.
Từ giống bơ Booth có nguồn gốc ngoại nhập, anh Nguyễn Khắc Ngữ (thôn Đức Thành, xã Đức Mạnh, H.Đắk Mil, Đắk Nông) đã tạo cho mình hướng làm giàu mới giữa vùng đất chuyên canh cà phê.
Ngày 9.10, tại TP.Long Xuyên (An Giang), Sở NN-PTNT tỉnh An Giang phối hợp cùng Quỹ bảo vệ môi trường (EDF) và Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL tổ chức hội thảo tổng kết dự án “Canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính giai đoạn 2012 - 2014”. Đây là dự án thực hiện từ tháng 7.2012 tại H.Phú Tân (An Giang) và H.Tân Hiệp (Kiên Giang).