Phát Triển Cây Sắn Như Thế Nào Vẫn Là Câu Hỏi Chưa Lời Đáp
Là vùng trung du miền núi có nhiều diện tích đất đồi nên từ lâu cây sắn đã trở thành cây trồng chủ lực của Phú Thọ. Vào những năm tình hình lương thực khó khăn sắn là cây trồng chủ yếu đảm bảo cân đối đủ ăn.
Giai đoạn từ những năm 1990 về trước trên đồi Phú Thọ bát ngát đâu đâu cũng là sắn, sắn là nguồn lương thực chủ yếu không chỉ cho người mà còn chăn nuôi, có năm diện tích lên tới đến 55-60 ngàn ha, sản lượng lên tới hàng chục vạn tấn củ tươi.
Khi các địa phương cân đối được lương thực, diện tích trồng sắn thu hẹp dần, nhiều vùng cây sắn gần như mất hẳn, đến giờ chủ yếu còn trồng ở các huyện miền núi Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập, Tam Nông, Thanh Ba... với tổng diện tích khoảng trên dưới 8.000ha. Tuy là cây trồng lâu năm song đến nay thâm canh, chế biến tiêu thụ sắn vẫn còn nhiều bất cập.
Năm 2014 cả tỉnh trồng được 8.577ha, chủ yếu ở các huyện Thanh Sơn 1.931ha, Tân Sơn 1.432ha, Yên Lập 903ha năng suất bình quân gần 14 tấn/ha (tăng 2tấn/ha so với 3 năm trước) sản lượng khoảng 117 ngàn tấn.
So với nhiều năm trước, việc trồng sắn của nông dân có một số thay đổi, diện tích đất đồi trồng thuần đã thu hẹp lại chỉ còn khoảng 3.000ha, chủ yếu ở những xã có nhiều đất mầu đồi, vừa kết hợp trồng sắn vừa xen lạc, đỗ, đậu, khoai sọ, sử dụng chủ yếu là giống mới, bón phân hóa học nên năng suất tăng hơn.
Nhiều diện tích cho năng suất 1.000-1.200kg/sào, tương đương 25-30 tấn củ tươi/ha, bình quân chung đạt 15-18 tấn/ha. Phần còn lại là đất đồi cao, tập trung nhiều ở những vùng miền núi có nhiều đất nương rẫy, đất trồng rừng. Những vùng này tuy diện tích lớn, nhưng hầu hết sắn trồng quảng canh, năng suất thấp bình quân chỉ đạt 7-8 tấn/ha.
Về chế biến và tiêu thụ sắn trên địa bàn từ năm 2010 trở lại đây không có thay đổi. Các xã vùng thấp chủ yếu làm sắn lát, sắn nạo phơi khô một phần bán cho cơ sở sản xuất cồn, rượu, xuất khẩu; một phần sử dụng làm thức ăn chăn nuôi.
Các xã vùng núi chủ yếu bán sắn củ tươi cho cơ sở chế biến tinh bột, một số ít đưa đi tỉnh ngoài. Hiện nay trên địa bàn có hai cơ sở chế biến tinh bột sắn đặt tại huyện Thanh Sơn, công suất khoảng vài trăm tấn củ tươi/ngày, song do đặc thù sản xuất thời vụ nên hoạt động cầm chừng theo mùa vụ.
Nguyên nhân do sắn tươi trên địa bàn chỉ tập trung vào dịp cuối năm, khi sản xuất do tinh bột trong chất thải lên men có mùi hôi, thối khó chịu, phải chi phí xử lý môi trường. Lượng sắn tươi thu gom chuyển về các tỉnh đồng bằng để chế biến tinh bột rất hạn chế, phần do nhu cầu ít, phần vì chi phí vận chuyển quá tốn kém.
Thời điểm khi Nhà máy tinh bột sắn Sơn Sơn thu mua thì giá sắn tươi còn đạt 1.200-1.500 đồng/kg, khi nhà máy dừng sản xuất thì giá chỉ còn dưới 1.000 đồng/ kg, có nơi giá sắn củ tươi còn 500-600 đồng mà rất khó bán. Để chuẩn bị đón đầu phục vụ nguyên liệu cho Nhà máy Ethanol Tam Nông, từ năm 2011 ngành nông nghiệp và một số huyện đã đầu tư chuyển giao kỹ thuật, đưa giống sắn mới về trồng.
Qua đánh giá các mô hình trồng sắn đầu tư thâm canh, trồng bằng giống KM 94 đều cho năng suất 25-30 tấn/ha, song đến nay nhà máy dừng xây lắp nên việc mở rộng diện tích, đầu tư trồng sắn chưa được triển khai, lối thoát cho cây sắn còn đang rất mông lung, người trồng sắn chưa thể yên tâm.
Theo tính toán nếu trồng 1ha sắn cho năng suất 20 tấn/ha, giá bán như vài năm qua thì sau gần một năm sản xuất người trồng sắn chỉ cho thu nhập trên, dưới 20 triệu đồng/ha.
Dù đây là loại cây trồng chi phí đầu tư công, vật tư trồng, chăm sóc không lớn, nhưng công thu hoạch rất vất vả, tốn kém nên với cách trồng và tiêu thụ như hiện nay, giá trị thu nhập của cây sắn quá thấp, khó khuyến khích. Đó là chưa kể với cách trồng quảng canh năng suất chỉ đạt dưới 10 tấn/ha, thu nhập mới cập đầu tư nên khó thu hút người dân trồng sắn…
Để đạt hiệu quả, ít nhất năng suất sắn phải đạt từ 20 tấn/ha trở lên. Cùng với khó khăn trong khâu trồng, chăm sóc, việc tiêu thụ sắn hiện nay đang là rào cản lớn khó mở rộng diện tích. Mặc dù các ngành công nghiệp giấy, dệt, mì chính, cồn, rượu, dược phẩm… phải cần đến tinh bột sắn, song việc sản xuất tinh bột sắn thường gây ô nhiễm rất nặng cần đầu tư lớn nên ít được đầu tư bài bản, vài cơ sở nhỏ sau đầu tư bị khiếu nại, thanh, kiểm tra, xử lý rất vất vả.
Các nhà máy tinh bột sắn Sơn Sơn, Địch Quả khi hoạt động thường nảy sinh khiếu nại; nhà máy tinh bột sắn của Công ty Toàn Năng cũng hoạt động cầm chừng… tất cả đều do nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường. Còn lại chủ yếu do các gia đình chế biến thủ công, công suất thấp, giá trị hàng hóa thấp.
Trên địa bàn tỉnh từ năm 2009 đã có dự án nhà máy sản xuất Ethanol Tam Nông công suất 100 triệu lít/năm được đầu tư sử dụng sắn làm nguyên liệu, là cơ hội để người trồng sắn tiêu thụ sản phẩm nâng cao giá trị, hiệu quả, song đến nay dự án vẫn chỉ là dự án.
Khả năng tiêu thụ lớn hạn chế nên nhiều năm nay, sắn củ tươi trên địa bàn năm nào cũng tồn dư, thậm chí sắn lưu niên, giá bán thấp, người nông dân các nơi trồng sắn vẫn một phần kỳ cụi thái lát, nạo phơi, một phần bán củ tươi giá thấp.
Do tiêu thụ sắn ít, hiệu quả trồng sắn không cao nên việc quan tâm đầu tư thâm canh tăng năng suất đối với cây sắn còn hạn chế. Cây sắn chưa thể lấy lại vị thế cây trồng chủ lực trên đất đồi giúp nông dân vùng khó khăn cải thiện đời sống.
Tuy có nhiều hạn chế, nhưng khách quan mà nói sắn là cây trồng dễ tính rất thích hợp với người nghèo và đặc điểm thổ nhưỡng nhiều vùng nên vẫn là cây trồng có nhiều ưu thế.
Chi phí đầu tư cho trồng sắn thấp, sắn không quá kén đất, có thể trồng nhiều nơi, ít khi mất mùa; sản phẩm củ sắn có thể chế biến ra nhiều loại sản phẩm vừa sử dụng củ tươi vừa chế biến cho nhiều ngành công nghiệp nên sắn vẫn tỏ ra là cây trồng hữu hiệu đối với đất đồi trung du.
Đặc biệt những diện tích đất màu đồi, đất nương rẫy… đến nay vẫn chưa có cây trồng thay thế, mang lại hiệu quả hơn nên sắn vẫn là cây trồng khả dụng. Có điều cần đổi mới kỹ thuật thâm canh, chế biến, tiêu thụ để nâng cao năng suất, hiệu quả cây sắn. Theo đó về giống cần đưa các cây sắn giống mới như KM94 vào sản xuất, khi trồng cần áp dụng biện pháp bón phân thâm canh.
Cây sắn có nhược điểm sử dụng phân bón hóa học không đúng cách khi dùng ăn tươi kém chất lượng, nhưng với điều kiện chủ yếu làm tinh bột, nguyên liệu công nghiệp việc sử dụng phân bón NPK bón thâm canh sắn rất hữu hiệu. Những năm qua ngành nông nghiệp xây dựng một số mô hình trồng thâm canh bằng giống mới đều cho năng suất 20-25 tấn/ha. Đặc biệt những diện tích thâm canh cao sản cho cho năng suất cao hơn.
Có điều cần nghiên cứu đổi mới kỹ thuật trồng, tạo thuận lợi cho thu hoạch khi mở rộng diện tích phục vụ nguyên liệu các nhà máy lớn. Về chế biến, hy vọng vài năm tới nhà máy sản xuất Ethanol sẽ đi vào hoạt động tạo cơ hội để ổn định, phát triển cây sắn.
Theo quy hoạch của ngành nông nghiệp hàng năm tỉnh ta có thể ổn định 8-9 ngàn ha trồng sắn, nếu có môi trường tiêu thụ tốt, có thể mở rộng lên trên 10 ngàn ha. Hy vọng tương lai gần cây sắn sẽ phát triển mạnh mẽ, góp phần cải thiện đời sống nhân dân vùng miền núi.
Có thể bạn quan tâm
Hiện nay, huyện Chợ Gạo đã trồng được trên 1.450 ha ca cao, trong đó diện tích đang cho trái đạt 1.270 ha. Mỗi năm, địa phương đạt sản lượng ca cao thu hoạch được khoảng 2.440 tấn, với giá bán dao động từ 3.500 - 4.200 đồng/kg đối với trái tươi và 38.000 - 42.000 đồng/kg đối với hạt khô.
Với diện tích hơn 19 ngàn ha, doanh thu đạt hơn 20 ngàn đôla mỗi năm, thanh long là loại cây trồng đang mang lại nguồn thu nhập rất lớn và ổn định cho người dân, là một trong những cây trồng chủ lực và có giá trị kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của tỉnh Bình Thuận.
Khác với vẻ tĩnh mịch của không gian ven sông Cẩm Lệ trước đấy, thì nay có thể dễ dàng bắt gặp ngay không khí nhộn nhịp, vui vẻ, với hoạt động chăm sóc, thu hoạch rau của bà con nông dân nơi đây từ lúc tờ mờ sáng.
Do ảnh hưởng của thời tiết, làm 6.000m2 quýt hồng của ông Lê Ngọc Bích ngụ xã Tân Phước, huyện Lai Vung bị rụng gần hết. Bao nhiêu công sức, tiền của tập trung cho mùa quýt mới coi như đổ sông, đổ biển. Sau vụ quýt bị thất bại, ông Bích tìm cách để vớt vát lại. Ông mua màng phủ nông nghiệp che toàn bộ các gốc quýt đã bị rụng bông này nhằm tránh mưa và xử lý cho ra hoa tiếp.
Ông Võ Văn Nam, cư ngụ tại ấp Vĩnh Bình, xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành - một trong những nơi được xem là "phát tích" của cây vú sữa Lò Rèn - thương hiệu cây ăn quả độc đáo của Tiền Giang đang được khẳng định trên thị trường trong nước và xuất khẩu.