Phân Bón Hữu Cơ Sinh Học Lên Ngôi
Phân bón hữu cơ sinh học đang được nhiều doanh nghiệp ưu tiên đầu tư phát triển do phù hợp với nhiều loại đất, cây trồng, đồng thời an toàn cho môi trường cũng như người sử dụng...
Việc phát triển phân bón hữu cơ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong “Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2020, có tính đến năm 2030”, được ký hồi giữa tháng 9 vừa qua.
Thời của phân hữu cơ
Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS) cho biết, ngày 12.11, đơn vị này sẽ khởi công xây dựng Nhà máy Phân hữu cơ sinh học Ân Thịnh Điền đặt tại ấp Phú Mỹ, xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Theo kế hoạch, nhà máy phân hữu cơ sinh học của AGPPS có tổng diện tích trên 14.000m2, với mức đầu tư 15 tỷ đồng. Nguyên liệu chính để sản xuất phân hữu cơ sinh học là than bùn và mùn mía.
Trong 2 năm đầu, dự kiến công suất mỗi năm khoảng 6.500 tấn, sau đó nâng lên 50.000 tấn/năm. Dự kiến, tháng 4.2014 nhà máy sẽ đi vào hoạt động. Không chỉ AGPPS, mà việc đầu tư sản xuất, kinh doanh phân hữu cơ còn đang được nhiều doanh nghiệp ngành hóa chất, phân bón quan tâm.
Ông Nguyễn Hạc Thúy – Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, từ sau năm 2000 đến nay, ngành phân bón đã có những chuyển biến đáng kể trong xu thế phát triển phân bón công nghệ cao, phân hữu cơ và phân bón chuyên dùng. Trên cả nước hiện có rất nhiều nhà sản xuất phân hữu cơ, từ đơn giản đến chất lượng cao, với những công nghệ hiện đại.
TS Nguyễn Đăng Nghĩa – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đất - phân bón và môi trường phía Nam (Viện Thổ nhưỡng – nông hóa) cũng đồng ý rằng, chưa bao giờ lượng phân hữu cơ được sử dụng nhiều như năm nay. Cụ thể, tình trạng phân bón giả, phân kém chất lượng tràn lan trên thị trường hiện nay khiến nhiều nông dân ở các tỉnh phía Nam, chủ yếu là Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và ĐBSCL lo ngại nên chuyển sang sử dụng phân hữu cơ. Hơn nữa, giá phân vô cơ tăng mạnh hồi đầu vụ đông xuân 2013 cũng khiến nhiều hộ nông dân không đủ vốn đầu tư nên chuyển sang sử dụng phân hữu cơ.
Ngoài ra, theo TS Nguyễn Đăng Nghĩa, nước ta có nguồn nguyên liệu để sản xuất phân hữu cơ dồi dào như than bùn đã hoạt hóa, chất thải của động vật trong chăn nuôi, các phụ phẩm nông nghiệp như xác bã sau chế biến thủy sản và ép dầu, vỏ và bã cà phê, xác rơm rạ... Một số doanh nghiệp còn sử dụng nguồn nguyên liệu như rong biển và vỏ cua, ghẹ, tôm để sản xuất các mặt hàng hữu cơ cao cấp.
Vẫn phải thận trọng với phân bón giả
Kết quả nghiên cứu khoa học cho thấy, việc bón phân hữu cơ vừa làm tăng năng suất cây trồng vừa có tác dụng cải tạo đất. Phân bón hữu cơ sinh học cũng đang được ưu tiên phát triển ở Việt Nam.
Theo quy hoạch phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2020, có tính đến năm 2030 mà Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt mới đây, Việt Nam sẽ ưu tiên phát triển, mở rộng nhóm phân bón hữu cơ với tổng công suất khoảng 500.000 tấn/năm.
Nghiên cứu của Cục Trồng trọt cho thấy, bón 1 tấn phân hữu cơ giúp bà con trồng lúa ở đồng bằng sông Hồng tăng năng suất thêm 80 – 120kg, ở ĐBSCL là 90 – 120kg. Một số thí nghiệm cũng cho thấy, nếu vùi thân lá cây lạc, rơm rạ, thân lá cây bắp của vụ trước cho cây vụ sau giúp tăng năng suất thêm 0,3 tấn đối với đậu trong vụ xuân, 0,6 tấn lúa và khoảng 0,4 tấn ngô hạt/ha.
Cũng theo Cục Trồng trọt, nhiều loại phân bón lá hữu cơ cũng có tác dụng giúp cây tăng trưởng tốt, an toàn với đất và môi trường xung quanh. Tuy nhiên hiện nay, việc cấp giấy phép sản xuất kinh doanh phân bón khá đơn giản. Theo đó, cơ sở sản xuất phân bón tự công bố và đăng ký tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, sau khi đưa vào sản xuất, lưu thông thì cơ quan chức năng mới tiến hành hậu kiểm.
Tuy nhiên, theo một đại diện Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Hậu Giang, nhiều đơn vị sản xuất phân hữu cơ kém chất lượng bị phát hiện nhưng khi cơ quan chức năng tìm tới nhà máy kiểm tra thì mới tá hỏa ra rằng, địa chỉ in trên bao bì chỉ là “địa chỉ ma”. Bên cạnh đó, do nhà máy phân bón thường không nằm trên địa bàn nơi phân phối nên việc quản lý gặp nhiều khó khăn.
Trong khi đó, thống kê chưa đầy đủ của Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), 9 tháng đầu năm nay, đơn vị này đã xử lý 350 vụ vi phạm về phân bón, thu hơn 700 tấn hàng giả, hàng kém chất lượng. Trong đó, một lượng lớn phân bón hữu cơ bị phát hiện không đảm bảo chất lượng như công bố trên bao bì.
Có thể bạn quan tâm
Anh Lê Văn Hiệp (sinh năm 1979, xã An Phước, huyện Long Thành - Đồng Nai) được biết đến như một người “mê” làm giàu và có nhiều sáng kiến để phát triển kinh tế.
Đây là cách nuôi mới, thay đổi kỹ thuật xử lý chất thải, nhằm phát triển chăn nuôi nhưng vẫn đảm bảo tốt yếu tố môi trường. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều tranh cãi về tính hiệu quả và tác động khác của mô hình giữa các cơ quan quản lý nhà nước, những hộ chăn nuôi với các nhà khoa học. Hội thảo đánh giá thực trạng chăn nuôi trên đệm lót sinh học do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN - PTNT) tổ chức ngày 27-11-2014 đã phân tích rõ mặt được và chưa được của mô hình.
Bất chấp những khuyến cáo của doanh nghiệp và ngành chức năng, người trồng hành tím ở Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng vẫn quyết định trữ hành để chờ giá. Hệ quả là 30.000 tấn hành tím thương phẩm đến nay vẫn chưa có nơi tiêu thụ, đang trong giai đoạn hư hỏng.
Thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang và các địa phương đã xây dựng được 4.215ha các mô hình nhân giống lúa chất lượng cao, sản xuất lúa chất lượng cao, “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”.
Mô hình này lần đầu tiên được triển khai thực hiện ở xã Phước Mỹ, tạo nghề mới để tăng hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi cho nông dân. Mô hình rất phù hợp với chăn nuôi gia đình vì kỹ thuật nuôi đơn giản, dễ áp dụng, tận dụng được nguồn lao động và một số loại thức ăn là phế phụ phẩm nông nghiệp, thời gian vỗ béo ngắn, ít rủi ro hơn những đối tượng vật nuôi khác.