Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Ớt Xuân Trì Tìm Đường Xuất Ngoại

Ớt Xuân Trì Tìm Đường Xuất Ngoại
Ngày đăng: 22/02/2012

Cấy nhanh để thu lúa nhanh còn lấy ruộng trồng lứa ớt tháng 5, bà con bảo thế, bởi tuy là xã thuần nông, nhưng mấy năm nay, cây lúa chỉ được coi là phụ, cấy lúa là làm vụ phụ, còn vụ chính, nguồn thu nhập chính của bà con lại là cây ớt. Chỉ cách đây chừng non tháng, cả cánh đồng Xuân Trì hàng trăm mẫu chỉ thấy toàn ớt, đỏ rực một màu ớt chín.

Nghề trồng ớt có ở Xuân Trì từ năm, sáu năm nay, đã có thời trầm xuống nhưng từ hai năm nay thì trúng đậm, khi trái ớt và…lá ớt tìm được thị trường. Anh Lê Văn Xua, một trong 4 người chuyên thu mua ớt ở Xuân Trì nhập cho các công ty xuất khẩu ớt, cho biết:
- Ớt được trồng vào hai thời điểm trong năm, một là tháng 5, khi vừa thu hoạch lúa vụ xuân xong và hai là tháng 8 dương lịch.Trồng tháng 5, ớt dễ bị cháy khi gặp nắng to, nhưng có kỹ thuật cao và có phương tiện chống nắng thì vẫn khắc phục được. Hiệu quả nhất là trồng vào tháng 8, khi thời tiết đã dịu, bán ớt đến hết tháng giêng.Thế nên thu lúa xong, nhiều người chưa trồng ớt vội mà tranh thủ làm một vụ rau ngắn ngày, đợi thời tiết dịu đi mới trồng. Bà con ở đây trồng 2 loại ớt, một là ớt trái to (còn gọi là ớt voi, ớt chỉ địa), hai là ớt kim. Ớt kim khó trồng hơn, đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao hơn nhưng giá ớt cao hơn, lúc cao nhất lên đến 35.000 đồng/kg, giá bình quân cho cả năm là 25.000 đồng/kg. Ớt trái to lúc cao giá nhất đạt 20.000 đồng/kg, hiện đang có giá từ 14-15.000 đồng/kg.
- Còn lá ớt?
- Lá đẹp, tức là lá bánh tẻ, không non không già, không giập nát, có giá 5.000 đồng/kg. Năm cao nhất, chúng tôi mua được 50 tấn lá. Năm nay, một công ty đặt hàng chúng tôi 30 tấn. Còn ớt quả, năm cao nhất tôi mua được 100 tấn. Lúc ớt chín rộ nhất, có ngày 4 anh em tôi mua đến 28 tấn.
- Công ty đó mua lá ớt để làm gì, anh có biết không?
- Người của công ty nói họ xuất đi Nhật, đi Hàn quốc, đi Malaixia… Bên đó người ta dùng làm rau gia vị và một số món ăn khác, chúng tôi chỉ biết đại khái thế, nhưng có một điều chắc chắn nhất là có lãi thì họ mới mua. Còn người dân, thì cứ thấy cây gì có lợi hơn cây lúa là làm, ớt quả chủ yếu xuất đi Trung Quốc.
Anh Xua cho biết, giá ớt rất thất thường, nhiều khi hôm nay ớt còn đang có giá 30.000 đồng/kg, vài hôm sau đã tụt thê thảm, có khi chỉ còn 14 đến 15 ngàn/kg. Giá như thị trường ổn định, thì người trồng sẽ yên tâm hơn nhiều.
Xuân Trì có hai chân đất là đất đồng và đất bãi. Đất trong đồng, một sào ớt nếu trồng tốt có thể cho thu nhập 7-8 triệu đồng, chi phí từ nhân công đến phân bón, thuốc BVTV…chỉ chừng 10%, tức là lãi ròng cho một sào ớt từ trên 6 triệu đến trên 7 triệu, trong khi lãi ròng cho một sào lúa chỉ chừng 2 triệu đồng/năm, mà trồng lúa vất vả hơn nhiều. Đất bãi thích hợp với cây ớt hơn nên thu nhập cũng cao hơn, một sào ớt ngoài bãi có thể đạt hơn chục triệu đồng. Vụ ớt chín rộ, cả làng tíu tít như én mùa xuân, tất tả hái ớt, cân ớt, xe tải ra vào chở ớt rầm rầm.
Chị Nguyễn Thị Hoa, một nông dân ở Xuân Trì, đã dành cả 6 sào đất bãi của gia đình để trồng ớt, cho biết, từ tháng 5 năm 2011 đến đầu năm 2012 này, chị thu được trên 70 triệu đồng cả tiền quả lẫn tiền lá trên 6 sào ớt đó. Ông Nguyễn Văn Thảo chỉ có 2 sào đất, cũng dành hết cho ớt, nhưng mà:
- Trước đây nhà tôi có 5 sào ruộng. Bây giờ già rồi, các cháu đi lập nghiệp nơi khác, hai vợ chồng không kham nổi, nhượng bớt đi 3 sào. Nhưng mà trồng 2 sào ớt ấy, cuộc sống còn “dễ chịu” hơn là cấy năm sào lúa như trước đây, mà lại nhàn hạ hơn nhiều.
Nhiều bà con ở Xuân Trì cho biết, ớt trồng lấy quả là chính, nếu hái lá nhiều, sẽ ảnh hưởng đến năng suất quả, nhưng lá ớt cũng là một nguồn thu đáng kể nếu biết hái tỉa hợp lý. Khi ớt tốt lá, một ngày một người có thể “tỉa” được từ 15 đến 25 kg lá, cân xong cho người gom là có ngay hơn trăm ngàn. Mỗi vụ ớt có thể hái tỉa được cả chục lượt lá, nhà trồng nhiều có năm được năm bẩy tạ lá…
Cây ớt đã làm cho cuộc sống ở Xuân Trì sung túc hẳn lên. Thế nhưng, nhiều bà con vẫn còn rất băn khoăn một điều, là thị trường tiêu thụ chưa ổn định, giá cả thì vẫn “thất thường như thời tiết”.


Có thể bạn quan tâm

Người Phụ Nữ “Quyết Tâm Với Nấm Linh Chi” Người Phụ Nữ “Quyết Tâm Với Nấm Linh Chi”

Riêng cô Huỳnh Kim Đào quyết tâm tìm hiểu, dự hội thảo về khoa học kỹ thuật, tự tích lũy kinh nghiệm để tiếp tục theo đuổi cây nấm linh chi. Mặt khác, cô tự tìm đến các công ty sản xuất phôi để tìm phôi giống, đồng thời lo luôn đầu ra cho sản phẩm.

28/10/2014
Hậu Giang Hỗ Trợ 99 Máy Gặt Đập Liên Hợp Cho Nông Dân Hậu Giang Hỗ Trợ 99 Máy Gặt Đập Liên Hợp Cho Nông Dân

Với việc triển khai Đề án cơ giới hóa đã góp phần đáng kể trong việc giảm chi phí, giảm giá thành, tăng lợi nhuận cho người trồng lúa (bình quân giảm 4,3 triệu đồng/ha so với thu hoạch thủ công). Tổng nguồn vốn mà người dân vay để mua máy gặt đập liên hợp là 34,227 tỉ đồng.

28/10/2014
Trồng Chanh Lai Bông Tím Mang Lại Thu Nhập Khá Trồng Chanh Lai Bông Tím Mang Lại Thu Nhập Khá

Chanh lai bông tím là loại cây khá dễ trồng, thời gian sinh trưởng ngắn, tỷ lệ đậu trái và năng suất cao, đặc biệt được thị trường ưa chuộng. Chanh lai bông tím được xem là giải pháp tốt giúp bà con nhà vườn huyện Châu Thành (Đồng Tháp) phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch chổi rồng trên nhãn.

28/10/2014
Điện Lực Bình Thuận Đồng Hành Cùng Nông Dân Trồng Thanh Long Điện Lực Bình Thuận Đồng Hành Cùng Nông Dân Trồng Thanh Long

Những năm gần đây, nhu cầu sử dụng điện chong đèn kích thích thanh long ra hoa trái vụ trên tỉnh Bình Thuận liên tục tăng với tốc độ cao. Trước sự tăng trưởng của phụ tải thanh long, ngoài việc nỗ lực đầu tư của ngành điện, Điện lực Bình Thuận (PC Bình Thuận) đã có nhiều chương trình hỗ trợ tích cực cho nông dân.

28/10/2014
Thanh Long Ruột Trắng Mùa Nghịch Tăng Giá Mạnh Thanh Long Ruột Trắng Mùa Nghịch Tăng Giá Mạnh

Hiện nay, thanh long ruột trắng đang ở thời điểm nghịch mùa, trong khi thanh long ruột đỏ vẫn còn cho trái mùa thuận nên giá hai loại thanh long này chênh lệch nhau không nhiều. Tuy nhiên, giá thanh long thời điểm này ở mức rất cao, nhất là thanh long ruột trắng nên nông dân trồng thanh long rất phấn khởi do có lợi nhuận cao.

28/10/2014