Ớt Lạng Sơn Được Mùa Kép
Thời điểm hiện nay, nông dân ở các huyện Lộc Bình, Chi Lăng (Lạng Sơn) đang bước vào vụ thu hoạch ớt với niềm vui được mùa, được giá. Giá ớt tươi được các thương lái thu mua tại ruộng từ 18.000 - 20.000 đ/kg, cao hơn 3.000 - 5.000 đ/kg so với năm ngoái.
Là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc lại cho thu hoạch cao nên vài năm trở lại đây nhiều hộ nông dân ở các huyện Lộc Bình (Lạng Sơn) đã chuyển đổi diện tích trồng rau sang trồng ớt chỉ thiên XK. Hiện toàn huyện Lộc Bình (Lạng Sơn) có diện tích trồng ớt khoảng 50 ha, tập chung tại các xã Đồng Bục, Xuân Lễ, Xuân Mãn, Bằng Khánh…
Người dân đang bước vào vụ thu hoạch ớt với niềm vui được mùa được cả giá. Anh Hoàng Thanh Tùng ở thôn Bản Tẳng, xã Bằng Khánh (huyện Lộc Bình) hai tay vừa hái ớt vừa phấn khởi cho biết: “Năm nay gia đình tôi trồng 3 sào ớt chỉ thiên XK, do thời tiết khá thuận lợi và áp dụng quy trình kỹ thuật, chăm sóc tốt nên mỗi lần thu hoạch hơn 100kg ớt tươi. Với giá dao động từ 18.000-20.000 đ/kg như hiện nay, mỗi lần thu hoạch cho thu nhập gần 2 triệu đồng. Ớt trồng hơn 2 tháng sẽ cho thu hoạch rộ trong vòng 1 tháng, sau đó cách 10 ngày thu hoạch trở lại và kéo dài trong vòng từ 3 đến 4 tháng.
Dự kiến, vụ ớt năm nay gia đình tôi thu lãi trên 30 triệu đồng”. Không riêng gia đình anh Tùng, hàng trăm hộ trồng ớt ở huyện Lộc Bình cũng rất phấn khởi khi nhắc đến năng suất và giá ớt thời điểm này. Theo bà con, tuy giá ớt năm nay không tăng cao hơn năm ngoái là bao (cao hơn từ 3.000 – 5.000 đ/kg), nhưng nếu giữ ổn định ở mức này thì thu nhập từ cây ớt cao hơn tất cả các loại cây trồng khác trên cùng chân đất.
Tại huyện Chi Lăng là một trong những địa phương trồng nhiều ớt chỉ thiên XK nhất trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Ớt được trồng nhiều ở các xã Bắc Thủy, Nhân Lý, Mai Sao, Quan Sơn, Quang Lang… Vài năm trở lại đây, từ trồng ớt đã mang về cho bà con nông dân một nguồn thu nhập đáng kể. Vì vậy, từ chỗ chỉ có một số hộ lác đác trồng từ năm 2008, đến năm 2010, diện tích ớt toàn huyện đã tăng lên 50 ha, năm 2012, diện tích tiếp tục tăng lên 80 ha và năm 2013, diện tích tăng nhanh lên trên 100 ha. 2 năm trở lại đây, giá ớt bình quân dao động từ 13.000 - 15.000 đ/kg.
Gia đình nào trồng được từ 4 - 5 sào sẽ đạt mức thu nhập từ 30-40 triệu đồng. Năm nay, ớt được mùa, thời điểm đầu vụ ớt có phần được giá nên bà con nông dân rất phấn khởi. Vừa nhanh tay thu hoạch ớt, ông Lăng Văn Hiến, thôn Lạng Giai A, xã Nhân Lý, huyện Chi Lăng vui vẻ cho biết: “Hàng năm, gia đình đều trồng hơn 2 sào ớt. Năm nay, ớt được mùa hơn, mỗi sào thu được trên 600 kg. Vài ngày đầu vụ, mỗi kg ớt bán được trên 30.000 đ. Hiện nay, giá ớt dao động từ 18.000 – 20.000 đ/kg. Như vậy, chỉ với 2 sào ớt, gia đình ông cũng đã có một khoảng thu nhập khoảng 20 triệu đồng”.
So với các cây trồng khác, trồng ớt mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn gấp 3-4 lần. Bà con bắt đầu trồng ớt từ cuối tháng 2 và tháng 3, đến tháng 5 ớt bắt đầu cho thu hoạch đến hết tháng 6. Ớt thu hoạch đến đâu, tư thương đến thu mua hết đến đó nên bà con rất phấn khởi. Trồng ớt không mất nhiều vốn đầu tư, chỉ 100 nghìn tiền giống là trồng được 1 sào.
Anh Hoàng Văn Tuân, thương lái thu mua ớt cho biết: Giá ớt tăng cao trong thời gian gần đây là do trong nước tiêu thụ mạnh, ớt nguyên liệu XK sang các nước Trung Quốc, Hàn Quốc… cũng đang rất hút hàng. Nhiều thương lái đã đặt cơ sở ở các địa phương để thu mua nhưng lượng cung không đủ cầu.
Lạng Sơn chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong đó có việc mở rộng diện tích trồng ớt. Vì vậy, diện tích ớt đã tăng lên đáng kể và phần lớn các giống ớt truyền thống đã được thay thế bằng giống cao sản, cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao.
Có thể bạn quan tâm
Ngành chăn nuôi Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn về cạnh tranh bởi một trong những lý do cơ bản là chúng ta vẫn chưa thể chủ động được thức ăn chăn nuôi và giá thức ăn còn quá cao.
20 năm là khoảng thời gian quá dài để có thể đánh giá những được - mất mà mô hình tôm – lúa mang lại. Những cách làm hay, những kinh nghiệm qua các lần thất bại, cùng những đề xuất, kiến nghị của những người trong cuộc sẽ là bài học bổ ích cho việc tái cơ cấu sản xuất vùng tôm – lúa ở Sóc Trăng được hiệu quả và bền vững hơn.
Nghiên cứu tác động của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đến Việt Nam các tác động vĩ mô và trường hợp ngành chăn nuôi do TS Nguyễn Thị Thu Hằng đến từ Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) trình bày tại Diễn đàn Chính sách nông nghiệp Việt Nam số 4 ngày 8-9 tại Hà Nội cho thấy, ngành chăn nuôi trong nước có xu hướng bị thu hẹp sản xuất khi đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt đến từ các nước TPP, đặc biệt là đối với ngành thịt.
UBND TP Hà Nội vừa phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết xây dựng Trung tâm nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao kỹ thuật sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và xúc tiến thương mại nông nghiệp với tỷ lệ 1/500.
Không chỉ trang bị kiến thức, tư vấn làm ăn cho bà con nông dân (ND) Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ ND Hà Tĩnh còn làm đầu mối “tiếp sức” cho bà con ND sau học nghề được tiếp cận vốn ưu đãi, ký kết hợp đồng cung ứng giống, phân bón thức ăn và bao tiêu sản phẩm.