Ông trùm kim cương ở làng hoa Thái Phiên
Anh được dân làng đặt cho biệt danh "Hải Kim Cương". Gia đình có truyền thống ba đời trồng hoa, ngay từ năm 17 tuổi anh Hải đã nối nghiệp. Sau khi lập gia đình, anh được cha mẹ cho một sào đất (1.000 m2) để làm ăn riêng. Thời gian đầu anh vẫn trồng hoa cúc chùm như bao gia đình khác ở làng hoa này. Ý tưởng trồng cúc kim cương đến khi giá loại hoa này lên cao.
Anh Nguyễn Thanh Hải chăm sóc vườn cúc kim cương của mình.
“Ban đầu trồng chỉ vì giá cao, nhưng gắn bó với loại hoa này suốt 10 năm nay nên đam mê từ lúc nào không biết”, anh Hải cười nói. Loại hoa này được một doanh nghiệp trồng hoa ở Đà Lạt nhập giống từ Nhật về trồng và bán. Vì là giống hoa mua bản quyền nên doanh nghiệp này không cho nông dân nhân giống đại trà và họ hủy cây giống sau mỗi mùa vụ.
Thấy hoa đẹp, anh Hải cũng mua về chưng và cắt bỏ phần bông để cấy mô nhân giống. Thời gian đầu khá khó khăn vì cấy mô rất lâu, mất 6-7 tháng mới ra được cây thịt và đến lúc thu hoạch cũng gần một năm. Nhận thấy phương án này không khả thi, anh đã thay đổi, cải tiến rút ngắn được khoảng thời gian hình thành cây thịt.
Với một sào đất và số vốn ít ỏi không đủ lực để trồng cúc kim cương, anh Hải phải đi làm công cho các nhà vườn khác kiếm thêm nguồn vốn. Thời gian đầu, trên mảnh đất của mình anh đầu tư trồng rau và thuê thêm bốn sào nữa trồng atiso.
Với phương pháp lấy ngắn nuôi dài, vụ trồng rau đầu anh thu được hơn 20 triệu và đầu tư dựng nhà kính, làm giàn để chuẩn bị trồng giống hoa mới. Đến năm 2004, anh trồng thử nghiệm 10.000 cây cúc kim cương xen canh với cúc chùm. Vụ đầu tiên dù không có kinh nghiệm nhưng may mắn nhờ công đoạn làm đất phù hợp nên hoa đạt 70% loại A và thu về 15 triệu đồng.
Anh Hải tiếp tục duy trì trồng thử nghiệm 10.000 cây ở mỗi vụ sau, nhưng đều thất bại, chỉ đạt 50% hoa loại A. Không lỗ vốn nhưng đối với người trồng hoa chuyên nghiệp, thì kết quả này bị xem là thất bại.
“Khó khăn không phải về giá mà là cách trồng và chăm sóc. Cúc kim cương rất dễ bị hư lá, mà cúc không có lá thì bán mất giá”, anh Hải chia sẻ và cho biết thêm, dù với kinh nghiệm 20 năm trồng và nghiên cứu về cúc cũng như thổ nhưỡng phù hợp với từng loại hoa, nhưng anh cũng phải mất 5 năm để nghiên cứu thành công cách trồng và trị được bệnh hư lá của cúc kim cương.
Theo nhà vườn giàu kinh nghiệm này, công tác làm đất rất quan trọng, cúc kim cương phù hợp nhất với đất đỏ bazan, do đó phải làm đất tơi xốp, giữ độ ẩm cao, thường xuyên bón lót và bón đủ chất vi lượng, ít sử dụng phân hóa học để hạn chế bị khô lá. Tốt nhất là nên bón bằng phân chuồng.
"Lúc đầu tôi trồng thất bại vì bón quá nhiều phân hóa học nên lá cúc bị hư hàng loạt. Trong 2 tháng đầu chong điện, đến tháng thứ ba nên ngắt điện để hoa có thể ra nụ. Một cành chỉ để duy nhất một nụ giúp cho ra hoa to hơn hoa cúc chùm”, anh Hải phân tích.
Sau khi nghiên cứu thành công cách trồng, đến năm 2010 anh Hải mới dám phát triển đại trà và chuyên canh cúc kim cương. Từ việc đi thuê 4 sào đất, đến nay anh đã mua lại chính mảnh đất này với giá 800 triệu đồng để mở rộng.
Ở Đà Lạt, cúc kim cương còn được trồng khá nhỏ lẻ, chỉ có 5 đến 6 hộ kinh doanh loại hoa này, nên với 5 sào đất, mỗi năm anh Hải trồng ba vụ hoa và cung cấp ra thị trường 250.000 cành. Với mức giá 2.800 đồng một cành, mỗi năm anh thu về hơn một tỷ đồng. Hiện nay vườn của anh cho tỷ lệ hoa loại A luôn đạt mức 70% trở lên.
Anh Hải cho biết, cúc kim cương hiện nay vẫn được thị trường ưa chuộng, thương lái mua với giá cao vì loại hoa này cho bông đơn, hoa nở to và lâu tàn. Tên gọi này cũng do chính những người nông dân ở làng hoa Thái Phiên đặt với ước mơ được mùa, được giá và có thể... mua được kim cương.
Chia sẻ về kế hoạch phát triển, anh Hải ngỏ ý muốn xây dựng một thương hiệu riêng cho giống cúc kim cương và dự định mở rộng thêm 5 sào đất nữa để trồng phục vụ nhu cầu của thị trường.
Related news
Trong nhiều năm qua, năng suất, sản lượng lúa ở vùng ĐBSCL không ngừng tăng lên nhờ sự liên kết 4 nhà trong sản xuất lúa. Bà con nông dân ngày càng thích nghi và biết ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong việc sản xuất, nhân giống lúa tạo ra năng suất, sản lượng vụ sau cao hơn vụ trước. Năm 2012, sản lượng lúa toàn vùng ĐBSCL ước đạt 24,6 triệu tấn, tăng 1,1 triệu tấn so năm 2011, đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới với sản lượng hơn 7,2 triệu tấn, đạt trị giá hơn 3,2 tỉ USD. Lúa đông xuân 2012 - 2013 đang vào vụ thu hoạch được đánh giá là vụ lúa trúng mùa, năng suất bình quân ban đầu trên 7 tấn/ha. Đạt được kết quả đó là do nông dân thường xuyên quan tâm sử dụng giống lúa mới, giống lúa chất lượng cao.
Đây là mô hình nuôi heo áp dụng công nghệ lên men từ quần thể các vi sinh vật sống để xử lý chất thải của vật nuôi, làm cho môi trường thông thoáng, giúp đàn heo ăn nhiều, lớn nhanh. “Nuôi heo không tắm” - cách gọi nôm na này đang lan truyền nhanh trong người dân Hậu Giang. Đây là mô hình nuôi thí điểm đầu tiên, với những phát hiện khá thú vị khi tận dụng các nguồn phụ phẩm ở ĐBSCL, hứa hẹn mở ra hướng chăn nuôi hiệu quả ở ĐBSCL
Bên cạnh hỗ trợ vốn vay cho những hộ nghèo, hộ có nhu cầu làm ăn phát triển kinh tế gia đình, thời gian qua, xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp xác định đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương đóng vai trò quan trọng, góp phần giúp người dân có đời sống tốt hơn.
Đây là nhận định được đưa ra tại Hội nghị công bố về Triển vọng toàn cầu của cây trồng biến đổi gen (BĐG) năm 2012 vừa được tổ chức cuối tuần qua tại Hà Nội.
Chi cục Nuôi trồng thủy sản (Sở NN&PTNT) tỉnh Trà Vinh cho biết tính đến nay các huyện Duyên Hải, Cầu Ngang, Trà Cú và Châu Thành có hơn 9.500 hộ thả nuôi 838 triệu con tôm sú, tôm thẻ chân trắng trên diện tích 10.123 ha. Tuy nhiên ngành thủy sản chỉ mới kiểm dịch được 269 triệu con, chiếm 32% số lượng tôm thả nuôi.