Ông Trần Văn Cang Làm Giàu Nhờ Trồng Dừa Xiêm Lục

Ông Trần Văn Cang, ngụ xã Tân Hội Đông (Châu Thành) được tiếng khen cần cù, chịu khó, say mê lao động và ham học. Ông đã mạnh dạn chuyển đổi các loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng dừa xiêm lục mang lại hiệu quả kinh tế cao, từng bước đưa kinh tế gia đình đi vào ổn định.
Theo sự chỉ dẫn của Hội Nông dân xã Tân Hội Đông, chúng tôi ghé thăm vườn dừa xiêm lục của ông Trần Văn Cang. Ấn tượng đầu tiên đập vào mắt là một vườn dừa bạt ngàn với gần 3 ha, có những cây mang buồng dừa sai trái nằm sát mặt đất.
Ông Cang kể: Trước đây đất của ông là đồng trũng ven sông, nhiễm phèn. Mỗi năm ông khai hoang một ít đất trồng lúa, các loại cây ăn trái nhưng hiệu quả không cao.
Năm 2005, được Hội Nông dân định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và đưa đi tham quan, từ đó ông ra sức cải tạo lại đất và quyết định mua dừa xiêm lục về trồng trên 7 công đất của gia đình.
Thấy giống dừa này thích nghi với thổ nhưỡng ở đây và cho hiệu quả kinh tế cao, ông tiếp tục cải tạo, khai hoang phần đất còn lại của gia đình và đồng loạt trồng dừa xiêm lục. Đến nay hơn 2/3 diện tích vườn dừa đã cho trái sai, thương lái tìm đến tận nhà thu mua dừa tươi với giá luôn cao.
Theo ông, dừa xiêm lục có ưu điểm dễ trồng, ít bị sâu bệnh, cho trái quanh năm, buồng dừa đơm trái nhiều, nước uống ngọt và có hương vị đặc trưng riêng... Bình quân 25 ngày ông thu hoạch 1 lần từ 3.000 - 3.500 trái.
Qua 10 năm trồng dừa xiêm lục, ông đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong việc chăm sóc và bảo vệ vườn dừa. Theo đó, mỗi năm ông bón phân cho dừa từ 3 - 4 lần gồm hỗn hợp N-P-K, mỗi lần bón từ 0,5 - 1kg/gốc; phun thuốc chống bọ dừa, đuông theo định kỳ; đồng thời tiến hành dọn rửa thân, cắt hết mo nang để hạn chế sâu, đuông, bọ làm tổ gây rụng trái và bồi bùn cho gốc 2 năm một lần; cung cấp nước đầy đủ vào mùa nắng, tránh để gốc bị khô hạn ảnh hưởng đến năng suất cũng như chất lượng của trái.
Dừa thường dư nước vào mùa mưa, dẫn đến nứt và rụng trái. Vào những tháng đó, ông tăng cường bón thêm kali cho cây để cân bằng độ đạm và xẻ rãnh để thoát nước. Mùa nắng, ông dùng lá dừa đậy đất, kết hợp bón thêm phân hữu cơ cho dừa.
Theo ước tính của ông Cang, mỗi năm 1 cây dừa cho thu hoạch từ 100 - 150 trái, bán được từ 500.000 - 700.000 đồng. Qua nhiều năm so sánh với cây lúa và các loại cây trồng khác thì dừa xiêm lục đạt hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều.
Ông Phạm Hữu Phước, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Hội Đông cho biết: Chúng tôi đánh giá cao vai trò của anh Cang trong việc chuyển đổi cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của vùng. Đây là mô hình hay được chúng tôi chọn và khuyến khích bà con nông dân nhân rộng. Hội Nông dân xã sẽ đồng hành cùng với bà con trong việc giới thiệu kỹ thuật, hướng dẫn cách thức trồng, chăm sóc cho nông dân.
Những “quả ngọt” mà ông có được như ngày hôm nay là cả một quá trình phấn đấu không ngừng. Ngôi nhà tường kiên cố, đầy đủ tiện nghi, các con học hành đến nơi đến chốn đó cũng là niềm mong ước của nhiều gia đình khác.
Gần 10 năm qua, ông luôn được tuyên dương nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh và là Gia đình Văn hóa tiêu biểu nhiều năm liền, đáng để nhiều nông dân khác học hỏi, noi theo.
Có thể bạn quan tâm

Huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai chỉ để 700 ha là đất vườn của các hộ dân để trồng sắn, làm thức ăn cho chăn nuôi.
Tận dụng diện tích đất trống sau khai thác, trước khi chờ thời gian trồng vụ tràm mới, nhiều hộ dân trên lâm phần rừng tràm U Minh Hạ (Cà Mau) trồng vụ lúa thần nông (gọi là vụ lúa lỡ) để kiếm thêm thu nhập, hiện lúa đã đến ngày thu hoạch.

Từ lâu hành tăm đã là cây trồng truyền thống của nông dân Nghi Lâm (Nghi Lộc, Nghệ An) nhưng nay hành tăm đang là cây trồng cho thu nhập cao nhất trong vụ đông ở đây, đạt trên 200 triệu đồng/ha.

Huyện Càng Long, Tiểu Cần, Cầu Kè đang bước vào thu hoạch lúa thu đông sớm 2015. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh, đến nay nông dân các địa phương đã thu hoạch khoảng 15.000 ha, đạt 17% diện tích xuống giống, năng suất trung bình 5,29 tấn/ha.

Những năm qua, nhờ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp nên kinh tế nhiều hộ nông dân ở huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước trở nên khá hơn.