Trang chủ / Tin tức / Tin nông nghiệp

Ông Nhịn Kiên Giang

Ông Nhịn Kiên Giang
Tác giả: ĐÀO TRUNG CHÁNH
Ngày đăng: 18/12/2015

Thành quả đó là công sức của biết bao thế hệ, trong đó có dấu ấn của nhiều vị lãnh đạo luôn tâm huyết, trăn trở với ngành.

Nói đến dấu ấn nông nghiệp Kiên Giang, không thể không nhắc đến ông Mai Anh Nhịn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Tốt nghiệp ngành thủy nông cải tạo đất (Đại học Cần Thơ) vào giữa những năm 80 của thế kỷ trước, ông Nhịn về làm việc tại Phòng Thủy lợi huyện Châu Thành.

Sau đó được điều về làm lãnh đạo xã, huyện, rồi lên sở.

Suốt chặng đường 30 năm công tác, ông Nhịn luôn gắn bó với ngành nông nghiệp, trong đó có gần 10 năm làm lãnh đạo Sở NN-PTNT và nay là Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Tôi đã nhiều lần được tháp tùng cùng đoàn công tác do ông Nhịn dẫn đầu đi cơ sở.

Đi đến đâu, thấy sản xuất còn khó khăn, thu nhập của người dân còn thấp là ông luôn trăn trở, tìm hướng giải quyết.

Ông Nhịn tâm sự: “Trong quá trình làm việc, điều mà tôi tâm huyết và thấy hài lòng là đầu tư hệ thống thủy lợi cho vùng Tứ giác Long Xuyên (TGLX) và Tây sông Hậu để phát triển lúa và chuyển dịch từ độc canh cây lúa sang mô hình tôm - lúa ở vùng U Minh Thượng, nuôi tôm công nghiệp vùng TGLX”.

Ngồi trầm ngâm sũy nghĩ một hồi, như lục lại trí nhớ, rồi ông kể tiếp, sau ngày thống nhất đất nước, Kiên Giang có diện tích đất nông nghiệp hơn 190 ngàn ha, trong đó 90% là đất lúa nhưng tổng sản lượng chỉ đạt khoảng 400 ngàn tấn.

Không ít hộ thường xuyên lâm cảnh thiếu đói, nhất là lúc giáp hạt.

Nguyên nhân chủ yếu do cơ sở hạ tầng yếu kém, cộng với tập quán canh tác một vụ lúa mùa, lại làm theo hình thức quảng canh nên năng suất rất thấp.

Thấy được những hạn chế này, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp-PTNT và tỉnh đã tập trung đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi để khai hoang, phục hóa mở rộng diện tích đất lúa.

Đặc biệt từ khi có chủ trương lớn của Trung ương đầu tư khai phá vùng TGLX, hàng loạt các công trình thoát lũ ra biển Tây được thực hiện.

Trong đó có nhiều tuyến kênh lớn, mà tiêu biểu là kênh Võ Văn Kiệt (kênh T5) nối từ kênh Vĩnh Tế vượt qua đồng lúa mênh mông rồi đổ thẳng ra biển.

Kênh đào tới đâu, đất hoang hóa được khai phá, rửa phèn, trồng lúa tới đó.

Từ chỗ không thể bỏ hoang, chỉ sau thời gian ngắn, đã trở thành ruộng lúa 2, 3 vụ/năm ăn chắc, năng suất tăng lên từng năm.

Nếu như năm 2000, ngành nông nghiệp Kiên Giang vui mừng khi đạt mốc 2 triệu tấn lương thực, thì hơn 10 năm sau con số này đã tăng lên gấp đôi và hiện nay là 4,5 triệu tấn, dẫn đầu cả nước nhiều năm liền.

Ông Nhịn tâm sự, khi hệ thống thủy lợi lớn được đầu tư, đất đai đã được cải tạo, tỉnh đã tranh thủ nguồn vốn Trung ương về thủy lợi phí, ngân sách địa phương và các nguồn hỗ trợ đất lúa khác để làm kênh cấp 2, cấp 3, thủy lợi nội đồng… Đồng thời, vận động nhân dân hiến đất, hoa màu khi nạo vét, làm mới các công trình.

Nhờ đó, hệ thống thủy lợi ngày càng hoàn thiện, đất đai trở nên màu mỡ và diện tích lúa tăng lên hàng năm.

Chỉ tính riêng vùng TGLX, hiện nay đã đạt khoảng 2 triệu tấn lúa/năm, trong đó huyện Hòn Đất đóng góp 1,1 triệu tấn.

Một con số kỷ lục mà trước đây không ai dám nghĩ tới.

Cơ sở hạ tầng ở các vùng khác như Tây sông Hậu, U Minh Thượng cũng được quan tâm đầu tư, chuyển đổi mô hình, làm tăng năng suất và hiệu quả kinh tế.

Theo ông Nhịn, trước đây vùng U Minh Thượng chỉ có thể làm được lúa mùa, mỗi năm thu một vụ, đời sống người dân hết sức khó khăn.

Nhưng chỉ sau hơn 10 năm chuyển đổi qua mô hình tôm - lúa (1 vụ tôm - 1 vụ lúa), đồng thời nuôi kết hợp thêm cua biển, hiệu quả đã tăng lên gấp nhiều lần.

Trung bình mỗi ha hiện nay thu hoạch 300 kg tôm sú, 250 kg cua biển và 4 - 5 tấn lúa, tổng giá trị đạt trên 150 triệu đồng/ha.

Ít có mô hình chuyển đổi nào được người dân tích cực hưởng ứng và mang lại thành công nhanh như vậy.

Về thủy sản, sản lượng khai thác hàng năm của tỉnh Kiên Giang hiện nay đạt khoảng 400 ngàn tấn, chiếm 10% sản lượng cả nước.

Riêng về tôm nuôi nước lợ, năm 2014, toàn tỉnh đạt 42 ngàn tấn và năm 2015 phấn đấu tăng lên 52 ngàn tấn.

Hai “mỏ tôm” lớn mà ngành nông nghiệp Kiên Giang kỳ vọng nhiều là nuôi công nghiệp ở vùng TGLX và nuôi quảng canh tôm - lúa vùng U Minh Thượng.

Tuy ngành nông nghiệp đã gặt hái được nhiều thành công nhưng ông Nhịn vẫn còn trăn trở khi hệ thống đê biển Tây và cống ngăn mặn, điều tiết nước ven vẫn chưa thật sự hoàn chỉnh.

Hiện tại, tuyến đê ven biển thuộc huyện An Biên, An Minh với 27 cống nhưng mới khởi công được 6 cống, còn lại đang thiếu vốn.

Trên địa bàn TP Rạch Giá vẫn còn một số cửa sông chưa có cống ngăn mặn.

Trong đó cửa Sông Kiên đã được đầu tư cầu giao thông kết hợp cống ngăn mặn; cửa kênh Cụt đang chuẩn bị khởi công vào cuối năm nay.

Còn lại cửa kênh Nhánh và vàm Bà Lịch đã có kế hoạch, đang chờ nguồn vốn đầu tư.

“Đây là những công trình rất cấp thiết, không chỉ phục vụ nông nghiệp mà còn ảnh hưởng đến đời sống dân sinh và cả công nghiệp.

Tác động dễ thấy nhất là đợt nắng hạn vừa qua, do thiếu công trình điều tiết mà nước mặn xâm nhập khá sâu vào nội đồng, khiến cả TP Rạch Giá và một phần huyện Hòn Đất thiếu nước ngọt nghiêm trọng trong nhiều ngày liền.

Không chỉ vậy mà cả khu công nghiệp Thạnh Lộc cũng bị ảnh hưởng, do thiếu nước ngọt”, ông Nhịn trăn trở.

Sau 40 năm, sản lượng lương thực của Kiên Giang đã tăng gấp hơn 10 lần, đạt 4,5 triệu tấn

Ông Nhịn còn quyết tâm duy trì mô hình Tổ Kinh tế - kỹ thuật xã.

Đây là cách làm đầy linh hoạt và sáng tạo nhằm đưa cán bộ khuyến nông về cơ sở.

Mỗi tổ được bố trí 3 cán bộ, gồm các chuyên môn trồng trọt, BVTV và thú y hoặc nuôi trồng thủy sản, có nhiệm vụ chuyển giao những tiến bộ sản xuất mới cho bà con nông dân, xây dựng các mô hình hiệu quả để nông dân học tập kinh nghiệm…

Đồng thời, cùng nông dân trực tiếp ra đồng, phát hiện sớm và khống chế kịp thời khi có dịch bệnh xảy ra.

Nhờ đó mà nhiều năm qua trên địa bàn tỉnh không xảy ra dịch bệnh lớn, góp phần bảo vệ mùa màng và giữ vững năng suất theo kế hoạch đề ra.

Hiện nay, Kiên Giang đã phủ kín 100% xã nông nghiệp đều có mô hình Tổ Kinh tế - kỹ thuật.

Ngành nông nghiệp còn đầu tư trang bị mạng internet, đặt mua Báo Nông nghiệp Việt Nam hàng ngày cho cán bộ Tổ Kinh tế - kỹ thuật cập nhật thông tin, nắm bắt tình hình dịch bệnh, giá cả thị trường để tư vấn cho nông dân.

Gắn bó, tâm huyết với ngành nông nghiệp, ông Nhịn là độc giả khá thân thiết với tờ báo của ngành nhiều năm qua.

Ông tâm sự: “Nhờ có tờ báo ngành, qua những thông tin đăng tải, đã giúp tôi nắm được những chủ trương, Chính sách của Chính phủ, của Bộ Nông nghiệp-PTNT để chỉ đạo, điều hành công việc tốt hơn.

Đồng thời, học hỏi được nhiều kinh nghiệm của các địa phương khác trong nông nghiệp, các mô hình kinh tế hiệu quả và mô hình xây dựng NTM.

Nắm được tình hình về mùa vụ, giá cả thị trường, để định hướng, chỉ đạo sản xuất trong lĩnh vực mà mình được giao phụ trách”.


Có thể bạn quan tâm

Sản Lượng Lương Thực Vụ Hè Thu Đạt Trên 297,5 Ngàn Tấn Sản Lượng Lương Thực Vụ Hè Thu Đạt Trên 297,5 Ngàn Tấn

Các loại cây trồng vụ hè thu năm nay có có diện tích tăng so với vụ hè thu 2013 là cây lúa 42.223 ha, đạt 108% kế hoạch, tăng 3,3% so vụ cùng kỳ; cây công nghiệp ngắn ngày 7.311 ha, tăng 11% (trong đó cây mè 5.325 ha, tăng 11% và cây đậu phụng 1.949 ha, tăng 8,1%). Diện tích lúa tăng do chủ động được nguồn nước; hệ thống kênh mương thủy lợi đáp ứng được nguồn nước tưới.

04/11/2014
Sản Lượng Lương Thực Năm 2014 Ước Đạt Gần 1,37 Triệu Tấn Sản Lượng Lương Thực Năm 2014 Ước Đạt Gần 1,37 Triệu Tấn

Báo cáo kết quả sản xuất lương thực trong năm, ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, tổng sản lượng lương thực cả năm ước đạt gần 1,37 triệu tấn (đạt trên 103% kế hoạch đề ra). Trong đó, đối với cây lúa, diện tích gieo trồng cả năm trên 230.605 ha, năng suất bình quân 58,77 tạ/ha (tăng 1,53 tạ/ha so với năm 2013), sản lượng trên 1,35 triệu tấn; cây lương thực có hạt (chủ yếu là cây bắp) xuống giống trên 4.000 ha, sản lượng thu hoạch trên 14 nghìn tấn.

21/11/2014
Tổng sản lượng lương thực năm 2015 ước đạt trên 1,35 triệu tấn Tổng sản lượng lương thực năm 2015 ước đạt trên 1,35 triệu tấn

Ngày 29-10, Sở NN&PTNT tổ chức Hội nghị tổng kết sản xuất lương thực năm 2015 và sơ kết xây dựng Cánh đồng lớn sản xuất lúa; phương hướng, nhiệm vụ năm 2016.

03/11/2015
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng vượt trội, bọt khí mịn, kháng khuẩn. Ống Nano-Tube là lựa chọn sục khí được ưa chuộng nhất trên thị trường để tăng cường oxy đáy trong ao nuôi tôm …
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng hoàn toàn vượt trội, sử dụng hộp số giảm tốc vỏ gang, một trải nghiệm vô cùng mới. Oxy hoà tan cao, tạo dòng lưu thông mạnh giữ cho đáy ao luôn sạch.