Ông Dũng thủy sản Tam Giang
Người tiên phong
Cũng như nhiều bà con NTTS ven phá Tam Giang, ông Dũng cũng có cuộc “lên bờ” định cư sau trận bão lịch sử năm 1985. Chọn vùng đất ven đầm phá lập nghiệp, năm 1989, ông cùng nhiều anh em trong dòng họ Phạm là những người đầu tiên bỏ tiền thuê xe cơ giới ủi đất, đào kênh mương để phát triển mô hình nuôi tôm sú, cua ở vùng Quảng Công. Những con giống mang về đầu tiên đã mở ra triển vọng một nghề mới cho cư dân đầm phá.
Ông Dũng nhớ lại: “Hồi đó nhiều người nói tui “có vấn đề” khi ôm cả đống tiền đổ xuống phá. Thuê xe múc đào hồ nuôi kinh phí thời đó cả cây vàng. Được chính quyền cấp đất, hỗ trợ nguồn giống, tập huấn kỹ thuật, anh em tui mạnh dạn thả tôm nuôi. Vụ đầu tiên thắng lớn. Kể từ đó, bà con xuống đầu tư hạ tầng nuôi rất đông, trở thành vùng NTTS trù phú như hiện nay”.
Dẫn chúng tôi ra trại bên đầm phá, dọc bờ đê được đắp kiên cố, kênh mương dẫn nước là hàng chục căn “nhà chồ” của bà con được đầu tư xây dựng bằng bê tông sau một mùa “trúng vụ” mới. Để có diện tích NTTS dao động từ 1,5 - 2ha ven đầm phá như hiện nay là cả một quá trình gian truân của ông Phạm Dũng cùng vợ là bà Phan Thị Thu Thảo. Ông Dũng chia sẻ: “Mình nuôi có vụ trúng, nhưng cũng có vụ thất bại. Điều quan trọng là nắm bắt được thị trường, kỹ thuật nuôi để đưa nhiều con giống mới vào, đa dạng hóa đối tượng nuôi để tránh rủi ro. Có lãi tiếp tục đầu tư hạ tầng tốt hơn, đối tượng nuôi ít dịch bệnh hơn người nuôi mới thắng lợi được”.
“Bỏ túi” 4 - 5 trăm triệu đồng/năm
Từ bỏ con tôm sú với nhiều rủi ro, những năm 2006 - 2007 ông Dũng đưa các đối tượng nuôi mới vào nuôi trồng như cá chẽm, hồng mỹ, cồi. Đặc biệt là con cá chẽm (cá vược)- có giá trị kinh tế rất cao, trong quan niệm của cư dân đầm phá nó như là một loài ngư tinh, đầy kiêng cữ. Bên cạnh đó, ông còn đưa vào nuôi các đối tượng xen ghép như cá dìa, đối, tôm, cua, tuy lãi thấp nhưng tỷ lệ rủi ro ít, phát triển bền vững.
Nhờ NTTS, ông Dũng xây dựng được nhà cửa khang trang
Ông Dũng nhẩm tính: “Với hồ nuôi 5 sào, tui thả chừng 3 nghìn các loại cá hồng mỹ, chẽm. Vụ nuôi từ đầu năm, đến tháng 7 - 8 (DL) là bắt đầu thu hoạch. Tính tỷ lệ hao hụt cao nhất cho một nghìn con, còn lại hai nghìn con tui thu được 2 tấn cá. Với giá hiện tại 100 nghìn đồng/kg, tui bán được 200 triệu đồng. Trừ chi phí 10 triệu tiền giống, 80 triệu thức ăn cá tạp, công cán, mình còn lãi gần 100 triệu đồng”.
Ông Dũng hàng năm đưa vào nuôi dao động từ 5 - 8 hồ (diện tích trên dưới 2ha). Ông thả cá, tôm với mật độ thưa nhằm giảm rủi ro cũng như nâng cao chất lượng các loài thủy sản khi bán ra thị trường. Khi có nguồn vốn, ông linh động đầu tư trở lại hạ tầng cho vùng nuôi thấp triều, vùng ươm con giống trước khi thả vào hồ chính để nuôi.
“Thành quả lao động của vụ trước đó”, ông Dũng vừa nói vừa chỉ tay về phía trại NTTS vừa xây mới, cùng hàng trăm mét lưới vây nuôi vùng thấp triều. Với vùng nuôi ven phá, ông Dũng xây trụ bê tông, giăng lưới để vào mùa nước lớn, nước ngập, tránh tôm cá thất thoát ra ngoài.
Theo ông Dũng, ngoài am hiểu kỹ thuật nuôi, chọn các điểm bán con giống tin cậy ở các tỉnh phía Nam, thời điểm thả thêm các đối tượng nuôi xen ghép cũng rất quan trọng, giúp tiêu thụ hết lượng thức ăn, làm sạch nguồn nước tránh ô nhiễm. Mô hình nuôi xen ghép tuy diện tích khá lớn, mang lại lãi ít hơn các mô hình khác nhưng tỷ lệ rủi ro thấp, khi xảy ra dịch bệnh người nuôi có thể lấy đối tượng nuôi này để “bù lỗ” cho các đối tượng nuôi khác.
Với thị trường đầu ra khá ổn định, hầu hết các chợ lớn trong và ngoài tỉnh, mỗi năm từ diện tích nuôi gần 2ha, ông Dũng lãi từ 400 - 500 triệu đồng. Cùng nhờ “vùng tôm cá” mà ông xây được nhà lớn, nuôi con học hành đầy đủ. Tới vụ thu hoạch, trại nuôi của ông luôn có từ 5 - 7 lao động thường trực. Ông Dũng cũng sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm mấy chục năm trong NTTS cho bà con nông dân.
“Làm lâu năm giờ tui cảm thấy thuận tiện hơn khi tới mùa thu hoạch, thương lái theo đường bê tông đánh xe ra tới trại nuôi thu hoạch cá. Thức ăn cũng kết nối các tư thương chở ra tận hồ. Được chia sẻ kinh nghiệm nuôi với bà con, làm vùng thủy sản ngày một trù phú cũng vui”, ông Dũng trải lòng.
“Toàn xã Quảng Công có 126 ha diện tích mặt nước NTTS, trong đó có 19ha chuyên cá với các đối tượng có giá trị kinh tế cao của 42 hộ dân tham gia. Diện tích nuôi lớn nhất tập trung ở thôn 14 của xã, sản lượng đạt từ 40 - 50 tấn/năm. Từ mô hình NTTS do ĐH Thủy sản Nha Trang cung cấp kỹ thuật, nguồn giống, đến nay có nhiều hộ nuôi thành công, làm giàu, trong đó điển hình là hộ ông Phạm Dũng”, ông Nguyễn Đính, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Công, khẳng định.
Có thể bạn quan tâm
Để người dân chủ động trong sản xuất trước tình hình biến đổi khí hậu đang diễn ra gay gắt, tỉnh Hậu Giang vừa triển khai dịch vụ gửi tin nhắn qua điện thoại thông báo nồng độ mặn.
Tổng cục Thủy sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa đưa ra giải pháp kỹ thuật ứng phó tình hình hạn hán, xâm nhập mặn năm 2016 tại các tỉnh Nam bộ.
Từ ngày 4 đến ngày 8-4, tại TP. Nha Trang, Tổng cục Thủy sản Việt Nam chủ trì tổ chức cuộc họp Hội đồng giám đốc Trung tâm phát triển nghề cá Đông Nam Á (Seafdec) lần thứ 48. Tại cuộc họp, các đại biểu đại diện 11 nước thành viên đã tập trung thảo luận nhiều vấn đề quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển nghề cá bền vững.