Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Ồ Ạt Trồng, Tiêu Chết Trụi

Ồ Ạt Trồng, Tiêu Chết Trụi
Ngày đăng: 11/07/2014

Cán bộ nông nghiệp địa phương khuyến cáo, để bảo đảm lợi ích kinh tế, bà con nông dân nên sử dụng trụ tiêu sống để trồng; trồng xen canh trong vườn cà phê, điều để tăng lợi ích trên một diện tích...

Ông Lưu Văn Thảo (thôn Dư Keo, xã Ia Hla, huyện Chư Pưh) gần như mất trắng hơn tỷ đồng từ vườn tiêu 2.000 trụ. Cách đây vài năm, cây tiêu trong vườn của ông bắt đầu chết và đến khoảng cuối năm ngoái, vườn không còn trụ nào.

Mấy năm nay, rải rác khắp các xã trong huyện Chư Pưh (Gia Lai), diện tích tiêu chết xuất hiện ngày càng nhiều, dù đây là khu vực đất trồng tiêu tốt nhất vùng. Tính trên địa bàn Tây Nguyên, hàng nghìn hộ trồng tiêu cũng gặp tình cảnh tương tự.

Đó là chuyện đáng buồn cho bất kỳ hộ nông dân nào rơi vào hoàn cảnh đó, bởi từ năm 2012 đến nay, giá tiêu luôn ở mức trên 150 nghìn đồng/kg, rất hấp dẫn đối với người nông dân. Chưa có mặt hàng nông sản nào cao giá đến thế. Nhưng cũng chính vì mong kiếm lợi nhuận cao, nhiều nông dân ồ ạt phá bỏ các loại cây trồng khác như cà phê, điều, cao su… để chuyển sang trồng tiêu.

Thậm chí, có không ít trường hợp bất chấp rủi ro trồng tiêu trên những vùng đất trũng, ẩm ướt không thích hợp với loại cây trồng này.

Đến nay, chỉ tính riêng tại Gia Lai, tổng diện tích tiêu lên tới trên 11.245 ha. Các hộ trồng tiêu đa phần đều dựa trên kinh nghiệm đúc rút, hay học theo các hộ có vườn tiêu tốt, năng suất cao. Tuy nhiên, đa số không quan tâm đến thổ nhưỡng, giống tiêu có phù hợp hay không. Người dân trồng tiêu theo đủ mọi hình thức: trụ gỗ, trụ xi măng, cây sống…

Giống cây cũng đa dạng. Song, chất lượng còn nhiều điểm cần phải bàn, bởi chưa có nghiên cứu thực tế để giúp bà con nông dân chọn giống phù hợp với chất đất. Nguyên nhân này dẫn đến việc phát triển cây tiêu mang tính không bền vững.

Ông Lưu Trung Nghĩa, Phó chủ tịch UBND đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu huyện Chư Pưh khẳng định: Nguyên nhân tiêu chết là do nhiều hộ nông dân không theo khuyến cáo của chính quyền và cơ quan chuyên môn, đã đầu tư trồng hồ tiêu ở cả các diện tích đất không phù hợp.

Mặt khác, do một số diện tích hồ tiêu kinh doanh đã có từ lâu, nên bị thoái hóa chết, số còn lại thì do bệnh chết. Việc chọn giống tiêu không đảm bảo, người dân lựa chọn giống theo cảm tính, theo kinh nghiệm, khi trồng thì tiêu đã mang sẵn mầm bệnh, nên khi trồng vừa cho hạt thì chết.

Chỉ trong năm 2013 và đầu năm 2014, Gia Lai có trên 300 ha tiêu bị chết. Trong đó, các huyện chịu thiệt hại nặng nhất là Chư Sê, Chư Pưh… Ông Hoàng Phước Bính, Phó chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai) cho biết, hồ tiêu là mặt hàng có giá trị kinh tế cao nên người trồng ở Gia Lai và khu vực Tây Nguyên đua nhau trồng tiêu, bất chấp những cảnh báo của các cấp chính quyền địa phương.

Việc phát triển cây tiêu thiếu quy hoạch, thiếu tính bền vững, gây ra sự lây lan của dịch bệnh… đã làm thiệt hại không nhỏ đến đời sống của người dân trồng tiêu trên địa bàn. Một cán bộ Trạm Bảo vệ thực vật huyện Chư Sê cho biết, cây tiêu rất nhạy cảm với các loại dịch bệnh, do đó chế độ trồng và chăm sóc phải khác với các loại cây trồng khác.

Đặc biệt, việc chọn giống tiêu phải phù hợp với thổ nhưỡng, bởi tiêu là loại thân dây leo, tạo giống nhanh và dễ dàng hơn so với các loại cây khác, bề ngoài cây tiêu sinh trưởng phát triển tốt. Song, trên chính bản thân cây giống có thể chứa các mầm bệnh gây hại...

Do việc tự phát trồng tiêu của nông dân tăng cao khiến nguồn cung về cây giống không đủ cầu, các thương lái tự động đẩy giá tiêu giống từ 12.000 đồng/cây lên 15.000 đồng/cây. Do vậy, bà con nông dân phải mua cây giống từ các địa phương khác, thông qua trung gian, các nhà vườn hoặc các thương lái bán rong không rõ nguồn gốc, chất lượng cây giống chưa được kiểm chứng… nên rất dễ phát sinh sâu, bệnh gây hại, chất lượng tiêu hạt kém.

Cán bộ nông nghiệp địa phương khuyến cáo, để bảo đảm lợi ích kinh tế, bà con nông dân nên sử dụng trụ tiêu sống để trồng; trồng xen canh trong vườn cà phê, điều để tăng lợi ích trên một diện tích... Riêng những diện tích tiêu bị bệnh, bà con nông dân không nên trồng ngay mà phải cải tạo đất, trước tiên là trồng các loại cây ngắn ngày như đậu, ngô, sắn… khi nào đất ổn định mới có thể trồng lại.


Có thể bạn quan tâm

Sốt cây giống chuối đỏ Sốt cây giống chuối đỏ

Thông tin một nải chuối đỏ giá 500.000-600.000 đồng xuất hiện trên thị trường gần đây đã khiến giống cây có xuất xứ từ Australia lên cơn "sốt".

20/07/2015
Dồn đổi ruộng đất mang lại hiệu quả thiết thực cho nông dân ở Tam Nông Dồn đổi ruộng đất mang lại hiệu quả thiết thực cho nông dân ở Tam Nông

Quá trình thực hiện nhiệm vụ dồn đổi ruộng đất (DĐRĐ) có nhiều khó khăn, phức tạp. Song, với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và nhân dân nên huyện Tam Nông đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

20/07/2015
Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tăng cường liên kết 3 nhà Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tăng cường liên kết 3 nhà

Để thực hiện hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, việc đẩy mạnh công tác nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ có vai trò quyết định nhằm tăng năng suất lao động của người nông dân, nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm.

20/07/2015
Tiên Kiên (Lâm Thao) được mùa lúa tái sinh Tiên Kiên (Lâm Thao) được mùa lúa tái sinh

Trên cánh đồng Tộc rộng hơn 10ha, không khí thu hoạch lúa tái sinh của bà con cũng khẩn trương, rộn ràng chẳng kém khi gặt lúa chiêm xuân. Ai nấy đều vui mừng phấn khởi bởi vẫn chân ruộng ấy, không mất công cấy hái, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh, chỉ đầu tư thêm một yến phân bón NPK mà sau một tháng rưỡi đã được thu hoạch, năng suất bình quân đạt 90 kg/sào, có nơi năng suất lên đến 1,2 tạ/sào.

20/07/2015
Liên kết sản xuất lúa giống hàng hóa ở Duy Xuyên doanh nghiệp đã quay lại thu mua sản phẩm Liên kết sản xuất lúa giống hàng hóa ở Duy Xuyên doanh nghiệp đã quay lại thu mua sản phẩm

Sau một thời gian dài chờ đợi, nông dân huyện Duy Xuyên mới được phía doanh nghiệp liên kết sản xuất lúa giống đến thu mua sản phẩm.

20/07/2015