Ồ Ạt Săn Địa Sâm Bán Sang Trung Quốc
Những tháng gần đây, hàng trăm “thợ săn” từ các tỉnh phía Nam đổ về tỉnh Thừa Thiên- Huế tìm bắt loài địa sâm (dân địa phương gọi là giun biển) để cung cấp cho thương lái bán sang Trung Quốc. Mỗi kg giun tươi thương lái thu mua tại chỗ giá 50 ngàn đ. Mỗi ngày bình quân một “thợ săn” kiếm được trên chục kg.
Ngày kiếm tiền triệu
Buổi trưa cuối tháng 6, nắng như đổ lửa. Vùng nuôi tôm cao triều tại thôn 4, xã Quảng Công (huyện Quảng Điền, TT- Huế) nhộn nhịp hẳn lên bởi đội quân săn giun biển. Họ là những thợ săn giun đến từ các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam.
Đã hơn một tuần nay, những người này thuê một nhà kho của cơ sở nuôi trồng thủy sản cũ ở thôn 4 để ở, càn quét săn lùng giun biển từ huyện Phú Vang ra Hương Trà, Quảng Điền và cả ra ngoài tỉnh Quảng Trị.
Anh Nguyễn Ngọc Hơn (trú xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, Bình Định) cho biết, anh làm nghề này đã hơn chục năm nay.
Trước đây, anh em khai thác nhiều ở đầm Thị Nại, thời gian gần đây do lượng người bắt giun biển ngày một đông, hàng khan hiếm dần nên anh cùng những người trong xã ra tỉnh TT- Huế để tìm bắt. Có cả thương lái đi theo thu mua, đưa ra các tỉnh phía Bắc để bán sang Trung Quốc.
Cũng theo anh Hơn, mùa “săn” giun biển một năm chỉ tiến hành từ tháng 4 đến tháng 8, khi mực nước triều hạ, lộ ra những vùng cát bãi bồi ven cửa phá, cửa biển. Mỗi kg giun tươi thương lái thu mua tại chỗ giá 50 ngàn đ. Mỗi ngày bình quân một “thợ săn” kiếm được trên chục kg. Có gia đình đi cả nhà ra Huế làm nghề này, kiếm tiền triệu/ngày.
Dụng cụ bắt chủ yếu là cây thuổng bằng sắt. Người bắt chỉ nhìn lỗ trên vũng bùn, đoán hang của loài giun biển sau đó đào. Công đoạn đào diễn ra rất nhanh, nếu đào chậm giun biển sẽ luồn mất. Buổi trưa, triều hạ (nước rặt), vùng nuôi tôm cao triều tại thôn 4, xã Quảng Công hiện ra bãi bồi rộng mênh mông. Hơn 30 người tay cầm thuổng, giỏ xách ra quần thảo trên bãi bùn, cứ mỗi con giun biển được kéo lên khỏi hang, để lại cả một hố nham nhở bùn cát.
Ông Đào Văn Sáu, một người đi theo nhóm “thợ săn” cho biết, trước đây khi mới ra vùng phá ven huyện Quảng Điền, giun biển nhiều vô kể, chỉ đánh bắt trong cỡ vài tiếng là được vài chục cân. Giờ thì ít hơn do người bắt nhiều quá. Dân địa phương ở đây thấy bán được giá cũng có người theo học nghề này.
Mua để làm gì?
Có mặt tại vùng bãi bồi thôn 4 để chờ thu mua giun biển, bà Trần Thị Lệ cho hay, không biết phía thương lái Trung Quốc thu mua loài này để làm gì nhưng vài tháng gần đây họ mua rất nhiều. Nhiều người dân ở các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam cũng đổ xô bắt loài này bán dưới dạng cân tươi hoặc khô cho thương lái Trung Quốc.
Về lâu dài, việc khai thác ồ ạt con giun biển ở các bãi bồi vùng ven phá, ven biển chắc chắn ảnh hưởng đến 130 ha vùng nuôi trồng thủy sản, đến độ ẩm trong đất cũng như làm cạn kiệt nguồn tài nguyên của địa phương.
Với đội quân 30 người tại xã Quảng Công, mỗi ngày chị Lệ thu mua được 2-3 tạ để đưa ra các tỉnh phía Bắc. “Cứ 14,5kg giun tươi mới được 1kg giun khô, giá 800 ngàn đ. Thu mua xong phải phơi hoặc qua công đoạn sấy. Nếu siêng bắt mỗi “thợ” ở đây kiếm được tiền triệu mỗi ngày như chơi”- thương lái Lệ khẳng định.
Tại các địa phương như Phú Diên, Phú Hải (huyện Phú Vang), Lăng Cô (huyện Phú Lộc) cũng có đội quân vài chục người tham gia khai thác giun biển.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đính, Chủ tịch UBND xã Quảng Công cho biết, tình trạng người dân các vùng khác đổ về địa phương để tìm bắt giun biển diễn ra trong thời gian nửa tháng nay, làm bà con nuôi trồng thủy sản cao triều ở đây rất lo lắng. Phía xã đã cho người xuống kiểm tra, trước mắt đã làm thủ tục tạm trú cho những người này để quản lý.
Bà Lê Thị Mẫn- Phó Chủ tịch UBND xã Phú Hải cũng cho hay, đến nay phía xã vẫn chưa nắm được số lượng người ở những nơi khác về vùng ven phá để đào bắt loài giun biển. Tuy nhiên, ở các vùng bãi bồi này rất gần với vùng nuôi tôm cao triều vốn “nhạy cảm”, nếu đào sâu, ồ ạt chắc chắn ảnh hưởng đến việc nuôi trồng thủy sản. Thời gian tới địa phương sẽ cho kiểm tra, xử lý vấn đề này.
Ông Nguyễn Việt Hùng- Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường TT- Huế cho biết: “Vùng Quảng Điền là vùng phân bố khá lớn loài giun biển. Việc khai thác giun biển ồ ạt, số lượng lớn và tự phát như thế sẽ ảnh hưởng đến tài nguyên đất, nước cũng như đa dạng sinh học. Đó là chưa nói đến có thể gây xung đột vì lợi ích kinh tế của người dân địa phương với người vùng khác đến khai thác”.
Có thể bạn quan tâm
Sau nhiều năm nghiên cứu, tiếp thu khoa học công nghệ mới, Trung tâm Nghiên cứu và Sản xuất giống thủy sản Thanh Hóa (trên địa bàn xã Hoằng Thanh, huyện Hoằng Hóa) đã chủ động ứng dụng công nghệ dùng men vi sinh sản xuất tôm giống sạch; ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật sản xuất đa dạng đối tượng giống thủy sản phục vụ nhu cầu thả nuôi luân canh, xen canh với tôm sú.
Theo lịch thời vụ, các hồ đã tiến hành thả tôm giống đợt 1 năm 2013 được gần 20 ngày. Nhưng nhiều vùng nuôi tôm thẻ chân trắng trong tỉnh hiện vẫn án binh bất động. Nhiều diện tích hồ nuôi tôm trên cát bỏ hoang phế vì liên tục thất bại.
Khi người dân nhiều vùng nuôi tôm kêu trời không thấu vì dịch bệnh tôm chết liên miên, giá cả lên xuống thất thường, thì những con người thầm lặng thuở nào bám giữ ruộng đồng và nặng tình với con cá có thể ung dung "kê cao gối ngủ". Bởi con cá đồng sau một thời gian chìm nổi đã bắt đầu tìm lại chỗ đứng của mình như một sự tưởng thưởng xứng đáng cho công khó nhọc của người nông dân.
Những năm gần đây, phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của tỉnh đã góp phần tích cực trong công tác xóa đói, giảm nghèo cho hội viên nông dân và từng bước thay đổi diện mạo nông thôn ở nhiều địa phương.
Thiếu vốn để sản xuất, chi phí đầu vào tăng cao, tiêu thụ bất ổn cũng như công tác thông tin, dự báo thị trường còn hạn chế là những nguyên nhân chủ yếu ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng ngành thủy sản nói chung và sản xuất, tiêu thụ cá tra nói riêng của tỉnh Vĩnh Long hiện nay.