Trang chủ / Hải sản / Chem chép (Vẹm)

Nuôi vẹm xanh ở đầm Nha Phu

Nuôi vẹm xanh ở đầm Nha Phu
Tác giả: Đoàn Đại Trí
Ngày đăng: 23/08/2016

Đầm Nha Phu nằm cách trung tâm thành phố Nha Trang chừng hơn 20km về phía Bắc, diện tích mặt nước vào khoảng 4.000ha tùy theo thủy triều lên xuống.

Đã từ lâu đây được coi là vùng trọng điểm để nuôi trồng thủy hải sản của tỉnh Khánh Hòa bởi những đặc điểm lý tưởng mà thiên nhiên đã hào phóng ban tặng.

Với độ sâu trung bình vào khoảng 1,5m và được cung cấp nước ngọt bởi nhiều con sông như sông Dinh, Rọ Tượng, Đá Bàn… nên nơi đây có sự đa dạng sinh vật biển hiếm có.

Vì vậy rất nhiều ngư dân ở đây đã biết cách làm giàu từ những lợi thế địa phương mình bằng cách nuôi các loài thủy sản có giá trị.

Một trong số đó là con vẹm xanh.

Lần này về đầm Nha Phu tôi có dịp tận mắt chứng kiến những mô hình nuôi vẹm xanh đơn giản mà mang lại hiệu quả cao cho người dân.

Phải nài nỉ mãi anh Huỳnh Văn Kiên (43 tuổi) ở thôn Hang Dơi, xã Ninh Phú, (Ninh Hòa - Khánh Hòa) mới cho chúng tôi lên thuyền để ra khu vực nuôi vẹm của ngư dân ở đây.

Trong khu đầm mênh mông nước có rất nhiều những chòi được cất chênh vênh giữa sóng gió biển.

Dưới đó là san sát những cọc gỗ, xi măng và tre giăng kín mặt đầm.

Anh Kiên bảo những cái cọc đó dùng để “trồng” vẹm xanh.

Đi thêm khoảng 10 phút thì tới chòi nhà anh, trong chòi vật dụng khá đơn sơ.

Ngoài chăn chiếu, vài bộ quần áo là cái bếp ga và hai cái bát con con với can nước ngọt.

Khi ngồi uống nước nhìn ra mặt nước mênh mông anh Kiên trầm tư: Mình sinh ra và lớn lên ở khu đầm Nha Phu này, biết bơi từ trước khi… biết chữ.

Hồi trẻ mình thường đánh lưới quanh đầm.

Ngày đó nhiều tôm cá, sò ốc, vẹm xanh lắm.

Nhưng khoảng hơn chục năm trước thì hầu như tất cả mọi sinh vật có giá trị trên đầm đều cạn kiệt.

Trong lúc bối rối thì được ủy ban xã và trung tâm khuyến nông tỉnh khuyến khích giúp vốn nuôi vẹm xanh.

Mới đó mà đã chục năm rồi.

Ngần ấy thời gian thăng trầm cùng con vẹm… Tìm hiểu kỹ hơn về nghề nuôi vẹm xanh của ngư dân ở đầm Nha Phu này chúng tôi được biết: Vẹm xanh là loài nhuyễn thể hai mảnh sống tốt trong môi trường biển cửa sông.

Kỹ thuật nuôi vẹm khá đơn giản, bà con có thể “trồng” cọc xi măng, cọc gỗ, chăng dây hay lồng bè gì đều được.

Với đặc tính là bám vào những vật cố định thành từng chùm hàng trăm con nên vẹm xanh sẽ bám vào các vật dụng mà người nuôi tạo ra.

Thức ăn của vẹm là các loài sinh vật phù du, tảo và cả một phần chất thải rắn trong nước.

Nhờ đó vẹm xanh được đánh giá là khá thân thiện với môi trường.

Sau khi mua con giống về bà con thả vào các khu mặt nước của gia đình để chúng lớn và tự động bám vào những cái cọc đã được xây dựng sẵn.

Thường thì khoảng trên dưới 1 năm là bắt đầu cho thu hoạch vẹm.

Khi đó trọng lượng của chúng vào khoảng 35 đến 40 con/kg.

Anh Kiên cho biết những người nuôi vẹm xanh quanh khu vực đầm Nha Phu năm nay đều thắng lợi, hộ nào cũng có lãi từ 50 cho đến 200 triệu đồng tùy theo số lượng thả nuôi.

Riêng anh Kiên năm ngoái mua gần 400 kg vẹm giống để thả nuôi, đến nay đã bán được một phần ba mà đã thu 70 triệu đồng.

Ước tính dịp Tết này anh sẽ bán hết và sau khi trừ chi phí có thể lãi gần 100 triệu sau một năm nuôi và chăm sóc vẹm xanh.

Anh vớt lên mấy kí vẹm cho tôi xem.

Nhìn những con vẹm xanh óng ánh sắc màu trong nắng vàng lấp lánh mà tôi cũng cảm thấy vui lây.

Những con vẹm mới được khoảng 7 tháng tuổi nhưng theo anh Kiên thì có thể bán “ép” được vào tháng sau phục vụ nhu cầu thị trường Tết.

Mặt đầm thật tĩnh lặng, chỉ vài gợn sóng nhỏ li ti.

Tôi hỏi anh: Hình như nuôi vẹm xanh cũng nhàn nhỉ? Chỉ việc đóng cọc rồi giăng dây lưới và đợi chúng lớn để bán vì thức ăn là của tự nhiên rồi.

Anh Kiên cười khà nhìn tôi: Không phải vậy đâu, nuôi vẹm cũng vất vả lắm.

Như tôi đây phải ăn ngủ giữa biển khơi sương gió chục năm trời cũng vì vẹm đó.

Hàng ngày phải lặn xuống xem chúng sinh trưởng ra sao, có bị bệnh tật hay chết không để kịp thời chữa trị.

Rồi còn mưa gió bão tố nữa, có năm bà con ở đây lao đao mất cả Tết vì vẹm xanh chết nhiều do ô nhiễm môi trường nước đầm.

Tuy vậy năm nay thì khác, gần Tết rồi giá vẹm tăng cao hơn, vào khoảng gần 10 ngàn/kg.

Mà đa phần là bà con ngư dân đều giữ vẹm để bán vào dịp này.

Giờ những con vẹm của đầm Nha Phu này đã theo tư thương đi vào các nhà hàng hải sản tận Nha Trang, TP HCM, Đà Lạt… Nhờ đó hầu hết những người nuôi vẹm đều có lãi và nói như anh Kiên thì bà con ngư dân năm nay khá đỏ nhờ… vẹm xanh.


Có thể bạn quan tâm

Hướng dẫn kỹ thuật nuôi chem chép ở vùng biển nhiều sóng gió - Phần 1 Hướng dẫn kỹ thuật nuôi chem chép ở vùng biển nhiều sóng gió - Phần 1

Có nhiều phương pháp nuôi khác nhau như cọc bê tông, cọc gỗ, treo băng bè hoặc dây treo… Nuôi treo bằng phao hoặc bằng bè được sử dụng rộng rãi vì phù hợp ở những vùng có sóng gió, dễ di chuyển và thao tác.

23/08/2016
Hướng dẫn kỹ thuật nuôi chem chép ở vùng biển nhiều sóng gió - Phần 2 Hướng dẫn kỹ thuật nuôi chem chép ở vùng biển nhiều sóng gió - Phần 2

Hướng dẫn kỹ thuật nuôi chem chép ở vùng biển nhiều sóng gió - Phần 2

23/08/2016
Kỹ thuật nuôi vẹm xanh Kỹ thuật nuôi vẹm xanh

Vẹm vỏ xanh (Perna viridis) được coi là đối tượng hai mảnh vỏ quan trọng ở khu vực ven biển nước ta, với hàm lượng dinh dưõng tương đối cao,

23/08/2016