Nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững cần quan tâm đúng mức
Đó là một trong những hạn chế lớn ảnh hưởng đến hiệu quả NTTS tại Hà Nội.
Nguồn nước ô nhiễm
Xã Liên Châu, huyện Thanh Oai là một trong những vùng NTTS trọng điểm của TP với diện tích chuyển đổi từ ruộng trũng sang các mô hình đa canh đạt trên 100ha. Theo đánh giá của địa phương, mô hình NTTS cho thu nhập cao gấp 3 lần so với cấy lúa. Tuy nhiên, ông Lê Văn Trẻo, chủ một trang trại nuôi cá – vịt tại thôn Mai Châu, xã Liên Châu cho biết, nguồn nước NTTS trên địa bàn lấy chủ yếu từ sông Nhuệ đã bị ô nhiễm nghiêm trọng, không đảm bảo cho sản xuất. Chính vì vậy, năng suất nuôi thủy sản trên địa bàn xã còn hạn chế, nuôi theo hướng quảng canh chỉ đạt trung bình từ 3,8 - 4 tấn cá/ha/năm.
Không riêng gì xã Liên Châu, nhiều vùng NTTS khác trên địa bàn TP như Ứng Hòa, Ba Vì, Chương Mỹ, Quốc Oai... cũng đang gặp phải vấn đề tương tự. Theo Chi cục Thủy sản Hà Nội, diện tích nuôi thủy sản toàn TP đạt trên 21.100ha với hơn 22.400 hộ nuôi. Nguồn nước cấp sử dụng cho NTTS trên địa bàn TP chủ yếu được lấy từ sông Hồng, Tích, Bùi, Đáy, Đà và các hồ chứa lớn. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm môi trường nước trên các con sông ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước phục vụ NTTS.
Ông Tạ Văn Sơn – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Nội cho biết, vấn đề NTTS theo hướng bền vững, đảm bảo ATTP chưa được người dân quan tâm đúng mức, nhất là xử lý môi trường và phòng chống dịch bệnh. Hiện tại, trên địa bàn Hà Nội có 2 cơ sở sản xuất sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường dùng trong NTTS và hơn 90 cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc thú y (cả thuốc thú y cho gia súc, gia cầm và thủy sản). Do vậy, việc quản lý tình hình sử dụng hóa chất, kháng sinh và sản phẩm xử lý cải tạo môi trường trong NTTS cũng là một vấn đề cấp bách.
Sử dụng tùy tiện
Theo đánh giá của Chi cục Thủy sản Hà Nội, trong quá trình kiểm tra thực tế, việc quản lý sản xuất, kinh doanh và sử dụng thuốc kháng sinh, hóa chất trong NTTS hiện nay còn một số tồn tại, bất cập. Đó là nhiều cơ sở NTTS sử dụng trực tiếp nguyên liệu kháng sinh để phòng, trị bệnh không đúng với quy định. Nhiều sản phẩm có nhãn mác không đúng với đăng ký, ghi thêm công dụng để thu hút người mua. Một số công ty, DN có tình trạng cho nhân viên tiếp thị bán thuốc thú y ngoài danh mục tại cơ sở chăn nuôi, NTTS nhưng chưa được xử lý.
Để xử lý môi trường nước, ngoài sử dụng các chế phẩm sinh học, cần thiết phải xây dựng hệ thống tuần hoàn khép kín, trong đó dành riêng 10 – 15% diện tích để lắng lọc nước trước khi cấp nước trở lại cho sản xuất. Tuy nhiên, trong số hơn 22.400 hộ dân đang NTTS của Hà Nội, hầu như chưa có mô hình nào được đầu tư hệ thống này, cho thấy sự bất cập lớn trong ngành thủy sản TP.
Ông Hoàng Tiến Minh – Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Nội cho biết, trong khi chờ hoàn thiện hạ tầng vùng sản xuất, Chi cục đã kết hợp với cộng tác viên là cán bộ phụ trách tại xã đến các hộ nuôi kiểm tra, hướng dẫn việc sử dụng kháng sinh, hóa chất dùng trong NTTS. Qua đó giúp người dân biết loại kháng sinh nào nên dùng, cách sử dụng, liều lượng, thời gian ngừng sử dụng cho từng đối tượng, hoàn cảnh cụ thể. Đồng thời giám sát việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng kháng sinh bị cấm hay kháng sinh, hóa chất chưa được phép lưu hành tại Việt Nam, các loại kháng sinh hóa chất không rõ nguồn gốc xuất xứ…
Có thể bạn quan tâm
Với phán quyết rõ ràng của Toà trọng tài thường trực (PCA) trong vụ kiện Biển Đông, chia sẻ với NTNN/Dân Việt, nhiều ngư dân miền Trung càng thêm vững tin, lạc quan vào sự công minh của luật pháp quốc tế, của chính nghĩa và lẽ phải, chủ quyền bất di bất dịch của Việt Nam đối với Trường Sa, Hoàng Sa.
Các loại cá đặc sản được nuôi bằng lồng gần cửa biển tại Thừa Thiên- Huế lại chết hàng loạt, người dân phải bán đổ bán tháo để vớt vát phần nào thiệt hại.
Dự án có tổng kinh phí hơn 2,8 tỷ đồng. Trong đó, Nhà nước hỗ trợ hơn 1,4 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 1,4 tỷ đồng.