Chúng tôi sẽ kiện nếu tàu Trung Quốc còn cướp phá
Vững tin ra khơi
Ngày 12.7, Toà PCA ra phán quyết về vụ kiện của Philippines đối với yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông sau 3 năm thụ lý. Theo đó, tòa tuyên bố "đường chín đoạn" của Trung Quốc là không có cơ sở pháp lý và Trung Quốc "không có chủ quyền lịch sử" tại Biển Đông.
"Chúng tôi sẽ tiến hành khởi kiện tàu Trung Quốc nếu họ còn tiếp tục rượt đuổi, đe doạ và cướp phá tài sản của chúng tôi khi đánh bắt hợp pháp trên vùng biển của Việt Nam. Chúng tôi dứt khoát không sợ hãi, không nhân nhượng bởi chính nghĩa và lẽ phải luôn thuộc về chúng ta”
Nghe thông tin này, nhiều ngư dân các tỉnh miền Trung rất vui mừng và tin tưởng người dân yêu chuộng hoà bình và bạn bè trên thế giới sẽ sát cánh bên mình, đứng về lẽ phải, luật pháp quốc tế.
PV NTNN/Dân Việt gặp lão ngư Phạm Hừng (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) khi ông đang chuẩn bị các nhu yếu phẩm cần thiết dành cho chuyến biển Hoàng Sa sắp tới” - Ông cho rằng, PCA rất công minh, không thể có chuyện thế giới chấp nhận đòi hỏi vô lý. Ngoài ra, những hành động hung hăng của tàu Trung Quốc đối với tàu bè các nước đánh bắt trên Biển Đông cũng sẽ bị lên án mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
“Tôi tin ngư dân Philippines cũng như ngư dân Việt Nam đang rất khó khăn và thường xuyên gặp nguy hiểm khi đánh bắt trên Biển Đông. Bản thân tôi đã rất nhiều lần bị tàu Trung Quốc uy hiếp khi đánh bắt hợp pháp trên Biển Đông. Đơn cử vào tháng 9.2003, tàu QNg 8399 của tôi đang đánh bắt ở vị trí 19,25 vĩ độ Bắc – 117, 42 độ kinh Đông, thuộc vùng biển Việt Nam thì bị 1 tàu Trung Quốc đâm chìm và bắt 10 ngư dân trên tàu lên đảo Hải Nam giam giữ. Sau khi có sự vào cuộc của cơ quan chức năng nước ta họ mới trao trả chúng tôi qua Cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) sau 2 tháng “giam giữ”. Tôi nghĩ lại mà ức lắm nhưng không làm được gì. Thế nhưng, tôi tin những hành động ấy trong thời gian tới sẽ bị hạn chế” – ngư dân Phạm Hừng nói.
Tin tưởng vào luật pháp, lẽ phải
Ngư dân Nguyễn Sương (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) - chủ đội tàu lớn chuyên đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa nói: “Mấy năm trở lại đây vùng biển Hoàng Sa luôn có nhiều biến động và bất trắc. Tình trạng tàu thuyền của ngư dân ta đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa bị tàu Trung Quốc đe doạ, cướp phá, uy hiếp ngày càng nhiều khiến các ngư dân ra khơi cần đi theo tổ đội sản xuất”.
Ngư dân Nguyễn Sương cho rằng tàu Trung Quốc đừng nên hung hăng vì như thế họ càng
tự cô lập mình. Ảnh: Đình Thiên
“Vùng biển Hoàng Sa giờ đặc kín tàu thuyền của Trung Quốc. Tàu họ to, máy lớn như muốn nuốt chửng tàu thuyền của ta. Vì vậy, mỗi khi ra biển, chúng tôi đều đi theo tổ đội 4 con tàu cùng đánh bắt gần nhau. Nếu có sự cố là chạy tới hỗ trợ kịp thời. Khi đêm xuống, nếu nghỉ ngơi luôn có một tàu được cắt cử để canh phòng và báo động tàu lạ tiến tới có ý đồ xấu. Hải sản đánh bắt được bao nhiêu là có tàu hậu cần thu gom đưa về đất liền bấy nhiêu” – ông Nguyễn Sương nói.
Sau phán quyết vừa qua của PCA bác bỏ “đường lưỡi bò” của Trung Quốc, ngư dân Sương cho rằng, tàu Trung Quốc nếu còn có những hành động vô lý, ức hiếp tàu bè các nước thì xem lại mình bởi chính những hành vi đấy sẽ càng khiến họ tự cô lập mình.
Ngư dân Nguyễn Văn Tám (Đà Nẵng) - chủ tàu ĐNa 90399 nói: “Từ khi Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan trái phép Hải Dương 981 trong vùng biển thuộc chủ quyền của nước ta và sau đó rút đi thì đến nay, không biết bao nhiêu lượt tàu cá của ngư dân Đà Nẵng bị tàu Trung Quốc tăng cường xua đuổi, đâm va. Thậm chí, ngư trường chính của ngư dân Đà Nẵng làm chủ hàng trăm năm nay cũng có sự xuất hiện đông lạ thường của tàu Trung Quốc. Tàu Trung Quốc không cho tàu ta đánh bắt trong phạm vi bán kính lên đến cả trăm hải lý”.
Ngư dân Tám cho biết thêm: “Có những khi họ truy đuổi chúng tôi chỉ cách Đà Nẵng chưa đến 100 hải lý. Nhiều lần bị cướp phá, chúng tôi đã tính chuyện cùng nhau kiện để đòi lại ngư trường nhưng chưa chọn được thời điểm thích hợp. Qua phán quyết công minh của PCA, chúng tôi đã tin tưởng vào luật pháp quốc tế và càng củng cố hơn niềm tin. Nếu tàu Trung Quốc còn có những hành động phi nhân tính với chúng tôi như trước, chúng tôi sẽ kiện. Tôi tin bạn bè và những người yêu chuộng hoà bình thế giới sẽ ủng hộ ngư dân ta”.
Có thể bạn quan tâm
Việc xét nghiệm tôm trước khi thả nuôi không còn xa lạ gì đối với người dân nuôi tôm Cà Mau nói riêng cả nước nói chung. Thế nhưng, những mẫu xét nghiệm được người dân nuôi tôm muốn cơ sở sản xuất phải có cơ chế bảo hành, đó là cách duy nhất đảm bảo quyền lợi cho cả đôi bên.
Nhằm tránh thiệt hại cho tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh nhuyễn thể hai mảnh vỏ tại những vùng không bảo đảm vệ sinh an toàn, chương trình kiểm soát nhuyễn thể 2 mảnh vỏ đã được thiết lập và thực hiện tại vùng nuôi Vân Đồn (Quảng Ninh), nơi có vùng nuôi trồng tập trung nhuyễn thể lớn.
Thuốc thú y, thức ăn, chế phẩm xử lý môi trường dùng trong nuôi thủy sản… là những vật tư quan trọng góp phần quyết định hiệu quả của vụ nuôi.