Nuôi trồng thủy sản nước ngọt ở Đức Phổ chưa tận dụng hết lợi thế

Đầm An Khê, xã Phổ Khánh (Đức Phổ) là một trong số đầm nước ngọt lớn nhất tỉnh, với diện tích lên đến 300ha. Đầm An Khê là sinh kế của hơn ba ngàn hộ dân các thôn Phú Long, Diên Trường, Quy Thiện, Vĩnh An... Nhưng hiện nay, nhiều người dân nơi đây chọn cách ly hương để tìm kế sinh nhai khác, bởi đầm An Khê đã không còn là “mảnh đất” màu mỡ có thể nuôi sống những ai mưu sinh bằng nghề chài lưới.
Anh Hồ Văn Dũng, ngụ thôn Phú Long cho biết: “Người dân ở đây rủ nhau vào Nam làm ăn hay đi biển cả rồi. Ngày trước cá tôm trên đầm nhiều lắm, nhưng giờ cạn kiệt. Cứ mạnh ai nấy khai thác, rồi xung điện các kiểu thì có nhiều bao nhiêu cũng sẽ hết. Như tôi đây, chiều chiều thả mấy chục mét lưới mà thu được có vài con cá rô, con tôm nhỏ. Coi như làm cho vui để cải thiện bữa ăn thôi”.
Sớm nhận thấy nguồn cá tôm tự nhiên trên đầm An Khê sẽ cạn kiệt, chính quyền xã Phổ Khánh ngoài việc tăng cường quản lý tình trạng khai thác hủy diệt thì từ hơn chục năm trước còn thành lập tổ nuôi trồng thủy sản. Việc nuôi trồng được thực hiện với hình thức giăng lưới khoanh vùng, nuôi quảng canh. Nhưng tổ nuôi trồng cũng giải thể vì thua lỗ. Tình trạng người dân không mặn mà với việc nuôi trồng thủy sản nước ngọt không chỉ xảy ra ở đầm An Khê mà còn diễn ra ở gần chục hồ chứa nước như Diên Trường, Liệt Sơn… trên huyện Đức Phổ khi mà sản lượng khai thác giảm đến 60 - 70% vì người nuôi hạn chế việc đầu tư con giống.
Không chỉ sở hữu nhiều đầm, hồ chứa nước, việc nuôi trồng thủy sản nước ngọt tại huyện Đức Phổ còn khá thuận lợi khi có Trại thực nghiệm sản xuất giống thủy sản nước ngọt. Thế nhưng, theo quản lý của trại giống này thì các đơn hàng mà đơn vị này cung ứng hầu hết là từ những huyện miền núi và các địa phương khác.
Tại sao việc nuôi trồng thủy sản nước ngọt tại địa phương không được người dân quan tâm? Ông Lê Thanh Tân-Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Đức Phổ giải thích: “Chi phí nuôi cá nước ngọt không hề thấp bởi hệ số chuyển đổi thức ăn của chúng khá cao. Giá quy đổi một số loại cá thấp nhất bình quân cũng trên 35 ngàn đồng/kg cá thương phẩm. Trong khi đó, huyện Đức Phổ có đến hai cảng cá, sản lượng đánh bắt hải sản rất lớn. Ngoài việc nhiều người tiêu dùng có tâm lý “chuộng” mặt hàng hải sản, thì việc thủy sản nước mặn đa dạng, dồi dào, có giá phải chăng hơn cũng là lý do khiến thủy sản nước ngọt không thể cạnh tranh”.
Đây cũng là nguyên nhân được bà Đỗ Thị Thu Đông- Trưởng Phòng nuôi trồng thủy sản (Sở NN&PTNN) chỉ ra. Cũng theo bà Đông, Sở cũng đã có đề án “Điều tra, đánh giá hoạt động thủy sản, đề xuất mô hình quản lý khai thác bền vững tại đầm An Khê”. Đề án này đã được UBND tỉnh phê duyệt thực hiện trong năm nay, với việc khảo sát điều tra hiện trạng, đánh giá cái nào có lợi thì khuyến khích phát triển, cái nào còn hạn chế thì tìm giải pháp để phát triển bền vững.
“Theo đánh giá ban đầu, một số giải pháp thích hợp được tính đến là chuyển đầm An Khê từ đầm nước ngọt thành đầm nước lợ để nâng cao hiệu quả kinh tế từ mô hình nuôi trồng thủy sản nước lợ, hoặc xây dựng khu du lịch sinh thái tại đây. Nhưng những giải pháp này có thực hiện được hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, Sở NN&PTNT vẫn đang tiếp tục nghiên cứu”, bà Đông cho biết.
Có thể bạn quan tâm

Trước đây, diện tích cây sen ở 2 huyện Nhơn Trạch, Long Thành (Đồng Nai) lên đến gần 300 hécta. Song hiện nay diện tích trồng sen còn lại rất ít và nhiều vùng trồng sen có nguy cơ bị xóa sổ.

Ông Lê Xuân Chắc (ngụ ấp Bình Phong, xã Thái Bình, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh) được nhiều người biết đến bởi ông được xem là người đi đầu trong việc trồng rau sạch tại địa phương.

Thực tế, đa số các địa phương vẫn chạy theo thành tích. Đây là vấn đề tồn tại chính trong xây dựng NTM hiện nay và cần phải điều chỉnh lại trong thời gian tới.

Đầu vào tiếp tục tăng, đầu ra co lại, khiến thuỷ sản, lúa gạo gặp khó khăn trong thời gian qua. Dự báo tình hình vẫn chưa được cải thiện trong bối cảnh nhu cầu thị trường thế giới giảm và các nước nhập khẩu chủ lực hàng hóa của Việt Nam điều chỉnh chính sách.

Do giá bán các máy ấp trứng trên thị trường quá cao, ông Nguyễn Tấn Lộc (ấp Láng Dài, xã Láng Dài, huyện Đất Đỏ - Bà Rịa - Vũng Tàu) đã tự thiết kế thành công chiếc máy ấp trứng gà, mỗi tuần cho ra lò hơn 300 con gà giống cung cấp cho thị trường.