Một mình nhận hai vai: Tỷ phú và bác sĩ cho cam sành
Anh Nguyễn Thanh Nhân (còn gọi là Bé), một nhà vườn trẻ ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, không những nổi tiếng là tỷ phú cam sành mà còn được bà con nông dân miền Tây phong tặng danh hiệu là bác sĩ chữa bệnh cho cây cam.
Trong ảnh: Anh Thanh Nhân (áo trắng) đang hướng dẫn bà con nông dân cách phòng trị bệnh greening, lá vàng lá bạc trên cây cam
Tàn lụi những vườn cam
Hay tin anh Nguyễn Thanh Nhân, dự tính chuyển đổi rẫy mía của mình sang trồng cam sành, nhiều người trong gia đình cũng như bà con lối xóm đến khuyên anh, đừng có đâm đầu vào chỗ chết. Bởi lẽ hiện nay, cây cam đang trên đà tàn lụi, thời hoàng kim, cây cam lên ngôi từ mấy năm trước đã qua rồi. Hiện tại, cây cam trên toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long đang lâm vào dịch bệnh lá vàng lá bạc, mà các nhà khoa học nghiên cứu cho đó là bệnh greening, rất khó chữa trị. Vườn cam nào bị dịch bệnh này, chẳng khác nào như vướng vào căn bệnh thế kỷ “sida”, kể như đốn bỏ. Nhiều nhà vườn bao năm phất lên nhờ cây cam, nay lụn bại cũng vì cây cam. Sau khi đốn bỏ vườn cam bệnh, họ tiếp tục trồng cam trên khu vườn đó. Ba năm sau, khi cam cho trái chiến, lại tiếp tục bị bệnh lá vàng lá bạc, dịch bệnh greening không buông tha. Lại đốn bỏ, điệp khúc trồng rồi đốn, đốn rồi trồng, cứ lặp đi lặp lại, khiến nhiều người nông dân như ngã quỵ ngay trên vườn cam của mình.
Nhiều biện pháp khắc phục vườn cam bệnh cũng như tìm ra nhiều phương pháp điều trị dịch bệnh greening vẫn không hiệu quả. Huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long, là huyện có diện tích cây cam nhiều nhất miền Tây, hơn 5.000ha. Thương hiệu cam Tam Bình đã sớm khẳng định vị trí trên thị trường nội địa cũng như xuất khẩu.
Có về Tam Bình mới thấy hết sự thăng hoa của cây cam. Tam Bình đã thành lập riêng một ngôi chợ, chỉ toàn buôn bán cam. Chợ hoạt động suốt 24/24 giờ, sôi động nhất là vào khoảng 2 - 6 giờ sáng. Cam chở từ nhà vườn ra bằng honda, ghe máy, tắc ráng đông nghẹt. Dưới sông ghe tàu xuôi ngược, tiếng rao bán, tiếng gọi mua vang dậy một khúc sông. Còn trên đường lộ, xe cộ tấp nập, lớp nào xe tải xuống chở cam về các nơi, xe nhỏ đưa về các tỉnh lân cận, nhộn nhịp cả đêm. Còn buổi sáng, thương lái đổ xô về các nhà vườn tranh mua, tranh bán. Nhờ vậy mà đời sống của người dân Tam Bình phất lên nhanh chóng, nhiều nhà tường lợp ngói cứ liên tục mọc lên, xe honda ngược xuôi khắp nẻo đường làng.
Chị Lưu Lệ Quyên, một người trồng cam có tiếng ở Tam Bình than thở: “Nhà tôi có gần hai mẫu cam, mấy năm đầu ăn nên làm ra, cất nhà sắm xe, tivi, tủ lạnh… chỉ được mấy năm, những năm sau, có bao nhiêu dành dụm lại đổ ra hết cho vườn cam. Nay vườn cam kể như không còn gì, đành chuyển sang trồng ổi sống qua ngày”. Chợ cam Tam Bình giờ đây vắng hoe, các vườn cam đã tàn lụi vì chứng lá vàng lá bạc.
Lập nghiệp từ cây cam
Anh Nguyễn Thanh Nhân mồ côi cha từ nhỏ, nên sớm có ý chí tự lập. Nhìn lại nguồn thu của gia đình chủ yếu dựa vào cây mía bao năm vẫn vậy. Cũng với điệp khúc trúng mùa rớt giá, thương lái cứ ép giá nông dân chẳng chút xót thương. Cuối cùng, qua bao năm tháng thăng trầm cùng cây mía, kết cuộc cũng chẳng có dư bao nhiêu. Anh Thanh Nhân quyết định đổi đời với ý tưởng trồng cam.
Theo anh, trồng cam tuy nguy cơ rủi ro như hiện nay là rất lớn, do mọi người chưa tìm ra phương pháp điều trị hữu hiệu. Hơn nữa, đối với cây cam thì không cạnh tranh, thu nhập lại cao. Dù hiện nay, cây cam đang rơi vào cơn đại dịch vàng lá, nhà nhà đang từ bỏ, nhưng xuất phát từ niềm đam mê, quyết chí làm giàu từ trồng cam, anh Nhân bỏ công mày mò, nghiên cứu học tập từ sách vở đến thực tiễn trên từng cây cam bệnh. Đối với cây cam già, sau 5 năm cho trái, cam đã bắt đầu lão hóa, nhựa sống vơi dần, màu xanh trên cây đã thay đổi bằng màu vàng úa, anh Nhân áp dụng phương pháp tăng trưởng cho cây bằng những thuốc tăng trưởng trực tiếp chích thẳng vào thân cây. Anh Nhân nói, cũng như con người, khi chích thuốc cũng thẳng vào da thịt mới hiệu nghiệm.
Việc bón phân quanh gốc như từ nào giờ, chỉ giúp cây phát triển chứ không thể nào hết bệnh. Kết quả là sau một tháng, cây cam đâm chồi mới rồi ra hoa như khi cam còn non tơ. Thành công này khiến anh Thanh Nhân càng thêm tự tin. Đến khi vườn cam của anh bị bệnh lá vàng lá bạc, đúng là chứng greening đã xuất hiện, mọi người bàn ra tán vào, chờ đợi anh… đốn bỏ vườn cam như mọi người. Mặc cho miệng đời dị nghị dèm pha, anh Thanh Nhân kiên trì chữa bệnh cây cam bằng phương pháp riêng của mình.
Sau ba tháng miệt mài chăm sóc, cây cam theo đúng liệu trình tính trước đã hồi phục, những chiếc lá vàng, lá bạc đã trở lại màu xanh tươi tốt như ban đầu. Vườn cam của anh Nhân như có phép mầu, ra trái sum sê, năm đó anh thu hoạch tiền tỷ.
Làm giàu từ cải tiến kỹ thuật
Sau khi thành công bằng phương pháp cải tiến kỹ thuật trị bệnh lá vàng lá bạc trên cây cam, như diều gặp gió, anh Thanh Nhân mạnh dạn mua lại vườn cam bệnh của anh Sanh ở xã Lái Hiếu ở gần nhà anh với gần 3.000 cây giá rẻ khi chủ nhà định đốn bỏ. Sau một năm săn sóc, vườn cam đã thôi trổ lá vàng lá bạc, đơm trái đầy cành, anh đã thu lợi tiền tỷ trên mảnh vườn mới.
Với tinh thần cầu tiến, sự kiên trì, biết áp dụng kỹ thuật mới một cách sáng tạo, anh Thanh Nhân đã mua thêm mấy vườn cam bệnh nữa. Hiện nay tổng vườn cam của anh có hơn 30.000 gốc. Trung bình mỗi năm, anh xuất bán hơn 200 tấn trái nghịch vụ mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình. Anh dược mệnh danh là tỷ phú cam sành ở độ tuổi 32.
Theo anh Thanh Nhân, muốn trồng cam đạt hiệu quả, đạt lợi nhuận cao, trước hết không mua giống trôi nổi, cần phải lựa chọn cây giống tốt sạch bệnh từ các trại ươm cây có uy tín. Khi trồng cần thường xuyên kiểm tra bộ rễ của cây, theo dõi sự phát triển của màu lá. Đặc biệt phải phun thuốc định kỳ đầy đủ nhằm chủ động phòng ngừa các loại sâu bệnh nhất là rệp sáp và nhện đỏ… Bên cạnh đó, phải thực hiện tốt khâu tưới nước, tỉa cành, giữ độ ẩm trong đất hợp lý theo điều kiện thời tiết. Tránh trường hợp để đất quá khô, hay rễ cây bị nước ngập sẽ dễ phát sinh mầm bệnh.
Không những làm giàu cho gia đình mình, anh còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho những ai có ý học hỏi. Tiếng lành đồn xa, anh Thanh Nhân nhanh chóng trở thành một “quân sư” trong giới trồng cam. Một số nhà vườn từ các huyện lân cận khi thấy vườn cam nhà mình có dấu hiệu xấu đã mời anh về hướng dẫn cách điều trị bệnh, đều đạt kết quả như mong muốn. Có lần anh đi Mỹ Tú, Sóc Trăng thấy một vườn cam của anh Út Ba bị bệnh vàng lá, anh đã chủ động xuống xe gặp chủ vườn để hướng dẫn cách chăm sóc, nhờ vậy mà vườn cam của anh Út Ba đã được hồi sinh.
Anh Út Ba mừng rỡ “vườn cam của tôi đang bị bệnh, không biết cách chữa trị, các anh ở phòng khuyến nông cũng lắc đầu, vợ chồng tôi định đốn trồng lại cây khác, may mắn nhờ anh Thanh Nhân hướng dẫn áp dụng mới kỹ thuật, vườn cam của tôi đã xanh tốt trở lại và đang chờ ngày thu hoạch trái”.
Ngoài việc, giúp bà con kinh nghiệm làm vườn, đặc biệt là giúp bà con khôi phục lại vườn cam bị chứng greening, lá vàng lá bạc, anh Thanh Nhân còn là một mạnh thường quân có nhiều đóng góp ở địa phương. Từ việc tuyển chọn công nhân làm vườn, anh đã mang lại thu nhập ổn định cho hơn 20 thanh niên có hoàn cảnh khó khăn, góp phần xóa đói giảm nghèo cho quê hương. Anh Nguyễn Thanh Nhân được xem là một điển hình tiêu biểu cho tinh thần dám nghĩ, dám làm, ý chí vươn lên làm giàu của thanh niên nông thôn.
Ông Huỳnh Văn Út, Chủ tịch UBND xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, bày tỏ: “Anh Bé là một thanh niên có nhiều cải tiến kỹ thuật nông nghiệp, nhất là trên cây cam bệnh, mang lại hiệu quả cao, chẳng những giúp bà con không mất vốn mà còn vươn lên làm giàu. Anh là một tấm gương làm giàu của tuổi trẻ trong phong trào xây dựng nông thôn mới hiện nay. Các nhà vườn cũng cần học hỏi, áp dụng kinh nghiệm và kỹ thuật này”.
Có thể bạn quan tâm
Nhiều gia đình ở Sóc Trăng mạnh dạn đầu tư trồng dứa trên đất nhiễm phèn đã cho lợi nhuận gần 100 triệu đồng/năm.
Phương pháp này không chỉ giúp hạn chế thiệt hại cho cây trồng do thời tiết xấu mà còn mang lại lợi ích kinh tế cao hơn cho bà con nông dân.
Khởi nghiệp bằng những đồng vốn ít ỏi đi vay mượn, chàng trai trẻ xứ Thanh đã mạnh dạn đầu từ vào mô hình trồng nấm thảo dược trên vùng đất quê hương