Nuôi Trồng Thủy Sản Cần Tuân Thủ Lịch Thời Vụ
Mới đây, Chi cục Nuôi trồng thủy sản (NTTS) tỉnh Khánh Hòa đã có hướng dẫn lịch thời vụ thả nuôi tôm nước lợ năm 2015. Để tránh thiệt hại trong NTTS, Chi cục khuyến cáo người nuôi phải tuân thủ lịch thời vụ.
Bấp bênh khi nuôi trái vụ
Mùa mưa năm 2014, đến các vùng NTTS ở phường Ninh Hà, các xã: Ninh Phú, Ninh Lộc, Ninh Ích... (thị xã Ninh Hòa), không ít lần chúng tôi chứng kiến người nuôi tôm đứng ngồi không yên bởi nỗi lo thiệt hại do nuôi trái vụ.
Ông Nguyễn Thuận (tổ dân phố Hậu Phước, phường Ninh Hà) cho biết: “Nuôi tôm trái vụ nếu gặp thời tiết thuận lợi thì có lãi, nhưng gặp mưa bão thì mất trắng. Cũng vì sự bấp bênh ấy mà người dân không dám thả nuôi nhiều”. Năm 2013, 2 vụ nuôi chính, gia đình ông Thuận thua lỗ hơn 100 triệu đồng. Sau đó, gia đình ông tiếp tục thả nuôi vụ phụ vào mùa đông với 15 vạn con tôm thẻ chân trắng, 6.000 con cua, 3.000 con cá dìa.
Đến kỳ thu hoạch, mưa bão dồn dập, nước lũ trắng cả một vùng đìa, gia đình ông tiếp tục mất thêm 70 triệu đồng. Năm 2014, ông cũng thả nuôi vụ đông nhưng chỉ với quy mô nhỏ theo hình thức quảng canh với 10 vạn con tôm thẻ chân trắng. Nhờ thời tiết thuận lợi, tôm phát triển tốt nên gia đình ông lãi hơn 50 triệu đồng.
Gặp ông Dương Xuân Hùng ở vùng đìa thôn Tiên Du 1 (xã Ninh Phú), ông cho biết, năm 2014, 2 vụ nuôi chính do dịch bệnh, thời tiết nắng nóng... nên gia đình ông phải chịu cảnh thua lỗ. Để vớt vát phần nào, ông đầu tư nuôi trái vụ với 10 vạn con giống, nhưng do ảnh hưởng của thời tiết nên tôm chậm lớn, bị bệnh đỏ thân, chết đến 60%. Tính ra, vụ nuôi vừa qua, gia đình ông lỗ hơn 10 triệu đồng.
Được biết, không ít lần gia đình ông Hùng bị thiệt hại khi nuôi tôm trái vụ. “Qua nhiều năm nuôi thủy sản trái vụ, tôi thấy rất bấp bênh. Tuy nhiên, hộ nào đầu tư thả nuôi quy mô nhỏ vào vụ đông, nếu may mắn sẽ có được ít tiền, còn thất bại thì thua lỗ cũng ít” - ông Hùng nói.
Ông Nguyễn Minh Nhật - Phó Chủ tịch UBND phường Ninh Hà cho biết: “Trong kế hoạch NTTS hàng năm, do nhu cầu nuôi của người dân khá lớn nên địa phương có xây dựng kế hoạch sản xuất trái vụ vào mùa đông với khoảng 250ha. Tuy nhiên, chúng tôi không khuyến khích người dân đầu tư nuôi nhiều trong vụ này, bởi nuôi trái vụ khá bấp bênh, rất dễ bị thiệt hại. Bên cạnh đó, địa phương cũng khuyến cáo người dân nên nuôi ở những vùng đìa cao, thả nuôi với mật độ thưa...”.
Khuyến cáo trước vụ nuôi
Chuẩn bị cho kế hoạch NTTS năm 2015, mới đây, Chi cục NTTS tỉnh đã có hướng dẫn và đề nghị các hộ nuôi tôm thương phẩm cần tuân thủ nghiêm túc lịch thời vụ nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh.
Lãnh đạo Chi cục NTTS tỉnh khuyến cáo, nông dân cần tiến hành kiểm dịch, kiểm tra chất lượng và xuất xứ nguồn gốc con giống trước khi thả nuôi; thông báo cho UBND cấp xã, trạm NTTS tại địa phương về thời gian thả nuôi, diện tích nuôi, số lượng, mật độ, nguồn gốc tôm giống, phiếu xét nghiệm, giấy kiểm dịch... để cơ quan quản lý lưu trữ hồ sơ và thực hiện các chế độ chính sách hỗ trợ cho người nuôi khi cần thiết.
Trước khi thả nuôi tôm 5 - 10 ngày, các hộ nuôi cần theo dõi diễn biến thời tiết. Nếu thời tiết không thuận lợi thì nên tạm dừng thả giống; không sử dụng các sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường thủy sản thành phần có chứa Cypermethrin, Deltamethrin, chỉ nên sử dụng vôi, Saponin diệt tạp, giáp xác trong quá trình cải tạo ao.
Trong quá trình nuôi, không được sử dụng các loại hóa chất và kháng sinh cấm sử dụng trong NTTS. Bên cạnh đó, các hộ nuôi trong cùng một khu vực có chung hệ thống cấp và tiêu nước cần nạo vét kênh mương để tăng khả năng cấp thoát nước khu vực nuôi của mình; nên thả giống đồng loạt tại các vùng nuôi tôm tập trung.
Khi phát hiện tôm có dấu hiệu không bình thường, nghi ngờ nhiễm bệnh hoặc có hiện tượng chết bất thường trong ao nuôi phải báo ngay cho các hộ xung quanh và cơ quan quản lý NTTS gần nhất để được hướng dẫn và xử lý kịp thời, tránh hiện tượng lây lan bệnh trong vùng nuôi; tuyệt đối không xả nước chưa qua xử lý hoặc tôm chết ra ngoài môi trường...
Để NTTS đạt kết quả cao trong năm 2015, Chi cục NTTS tỉnh cũng đã lên kế hoạch giám sát chặt chẽ tình hình tại các vùng nuôi trọng điểm để có chỉ đạo sản xuất kịp thời và phù hợp với từng vùng nuôi; kiểm tra điều kiện sản xuất kinh doanh, điều kiện vệ sinh thú y các cơ sở sản xuất tôm giống; kinh doanh thức ăn, thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học dùng trong NTTS.
Bên cạnh đó, tiến hành kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ nguồn tôm bố mẹ, tôm giống và việc thực hiện công tác kiểm dịch xuất trại tại các cơ sở sản xuất kinh doanh tôm giống trên địa bàn tỉnh; triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh đối với thủy sản nuôi đến các hộ nuôi trồng trên địa bàn tỉnh; tuyên truyền, tập huấn, thực hiện tốt công tác lịch thời vụ, giám sát vùng nuôi và dịch bệnh trên tôm nuôi.
Về thời gian thả nuôi, đối với nuôi tôm sú chỉ nên nuôi 1 vụ trong năm, thời gian bắt đầu thả giống từ tháng 3 đến tháng 7-2015. Nếu các hộ nuôi theo phương thức thâm canh, bán thâm canh thì nên thả nuôi mật độ từ 20 đến 25 con post 15/m2; còn nuôi theo hình thức quảng canh, quảng canh cải tiến kết hợp tôm sú với cua, hải sâm, hoặc cá rô phi, rong cau... thì mật độ thả nuôi từ 5 đến 10 con post 15/m2, thả giống và thu hoạch theo phương thức đánh tỉa thả bù hoặc thu toàn bộ tùy thuộc vào từng mô hình.
Với tôm thẻ chân trắng, cần thả giống nuôi trong thời gian từ tháng 2 đến hết tháng 9-2015. Đối với ao nuôi là ao đất thì nên thả với mật độ vừa phải, từ 50 - 60 con post 12 - 15/m2; cần đầu tư tốt về cơ sở vật chất, hạ tầng, có hệ thống nguồn nước cấp, thoát riêng biệt và ao chứa lắng đề xử lý chất thải trong quá trình nuôi.
Đối với ao nuôi là ao lót bạt thì thả nuôi với mật độ khoảng 60 con post 12 - 15/m2; cần đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại và công nghệ nuôi mới, tiên tiến; xây dựng hệ thống mương cấp, thoát nước riêng biệt và ao xử lý nước thải trước khi thải nước ra môi trường bên ngoài.
Có thể bạn quan tâm
Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm trong nước và trên thế giới, nhất là nguy cơ xâm nhập của chủng virus cúm A/H7N9 thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán gia cầm trái phép ở các tỉnh biên giới phía Bắc, ngày 2/2, Bộ NN&PTNT có công điện khẩn đề nghị UBND các tỉnh, TP tập trung triển khai các biện pháp phòng chống dịch.
Những ngày qua, việc người nuôi bò sữa tại xã Phù Đổng, Gia Lâm, Hà Nội phải... đổ sữa tươi ra đường đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Một lần nữa, sự lỏng lẻo trong liên kết tiêu thụ nông sản lại khiến người dân nếm "vị đắng".
Tại TP Cần Thơ, giá heo hơi phổ biến từ 43.000 - 45.000 đồng/kg (tương đương 4,3 - 4,5 triệu đồng/tạ), riêng heo hơi siêu nạc được nuôi với số lượng lớn tại các khu vực thuận lợi về giao thông, thương lái mua khoảng 46.000 đồng/kg (tương đương 4,6 triệu đồng/tạ). Sau khi tăng lên ở mức cao, giá heo hơi đã có xu hướng giảm trong những tháng gần đây do nguồn cung trên thị trường dồi dào.
Được biết, các ổ dịch LMLM xuất hiện vào đầu tháng 12/2014 tại địa bàn 3 xã: Dìn Chin, Pha Long và Tả Ngài Chồ làm 291 con gia súc mắc bệnh. Tính đến thời điểm này, đã có 65 con gia súc phải tiêu hủy, trong đó có 48 con bò và 17 con lợn.
Trong năm 2014, Vinamilk cũng đã thu mua hơn 183 triệu kg sữa, tăng 17,12% so với năm 2013. Riêng khu vực phía Bắc, Vinamilk thu mua gần 22 triệu kg sữa (mua từ hộ nông dân 14,7 triệu kg), tăng 50,1% sản lượng và 58,6% giá trị. Trong cả nước, lượng sữa nguyên liệu Vinamilk thu mua của nông dân chiếm hơn 60%.