Nông Dân Phan Văn Hòa Và Giống Lúa Quý
Tin nông dân Phan Văn Hòa tạo được giống lúa thảo dược VH1màu tím lan truyền khắp cả nước. Báo Sài Gòn tiếp thị tổ chức giao lưu trực tuyến về giống lúa tím VH1và mời “chủ nhân” của bộ giống mới này tham gia. Tiếp sau đó, ông Hòa liên tục bận rộn bởi những cuộc làm việc, trao đổi, ký kết các hợp đồng, chương trình phối hợp chuyển giao kỹ thuật, cung cấp giống lúa mới này đến nhiều địa phương trong cả nước...
Sau hơn 10 năm trong quân ngũ, năm 1984 Chính trị viên đại đội Phan Văn Hòa trở về địa phương. Nhờ chủ trương khoán hộ, ông làm đơn xin UBND nhận 5 ha đầm hoang Hói Sác. Vừa nuôi cá vừa trồng lúa, mỗi vụ ông thu về cũng được trăm triệu đồng. Hồi đó giống lúa lai chưa thịnh hành, mỗi vụ phải bỏ ra hàng triệu đồng để mua giống. Vừa đắt lại không chủ động, có khi mua phải “giống đểu” coi như xôi hỏng bỏng không.
Một câu hỏi đặt ra trong người nông dân Phan Văn Hòa: Tại sao mình không làm ra giống lúa thuần chất lượng để thay thế giống lai nhập ngoại? Câu hỏi như một điều day dứt.
Thế rồi năm 2001, để có đủ tư cách pháp nhân thực hiện ý tưởng trên, ông Hòa viết đề án thành lập công ty. Trong hành trình khăn gói đi tìm giống lúa thuần, cơ may đến với ông là được gặp giáo sư Vũ Tuyên Hoàng. Nể phục anh nông dân có chí lớn, vị giáo sư đầu ngành đưa anh đến Viện Cây lương thực, cho 5 giống lúa để về khảo nghiệm.
Trong 5 loại giống đó chỉ có giống AC5 là phù hợp với đồng đất Nghệ An, nên phát triển tốt. Từ 100 gam giống ban đầu, ông kiên trì khảo nghiệm. Đến năm 2005, đủ nguồn giống, ông vận động bà con xã Hoa Thành đưa vào gieo trồng. Kết quả thật mỹ mãn, năm đó cả xã Hoa Thành được mùa, năng suất bình quân đạt 7,2 tấn/ha/vụ. Chất lượng gạo vượt xa lúa lai, được thị trường chấp nhận. Giống lúa AC5 được bà con các địa phương lựa chọn. Diện tích sản xuất không ngừng tăng. Năm 2009 là 4000 ha thì đến 2013 đã lên đến gần 100.000 ha.
Giống lúa AC5 trở thành một trong những giống chủ lực của địa phương. Hiện nay, giống lúa AC5 được Công ty Vĩnh Hòa mua bản quyền của Viện Cây lương thực với chi phí 500 triệu đồng
Từ thành công của giống lúa AC5, ông Hòa lại nung nấu ý định tìm ra giống lúa không chỉ đạt hiệu quả cao, mà còn có tính thảo dược, có lợi cho sức khỏe. Để thực hiện ý tưởng mới này, ông quyết định ra Hà Nội theo học một lớp đại học nông nghiệp. Trở về, với những kiến thức đã học được, ông âm thầm, lúc ở phòng thí nghiệm, lúc trên ruộng để thực hiện việc chọn ra giống mới.
Từ năm 2005, ngày qua ngày, ông hết lai các giống, đến bổ sung chất dinh dưỡng cho cây, đến một ngày, trong đám lúa thí nghiệm xuất hiện 2 bông lúa “lạ” màu tím, khác hẳn những bông lúa xung quanh. Gần 400 hạt lúa “lạ” được ông nâng niu như những hạt ngọc.
Qua bao vất vả nắng mưa, đến năm 2008 những cân thóc đầu tiên được thu hoạch. Mùa lại mùa, số thóc được nhân lên (bà con trong vùng sản xuất được loại lúa này, ông bỏ tiền ra mua với giá gấp đôi) cho đến hôm nay, Vĩnh Hòa đã có gạo hàng hóa cung cấp cho thị trường. Ông lấy luôn tên của công ty đặt cho giống lúa này là VH1 (Vĩnh Hòa viết tắt là VH1). Đến nay, qua quá trình lai tạo, Công ty Vĩnh Hòa đã tạo ra được bộ giống lúa thảo dược gồm VH2, VH3, VH4. Bộ giống lúa thảo dược của Vĩnh Hòa đã được bảo hộ bởi văn phòng bảo hộ giống cây trồng mới của Bộ Nông nghiệp và PTNT.
Đặc điểm chính của giống lúa này là, cây và hạt đều có màu tím Huế, hạt màu hồng, hình thức đẹp. Cho năng suất cao, trồng trên mọi địa hình. Tính vượt trội của giống lúa mới này là rất thơm ngon. Hàm lượng các vi chất dinh dưỡng cao, đặc biệt là chất omega 6, omega 9 mà không phải giống lúa nào cũng có. Hai chất này có tác dụng chống lão hóa, chống ung thư, chống loãng xương, khi ăn làm quên cảm giác đói, rất có lợi cho người thừa cân. Chính vì đặc điểm này, mà giống lúa được xếp vào bộ giống lúa thảo dược. Hiện nay Trung tâm Khảo nghiệm giống cây trồng, phân bón quốc gia đã công nhận VH1 là giống siêu nguyên thủy.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Hòa cho biết: Từ thông tin qua báo chí người dân các tỉnh phía Nam đã tìm đến Công ty Vĩnh Hòa để mua gạo VH1. Đến nay, công ty đã chuyển vào cho khách hàng các tỉnh phía Nam khoảng hơn 20 tấn. Thấy được hiệu quả của loại gạo này, để giúp người tiêu dùng rõ hơn các giá trị của hạt gạo với ẩm thực và sức khỏe, Báo Sài Gòn tiếp thị cùng nhà hàng Gạo tổ chức chương trình giao lưu trực tuyến.
“Là nhân vật chính của buổi giao lưu, với hàng trăm khách mời, lúc đầu cũng run lắm. Nhưng xác định, mình làm sao thì nói vậy, nên đã trả lời rất thuyết phục, ấn tượng các câu hỏi của quan khách và người tiêu dùng đặt ra”. Ông Hòa bộc bạch. Sau cuộc giao lưu, ông Hòa còn xuống An Giang bàn kế hoạch chuyển giao kỹ thuật trồng lúa VH, cung cấp cho thị trường phía Nam…
Gạo thảo dược Vĩnh Hòa được Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn đo lường Chất lượng (Quatesv1) trực thuộc Tổng Cục tiêu chuẩn đo lường Chất lượng Việt Nam, Viện Kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm quốc gia (Bộ Y tế) kiểm nghiệm và xác nhận là loại gạo giàu vi chất, vi lượng và các vi ta min A, B (B1, B2, B6…) Li pít, can xi, sắt, chất xơ, đặc biệt omega (6-9) oryzanol…
Dùng cơm từ gạo thảo dược Vĩnh Hòa làm quên cảm giác đói, có lợi cho những người ăn kiêng. Vi ta min, sắt, kẽm có tác dụng bổ máu, tốt cho người mới ốm dậy, trẻ sơ sinh, người bị thương mất máu, phụ nữ mang thai và sau khi sinh… Gạo thảo dược giàu chất béo thực vật, chứa Cholesterol rất tốt cho tim mạch.
Nông dân Phan Văn Hòa chọn tạo được giống lúa VH1 với những đặc tính quý hiếm, là kết quả đáng mừng. Để nhân rộng, phát huy hiệu quả loại giống này, các nhà khoa học cần vào cuộc chọn lựa, lai tạo thành giống lúa có độ thuần nhất cao, bền vững, nâng hàm lượng những vi chất quý giá trong hạt gạo. Làm được như vậy, giống lúa thảo dược VH1 sẽ trở thành mặt hàng xuất khẩu làm giàu cho đất nước
Có thể bạn quan tâm
Cùng với phát triển các loại cây rau màu, nhiều năm qua, người dân xã Triệu Thượng (Triệu Phong - Quảng Trị) đã đưa vào trồng các loại hoa nhằm phục vụ thị trường Tết. Đây được đánh giá là hướng đi phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Năm 2013, Sở Khoa học và Công nghệ Điện Biên phối hợp với Trung tâm Thủy sản tỉnh Điện Biên triển khai dự án khoa học "Ứng dụng Công nghệ nuôi cá lăng chấm thương phẩm trong ao".
Có thể gọi ông Trương Văn Đảo (Ba Đảo), 63 tuổi, ở thôn Bàu Nghé, xã Phước Tín (thị xã Phước Long - Bình Phước) là nông dân hiện đại, bởi không chỉ tâm huyết với nghề, ông còn xây dựng cho sản phẩm của mình thương hiệu riêng mang tên “sầu riêng Ba Đảo”. Hiện, sầu riêng của ông được bày bán tại hệ thống siêu thị Metro Cash&Carry và nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.
Ngay tại Lễ thả cá, UBND huyện đã phát động phong trào Toàn dân tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản bằng hành động cụ thể, thiết thực, góp phần quản lý, bảo vệ và phát triển tái tạo nguồn lợi thủy sản trên đầm.
Cục Chăn nuôi thuộc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN-PTNT) cho hay, nguồn cung các sản phẩm chăn nuôi từ gia súc, gia cầm sẽ đảm bảo đủ để phục vụ cho thị trường dịp Tết Nguyên đán 2014, và một số sản phẩm như trứng, thịt gia cầm thời gian trước Tết Nguyên đán còn có dấu hiệu cung vượt cầu.