Nuôi Trồng Thủy Sản 7 Tháng Đầu Năm Và Triển Khai Kế Hoạch 5 Tháng Cuối Năm 2014
Ngày 21/8/2014, tại thành phố Hạ Long, Quảng Ninh, Tổng cục Thủy sản đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Ninh tổ chức Hội nghị sơ kết Nuôi trồng thủy sản (NTTS) 7 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch 5 tháng cuối năm 2014.
Tham dự Hội nghị có các đại biểu các địa phương từ Quảng Ninh đến Quảng Trị. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Huy Điền và Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Ninh Nguyễn Hữu Giang đồng chủ trì Hội nghị.
Theo báo cáo tại hội nghị, diện tích nuôi cá nước ngọt 7 tháng đầu năm 2014 khu vực phía bắc đạt 111.607 ha, tăng 55.532 ha so với quý I năm 2014, trong đó diện tích nuôi cá là 88.933 ha chiếm 79,7 % diện tích thả nuôi. Phần lớn diện tích thả nuôi theo hình thức quảng canh, xen canh, nuôi ghép; đối tượng nuôi truyền thống như trắm cỏ, chép, trôi... Một số địa phương có diện tích nuôi thâm canh, bán thâm canh chuyên nuôi cá rô phi, điêu hồng.
Sản lượng nuôi cá nước ngọt 7 tháng đầu năm 2014 ước đạt 219.335 tấn (tăng 125.480 tấn so với quý I năm 2014) trong đó các tỉnh đồng bằng sông Hồng đạt 168.431 tấn, chiếm 76,8 % tổng sản lượng của toàn khu vực. Tính đến thời điểm hiện tại, sản lượng cá nước lạnh các tỉnh phía Bắc ước đạt khoảng 1.585 tấn trong đó, cá tầm 1.123 tấn và cá hồi 462 tấn.
Về sản xuất tôm nước lợ, 7 tháng đầu năm 2014, khu vực từ Quảng Trị trở ra có 10/30 tỉnh, thành phố nuôi tôm nước lợ. Diện tích thả nuôi đạt 29.120,6 ha, chiếm 4,5% so với diện tích nuôi tôm mặn lợ của cả nước (tôm chân trắng 7.311,3 ha và tôm sú 21.809,3 ha). Sản lượng tôm nuôi đạt 37.897, chiếm khoảng 11,3% tổng sản lượng tôm nuôi của cả nước. Trong đó tôm chân trắng đạt 29.764 tấn và tôm sú đạt 8.151 tấn.
Theo báo cáo của Cục Thú y, diễn biến dịch bệnh, cụ thể là dịch bệnh đốm trắng xảy ra ở hầu hết các tỉnh nuôi tôm, trong đó Sóc Trăng cao nhất 38,47%, Quảng Ninh thấp nhất 2,19%. Diện tích nuôi tôm bị bệnh của 10 tỉnh phía Bắc là 1.139 ha, bằng 5,2% diện tích nuôi tôm bị bệnh của cả nước (21.860,1 ha). Các bệnh chủ yếu là đốm trắng, đầu vàng, hoại tử gan tụy. Đến nay, nhiều địa phương đã kiểm soát tốt bệnh hoại tử gan tụy ở tôm nuôi.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã đề cập đến những khó khăn, hạn chế trong phát triển NTTS, đồng thời đề xuất các giải pháp, kiến nghị nhằm mục tiêu đưa NTTS khu vực phía Bắc đạt hiệu quả cao. Đại biểu Quảng Ninh cho biết, trong những năm gần đây, NTTS Quảng Ninh đã có một số bứt phá mạnh mẽ về sản lượng, diện tích, phương thức nuôi.
Thực hiện tái cơ cấu trong ngành nông, lâm, ngư nghiệp, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế thủy sản, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó quan tâm đến đầu tư vùng nuôi, đối tượng nuôi, tập trung vào sản phẩm chủ lực có thế mạnh của Quảng Ninh, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm đó.
Theo đại biểu Hà Tĩnh, hiện nay người nuôi tôm ở Hà Tĩnh đã chuyển từ mô hình nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến sang thâm canh, lợi nhuận từ 50 - 100 triệu/ha, nuôi tôm trên cát từ 200 - 300 triệu/ha.
Mặc dù vậy, vẫn còn nhiều hộ nuôi đạt năng suất thấp, cơ sở ao nuôi kém, hiểu biết về kỹ thuật nuôi của người dân còn hạn chế. Thời gian tới, tỉnh Hà Tĩnh đã đề ra giải pháp làm tốt công tác quy hoạch nuôi tôm mặn lợ, nuôi trên cát, nuôi tôm trên cát công nghệ cao. Bám sát hoạt động sản xuất, hướng dẫn bà con phòng chống dịch bệnh.
Đồng thời thực hiện các chính sách phát triển như đối với các cơ sở nuôi có cơ sở hạ tầng từ 5 tỉ trở lên được hỗ trợ về điện, đường, cấp thoát nước. Đối với những hộ chuyển từ nuôi quảng canh sang thâm canh được tỉnh hỗ trợ chuyển đổi 50 triệu đồng/ha, hỗ trợ hóa chất xử lý dịch bệnh. Bên cạnh đó đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ mới trong NTTS.
Đánh giá kết quả NTTS 7 tháng đầu năm 2014, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Huy Điền đã nêu rõ, về cơ bản các chỉ tiêu đặt ra đối với NTTS đều vượt so với cùng kỳ năm 2013, đặc biệt là sự tăng trưởng của tôm nước lợ, cá rô phi. Đây là kết quả tốt để NTTS có thể hoàn thành và vượt mức đề ra.
Về tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, Phó Tổng cục trưởng cho biết, các đối tượng cá tra, tôm nước lợ, ngao, tu hài, cá rô phi là những đối tượng chủ lực có giá trị gia tăng phục vụ tái cơ cấu. Tổng cục sẽ tập trung chỉ đạo hoạt động sản xuất 5 tháng cuối năm trên cơ sở các khuyến nghị của địa phương, trong đó có rà soát quy hoạch nuôi tôm nước lợ.
Tiếp tục chỉ đạo nuôi tôm thẻ chân trắng, chú trọng cải tạo lại ao đầm trong thời gian ngắt vụ, khuyến cáo thẻ nuôi tôm với mật độ 50 - 60 con/m2. Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản) cần tổng kết kinh nghiệm và phân tích ưu nhược điểm đối với sản xuất tôm vụ 3.
Tiến hành xây dựng khung mùa vụ năm 2015. Các địa phương cần xây dựng các quy trình giám sát đối với nuôi tôm, giám sát vùng bệnh, cấm xả nước ao nuôi vùng bị bệnh ra môi trường, nắm chắc vùng bị dịch bệnh. Đưa giống cá rô phi từ miền nam ra để kịp thời cung ứng nhu cầu về giống cho nuôi rô phi.
Có thể bạn quan tâm
Đây là một trong những hoạt động nằm trong chiến dịch thanh niên tình nguyện hè năm 2014 của Huyện đoàn Tây Giang. Trong 3 ngày, hơn 50 đoàn viên thanh niên niên cùng với người dân bản địa đã tiến hành phát quang bụi rậm, cuốc đất, dọn cỏ… trên diện tích 6ha để chuẩn bị trồng lúa nước trong thời gian sắp tới.
Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn vừa phối hợp với Tổng công ty Tín Nghĩa triển khai dự án quy hoạch cánh đồng mẫu lớn với cây cà phê tại huyện Xuân Lộc. Toàn huyện hiện có 1.250 hécta cây cà phê. Năng suất trung bình còn thấp, chỉ đạt gần 26 tạ/hécta/vụ do sản xuất với quy mô nhỏ lẻ, kỹ thuật canh tác lạc hậu.
Trong khuôn khổ Dự án "Cải thiện sức chống chịu với biến đổi khí hậu vùng ven biển Việt Nam, Campuchia và Thái Lan", chiều ngày 05-8, tại xã An Thạnh 3 (huyện Cù Lao Dung) Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức buổi ra mắt mô hình bảo vệ nghêu bố mẹ.
Đồng Nai hiện có 89 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, trong đó 80% hoạt động yếu, kém. Nhưng ngay cả các HTX hoạt động hiệu quả cũng chủ yếu ở lĩnh vực đầu tư sản xuất; còn lĩnh vực dịch vụ, kinh doanh để tìm đầu ra cho nông sản hầu như chưa có.
Theo Cục Chăn nuôi, chất cấm trong chăn nuôi chủ yếu là salbutamol, clenbuterol và ractopamine thuộc nhóm beta-agonist. Salbutamol có tác dụng thúc cho heo lớn nhanh hơn, mông, vai nở hơn, tỷ lệ nạc cao hơn, màu sắc thịt đỏ hơn...