Nuôi trâu vỗ béo ở thị trấn Tam Sơn (Hà Giang)
Đến thăm nhà ông Viên Quang Thắng, ở tổ 3 thị trấn Tam Sơn, người được bà con nhắc đến nhiều với việc sở hữu đàn trâu khá lớn từ khi thực hiện nuôi trâu vỗ béo.
Ông Thắng tâm sự: “Trước đây nhà tôi chỉ nuôi 1 – 2 con trâu để phục vụ sản xuất thôi, phải hơn chục năm mới bán đi 1 con trâu già yếu. Trong khi trồng ngô, lúa thu nhập chẳng đáng là bao, đời sống gia đình mãi không khá lên được. Sau khi thấy một số hộ trong xóm nuôi trâu vỗ béo có thu nhập khá cao thì tôi đã mạnh dạn làm theo”.
Từ năm 2014, ông Thắng đã vay tiền về để mua trâu nuôi vỗ béo, trồng thêm 1 ha cỏ và tận dụng ngô của nhà trồng vào phục vụ nuôi trâu. Mới đầu ông mua được 2 con trâu về, thử nghiệm cho ăn hết 30kg bột ngô và cỏ trong 1 tháng, sau khoảng 5 – 6 tháng thì bán với giá 35 – 36 triệu đồng/con, lãi gần 10 triệu đồng/con. Từ số tiền thu được, ông Thắng tiếp tục mua trâu gầy yếu về nuôi, có thời điểm số lượng đàn trâu lên đến 5 – 6 con trong chuồng.
Đến thăm một hộ khác khá giả lên nhờ việc nuôi trâu vỗ béo là ông Lương Đình Kính, cũng là gia đình có số trâu lớn nhất nhì ở đây. Ông Kính chia sẻ: “Nhà tôi nuôi đại gia súc như trâu, bò, ngựa được hơn 15 năm nay, mới đầu chỉ chăn nuôi vậy thôi chứ chưa có ý định vỗ béo. Đàn gia súc chủ yếu phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và thỉnh thoảng bán đi 1 – 2 con.
Về sau thấy nhiều người đến hỏi mua trâu, tôi mới quyết định nuôi nhốt trâu để vỗ béo, bán cho các thương lái. Từ năm 2000, nhà tôi bắt đầu trồng thêm cỏ và nuôi nhốt trâu, số tiền thu được lại dành toàn bộ để mua thêm trâu. Hiện nay, một con trâu gầy yếu có giá bán là 20 – 25 triệu đồng/con, sau khi vỗ béo bán được khoảng hơn 30 triệu đồng/con”. Thời gian vỗ béo tốt nhất là mùa Hè, khí hậu ấm áp, đàn trâu phát triển tốt, chỉ từ 3 – 4 tháng là bán được 1 lứa trâu.
Tuy nhiên, việc nuôi trâu vỗ béo ở đây có thời gian ngắn, chỉ có thể tận dụng nuôi trâu vào mùa Hè và mùa Thu. Dù còn nhiều khó khăn song thu nhập từ việc nuôi trâu vỗ béo đã mang lại cho các hộ khó khăn ở vùng cao một khoản tiền tương đối lớn để tiếp tục phát triển kinh tế, nâng cao mức sống.
Đề cập đến giải pháp giúp các hộ đang nuôi trâu vỗ béo phát triển, lãnh đạo UBND thị trấn Tam Sơn cho biết: “Tại thị trấn có khá nhiều hộ đang phát triển chăn nuôi trâu vỗ béo và cho thấy đây là một hướng làm ăn có hiệu quả. Tuy nhiên, đến nay chưa có cơ chế hỗ trợ nào đối với các hộ này, ngoại trừ được huyện hỗ trợ 2 triệu đồng/ha trồng cỏ chăn nuôi.
Trong khi rủi ro từ việc chăn nuôi trâu là khá lớn, vì trâu chịu rét kém hơn bò và ngựa, vốn đầu tư nhiều. Mong rằng các cấp, ngành xem xét, tạo điều kiện hỗ trợ những hộ phát triển hình thức chăn nuôi trâu này, như cho vay vốn lãi suất thấp để người dân mua trâu, tu sửa chuồng trại kiên cố, chống rét cho gia súc vào mùa đông. Qua đó, góp phần giúp người dân phát triển kinh tế gia đình, thoát nghèo bền vững”.
Có thể bạn quan tâm
Thời vàng son của người nuôi bò sữa khó trở lại khi giá thành sữa tươi cao hơn nhiều so với sản phẩm cùng loại của nước ngoài
Một bên là khu du lịch bãi biển Mỹ Khê, phía bên kia, những chú bò nối đuôi nhau lững thững gặm cỏ dưới hàng dương trong một khung cảnh thơ mộng.
Ngày 25-2, Chi cục Thú y tỉnh Trà Vinh cho biết, vừa tiêu hủy đàn vịt 2.517 con (trên tổng đàn 5.500 con) của hộ ông Phan Văn Tiến ở ấp An Thạnh, xã Tân Bình, huyện Càng Long do dương tính với virus H5N1.