Nuôi tôm theo mô hình công nghệ cao sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho nông dân
Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao trong nhà kính được Tập đoàn Việt - Úc triển khai chia thành 2 giai đoạn với diện tích 50ha nuôi tôm thẻ chân trắng, tổng vốn đầu tư 180 tỷ đồng. Trong đó, diện tích mặt nước thả nuôi gần 21ha với 70 ao nuôi. Sau hơn 3 tháng thả giống với mật độ từ 200 - 500 con/m2, tôm nuôi trong các ao đều phát triển tốt, đạt hiệu quả 100%. Tại lễ thu hoạch tôm cho thấy, năng suất mỗi ao đạt từ 2 - 4 tấn, tương đương 40 - 80 tấn/ha/vụ, 120 - 240 tấn/ha/năm. Ông Lương Thanh Văn, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tập đoàn Việt - Úc cho biết: “Tôm nuôi trong nhà kính của Tập đoàn Việt - Úc đảm bảo được các tiêu chuẩn khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm do quy trình nuôi ứng dụng công nghệ vi sinh, không sử dụng chất kháng sinh, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Ưu điểm của mô hình là cho năng suất cao và ổn định, giảm diện tích đất sử dụng, kiểm soát được vùng nuôi và dịch bệnh, hạn chế đến mức thấp nhất các rủi ro do thời tiết, giảm thiểu tối đa các tác động đến môi trường... Đây là những yếu tố quan trọng góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành nuôi tôm”.
Phát biểu tại lễ thu hoạch tôm, Bí thư Tỉnh ủy - Võ Văn Dũng đã chúc mừng thắng lợi vụ thu hoạch đầu tiên của mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính của Tập đoàn Việt - Úc. Đồng thời cho rằng thành công của mô hình không chỉ góp phần nâng cao vị thế của ngành tôm Việt Nam, mà còn góp phần xây dựng tỉnh Bạc Liêu trở thành “thủ phủ nghề tôm” ở khu vực ĐBSCL cũng như cả nước.
Dự án nuôi tôm trong nhà kính của Tập đoàn Việt - Úc tại Bạc Liêu được chia thành 2 giai đoạn với tổng cộng 23 trại. Trong đó, giai đoạn 1 đã hoàn thiện và đưa vào hoạt động 5 trại. Giai đoạn 2 gồm 18 trại còn lại sẽ hoàn thiện vào tháng 3/2016. Dịp này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT - Cao Đức Phát đã trao giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho Tập đoàn Việt - Úc. Đánh giá về mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính của Tập đoàn Việt - Úc, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT - Cao Đức Phát cho rằng: “Nuôi tôm theo mô hình siêu thâm canh công nghệ cao trong nhà kính của Tập đoàn Việt - Úc kiểm soát chặt chẽ những điều kiện trong quá trình nuôi tôm. Từ đó hạn chế những rủi ro do dịch bệnh - vấn đề đáng quan ngại nhất hiện nay trong ngành nuôi tôm. Về khả năng nhân rộng của mô hình, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT - Cao Đức Phát đánh giá, trong tương lai, công nghệ này sẽ được áp dụng rộng rãi trên cả nước, không chỉ đối với các doanh nghiệp mà còn hướng tới các hộ gia đình. Từ những ưu điểm của mô hình, việc nuôi tôm theo công nghệ này sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho nông dân”.
Xác định thế mạnh kinh tế của Bạc Liêu là con tôm, cây lúa, bên cạnh những mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao, tỉnh Bạc Liêu cần tiếp tục hỗ trợ nông dân nuôi tôm, nhất là các hộ sản xuất nhỏ, lẻ nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Đoàn công tác của Bộ NN&PTNT do Bộ trưởng Bộ NN&PTNT - Cao Đức Phát dẫn đầu; lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các sở, ngành tỉnh đến tham quan thực tế Công ty TNHH MTV Huy Long An - Bạc Liêu.
Đây là công ty chuyên nuôi tôm theo hình thức thâm canh và bán thâm canh với tổng diện tích sản xuất 49ha. So với các doanh nghiệp, hộ nuôi tôm khác trong tỉnh, doanh nghiệp Huy Long An - Bạc Liêu đã đầu tư và áp dụng một số kỹ thuật mới vào nuôi trồng thủy sản. Song, năng suất và sản lượng của các ao nuôi hàng năm vẫn chưa đạt hiệu quả cao và ổn định. Sau khi tìm hiểu về hoạt động của doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT - Cao Đức Phát đề nghị: Doanh nghiệp cần mạnh dạn ứng dụng các kỹ thuật mới trong nuôi trồng thủy sản vào sản xuất, nhất là kỹ thuật nuôi tôm và chất lượng nguồn giống để nâng cao năng suất và chất lượng tôm nuôi trong thời gian tới.
Đoàn cũng đến tham quan mô hình tôm - lúa của ông Trần Thanh Ẩn (ấp Long Hải, thị trấn Phước Long, huyện Phước Long). Được biết, ông Ẩn có 2ha áp dụng mô hình sản xuất 2 vụ tôm - 1 vụ lúa, thu nhập khoảng 350 triệu đồng/ha/năm. Đây là mô hình sản xuất nông nghiệp phù hợp, bền vững đối với nông dân huyện Phước Long. Qua tìm hiểu thực tế, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT - Cao Đức Phát đề nghị Sở NN&PTNT Bạc Liêu và các viện, trường có liên quan của Bộ NN&PTNT nghiên cứu, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nhất là nâng cao chất lượng con giống để năng suất đạt cao hơn.
Đồng thời, Bạc Liêu cần tổ chức tốt vùng liên kết sản xuất nông nghiệp, trong đó liên kết nuôi trồng thủy sản cho các hộ nông dân để chuyển giao khoa học - kỹ thuật, giúp họ tiếp cận với phương cách sản xuất mới, thay đổi tư duy trong sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng nông sản đủ sức cạnh tranh với thị trường thế giới. Có như thế, đời sống nông dân mới thật sự phát triển, nông thôn mới của Bạc Liêu thật sự thành công, bền vững và toàn diện.
Có thể bạn quan tâm
Mỗi hộ nhận vay số tiền hỗ trợ từ 10 - 35 triệu đồng, lãi suất 0,7%/tháng, thời hạn vay 24 tháng. Nguồn vốn này giúp các hộ tu sửa hệ thống đê bao bảo vệ xoài, xây dựng kho và đầu tư các trang thiết bị, dụng cụ phục vụ cho sản xuất xoài theo hướng GAP như máy bơm, túi bao trái, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
Theo nhận định, nguồn cung có khả năng thiếu hụt trong ngắn hạn và đẩy giá phân đạm có thể tăng nhẹ. Lý do là đạm Cà Mau và đạm Ninh Bình đều tạm dừng để bảo dưỡng định kỳ.
Từ nhu cầu thực tế, chính quyền địa phương và người dân xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp đã có cách làm tích cực trong việc chuyển đổi cây trồng theo hướng nâng cao thu nhập trên cùng đơn vị diện tích.
Ngày 17/6/2014, Công ty Công nghệ Hóa sinh Việt Nam (Công ty BCC) đã đánh giá và kiểm tra hiệu quả của "Quy trình nuôi tôm sạch và bền vững, không sử dụng kháng sinh, hóa chất" tại TP. Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Nhiều hộ nuôi đã áp dụng thành công và đạt hiệu quả kinh tế cao.
Phú Thọ là tỉnh có tiềm năng rất lớn để phát triển nghề nuôi cá lồng với hệ thống sông, ngòi, hồ đập phong phú. Phong trào nuôi cá lồng trên sông và hồ chứa trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh từ năm 2003 song có xu hướng giảm mạnh trong những năm gần đây.