Nuôi tôm thẻ trên cát, đảm bảo an toàn thực phẩm
Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị hỗ trợ giống, triển khai mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát đảm bảo an toàn thực phẩm.
Thả tôm giống tại mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát do Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị triển khai. Ảnh: PVT.
Toàn tỉnh Quảng Trị có diện tích nuôi tôm gần 1.000 ha, trong đó diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng chiếm hơn một nửa. Những năm trở lại đây, dịch bệnh trên tôm nuôi diễn biến phức tạp, trình độ kỹ thuật về nuôi trồng thủy sản của người dân còn thấp.
Với mục đích chuyển giao kỹ thuật nuôi mới cho bà con nông dân, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, vừa qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị đã cấp giống và triển khai mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát đảm bảo an toàn thực phẩm.
Mô hình triển khai với tổng diện tích 2 ha, tại 2 địa điểm: thôn Hà Tây, xã Triệu An, huyện Triệu Phong và thôn Nam Sơn, xã Trung Giang, huyện Gio Linh (mỗi điểm 1 ha).
Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ và cấp 80 vạn tôm giống post 12 ở mỗi điểm nuôi. Áp dụng hình thức nuôi tôm thâm canh hai giai đoạn, giai đoạn đầu là quá trình ương. Tôm giống được thả vào ao ương có diện tích nhỏ để dễ theo dõi quá trình phát triển, những biến động của thời tiết, nguồn nước ao nuôi… Nhờ đó con tôm khoẻ, sức đề kháng mạnh hơn, tỷ lệ sống cũng cao hơn.
Giai đoạn 2 sau khi tôm được 30 ngày tuổi, sẽ tiến hành san qua ao nuôi thông qua hệ thống ống xả và nuôi cho đến khi tôm đạt trọng lượng thương phẩm. Trong quá trình nuôi, hộ nuôi thực hiện việc ghi nhật ký, hồ sơ đầy đủ về quá trình thực hiện để làm cơ sở cho việc truy xuất nguồn gốc.
Mô hình kỳ vọng sẽ lan tỏa nhận thức của bà con về nuôi tôm đảm bảo an toàn thực phẩm và dịch bệnh.
Cách bảo quản thức ăn, hoá chất, tăng cường các chế phẩm sinh học, sử dụng thuốc và hoá chất hộ nuôi phải tuân thủ đúng quy định, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Mô hình không những mở ra hướng nuôi mới có hiệu quả, mà còn góp phần nâng cao ý thức của người dân trong việc phát triển nuôi thuỷ sản theo hướng bền vững.
Thông qua mô hình, sẽ thay đổi nhận thức cho người nuôi về vấn đề an toàn thực phẩm, sử dụng thuốc, dư lượng kháng sinh và hoá chất trong nuôi trồng thủy sản. Việc áp dụng quy trình mới sẽ tạo ra tôm nuôi đạt an toàn vệ sinh thực phẩm, và hạn chế dịch bệnh, gắn kết người sản xuất và doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh tế và giá trị của con tôm…
Có thể bạn quan tâm
Trong ngày 14/6, khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên đã có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến từ 35 – 36 độ C, có nơi trên 36 độ C.
KAS là nhà thầu phụ của dự án sản xuất nhiên liệu sinh học từ tảo nhiều năm qua, thực hiện nhiệm vụ phát triển các loại tảo để sản xuất phụ phẩm protein.
Cá chạch lấu còn gọi là theo nhiều tên khác nhau như; cá chạch bông, chạch làn, chạch chấu, đây là loại cá sống ở môi trường nước ngọt, có màu sắc xanh đậm, đen