Ứng phó với nắng nóng gay gắt kéo dài
Trong ngày 14/6, khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên đã có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến từ 35 – 36 độ C, có nơi trên 36 độ C. Độ ẩm tương đối thấp nhất ngày phổ biến từ 45 – 60%. Không chỉ Nam Trung bộ, dự báo nắng nóng diện rộng kéo dài ở các Bắc bộ và Bắc Trung bộ. Thời tiết xấu ảnh hưởng rất lớn đến NTTS.
Kiểm tra sàng ăn của tôm để điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp
Nắng nóng diện rộng kéo dài
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung Ương, do ảnh hưởng của vùng áp thấp nóng phía Tây kết hợp với hiệu ứng Phơn nên ngày hôm nay (15/6), ở khu vực đồng bằng, trung du Bắc bộ, phía nam Sơn La, Hòa Bình, khu vực Trung bộ có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35 – 37 độ C, có nơi trên 37 độ C
Từ ngày mai (16/6), nắng nóng sẽ mở rộng ra toàn khu vực Bắc bộ; Bắc bộ và Trung bộ có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35 – 38 độ C, có nơi trên 38 độ C
Độ ẩm tương đối thấp nhất ngày trong đợt nắng nóng này phổ biến 45 – 60%. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ C từ 11 – 17 giờ.
Từ ngày 19/6, nắng nóng gay gắt gia tăng ở Bắc bộ và Trung bộ. Đợt nắng nóng ở Bắc bộ có khả năng kéo dài đến ngày 21/6; ở khu vực Trung bộ có khả năng kéo dài lâu hơn.
Lưu ý, đây là nhiệt độ đo tại lều khí tượng, nhiệt độ ngoài thực tế có thể cao hơn từ 2 – 8 độ C tùy thuộc vào điều kiện địa hình, hướng gió, tỷ lệ cây xanh, mặt nước, bê tông hóa.
Khuyến cáo chăm sóc thủy sản
Nhiệt độ thực tế tại các tỉnh Nam Trung Bộ ngày 14/6. Nguồn: KTTVTU
Với ao nuôi tôm
Chỉ được thả giống khi nhiệt độ nước dưới 30 độ C, với mật độ hợp lý, không thả nuôi quá dày, tránh cạnh tranh về môi trường sống.
Cho ăn với khẩu phần và chế độ hợp lý theo kích cỡ và mật độ nuôi, giảm 15 – 30% lượng thức ăn trong những ngày nắng nóng. Bổ sung vitamin C, khoáng vi lượng, men tiêu hóa trộn vào thức ăn cho tôm để tăng sức đề kháng.
Thường xuyên kiểm tra và duy trì các yếu tố môi trường trong ngưỡng thích hợp, giữ mực nước trong ao tối thiểu 1,5 – 1,8 m. Với những ao nuôi có điều kiện có thể dùng lưới che nắng cách mặt nước 0,8 – 1 m nhằm giảm bớt ánh nắng tác động trực tiếp lên mặt nước ao nuôi, hạn chế nhiệt độ tăng cao và hạn chế tảo phát triển. Bón chế phẩm vi sinh, duy trì độ trong của nước phù hợp.
Với ao nuôi cá
Cần duy trì mực nước trong ao từ 1,5 – 2 m, tăng cường ôxy cho ao nuôi bằng máy quạt nước, máy sục khí hoặc máy bơm. Che phủ bèo tây, bèo tấm khoảng 1/3 diện tích ao nuôi để tạo bóng mát cho cá.
Những ngày nắng nóng cần giảm 30 – 40% lượng thức ăn cho cá; bổ sung thêm các vitamin, khoáng chất… để tăng sức đề kháng cho thủy sản nuôi.
Thường xuyên kiểm tra, quản lý chặt chẽ các yếu tố môi trường trong ao nuôi để kịp thời điều chỉnh.
Với lồng, bè thủy sản
Thường xuyên vệ sinh lồng nuôi sạch sẽ và thông thoáng để lưu thông nước trong và ngoài lồng; kiểm tra, tu sửa bảo đảm lồng nuôi luôn vững chắc, đậy nắp lồng để tránh thất thoát cá ra ngoài.
Di chuyển lồng nuôi đến những khu vực bảo đảm độ sâu luôn ở mức 2,5 – 3 m, không để lồng nuôi quá dày, đảm bảo dòng chảy lưu thông tốt.
Mùa nóng nắng là thời điểm thích hợp cho một số loại nấm, ký sinh trùng… phát triển mạnh, nên cần treo túi vôi, hóa chất quanh chỗ cho ăn hoặc đầu dòng chảy để phòng bệnh.
Mùa hè cũng là mùa tảo nở hoa gây ra hiện tượng thủy triều đỏ, vì vậy người nuôi cần theo dõi chặt chẽ yếu tố này để tránh bị thiệt hại.
Đối với nuôi nhuyễn thể
Bãi nuôi ngao: Nếu bị phơi nắng từ 5 – 8 giờ/ngày thì sau giờ thứ 4 trở đi phải phun nước làm mát liên tục và che nắng, tránh để ngao chết do nhiệt độ cao. Di chuyển vùng nuôi ngao xuống vùng hạ triều để tránh bãi ngao bị phơi nắng trong thời gian dài. Với những vùng nuôi ngao khi gặp hiện tượng thủy triều đỏ, phải cào ngao xuống khu vực sâu hơn, phun nước, khua mạnh để ngao không ăn, tránh cho ngao bị nhiễm độc từ tảo.
Với tu hài, hàu: Vào những đợt nắng nóng cần hạ thấp lồng, dây nuôi hoặc di chuyển bè nuôi đến vị trí có nước sâu hơn. Chủ động san thưa khi mật độ dày, tập trung thu hoạch khi đạt kích cỡ thương phẩm. Đặc biệt, không nên xuống giống vào thời điểm nhiệt độ cao, nắng nóng kéo dài.
Có thể bạn quan tâm
PCR là từ viết tắt của Polymerase Chain Reaction. Nó là một công cụ rất mạnh cho phép người ta phát hiện ra lượng DNA rất thấp. Cốt lõi của nó là một loại enzym
Khi nguồn cung bột cá, dầu cá dần cạn kiệt, nhiều sinh vật biển khác có tiềm năng trở thành nguyên liệu thức ăn thủy sản cần thiết thay thế.
Khi thời tiết nắng nóng, tôm nuôi sẽ bị ảnh hưởng như thế nào? Làm thế nào để giảm độ mặn trong ao tôm nuôi hiệu quả?