Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nuôi Tôm Quảng Canh Cải Tiến - Tạo Nguồn Nguyên Liệu Cho Xuất Khẩu

Nuôi Tôm Quảng Canh Cải Tiến - Tạo Nguồn Nguyên Liệu Cho Xuất Khẩu
Ngày đăng: 21/06/2012

Không đòi hỏi quy trình kỹ thuật phức tạp, không cần quá nhiều vốn và diện tích, rủi ro thấp là những ưu điểm của nuôi tôm quảng canh cải tiến. Sau một thời gian áp dụng thành công, đây là mô hình đang được chú ý nhân rộng.

Trong cuộc họp đánh giá tình hình kinh tế, xã hội 5 tháng đầu năm vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau - Phạm Thành Tươi chỉ đạo, phấn đấu đạt diện tích 100.000 ha tôm nuôi quảng canh cải tiến vào năm 2020.

Hiện nay, diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến đang tăng nhanh. Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có khoảng 19.750 ha nuôi tôm quảng canh cải tiến với năng suất bình quân từ 500 - 700 kg/ha/vụ nuôi.

Không khó để nhân rộng

Nếu phát triển được diện tích tôm nuôi quảng canh cải tiến đạt 100.000 ha theo kế hoạch thì bài toán về nguyên liệu cho xuất khẩu sẽ được giải.

Là một trong những nông dân khá thành công trong việc áp dụng mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến, ông Mai Văn Cửu, ấp Hiệp Thành, xã Tân Hưng Tây, huyện Phú Tân, bộc bạch: “Không chỉ đạt năng suất 500 - 700 kg/ha/vụ, nếu chăm sóc kỹ có thể lên trên 1 tấn/ha/vụ.

Thật sự nuôi quảng canh cải tiến không khó hơn nhiều so với nuôi quảng canh truyền thống”. Đó cũng là khẳng định của ông Võ Thanh Hòa, ấp Kiến Vàng A, xã Việt Thắng và nhiều lão nông ở các xã nuôi tôm quảng canh cải tiến thành công trên địa bàn huyện Phú Tân.

Ông Võ Thanh Hòa tiết lộ, nuôi tôm quảng canh cải tiến không đòi hỏi khắt khe về kỹ thuật như nuôi tôm công nghiệp. Có chăng là quản lý nguồn nước và sử dụng chế phẩm sinh học, cho ăn đúng theo hướng dẫn.

Mô hình này không đòi hỏi vốn lớn nên phần lớn nông dân đều có thể áp dụng. Đây là hình thức nuôi tôm với mật độ cao hơn nuôi quảng canh bình thường. Trong quá trình nuôi có sử dụng chế phẩm sinh học và bổ sung thức ăn cho tôm nuôi.

Ông Nguyễn Lữ Hiền, ấp Đất Sét, xã Phú Thuận, huyện Phú Tân, chia sẻ, với 7.000 m2 đất nuôi tôm quảng canh cải tiến năng suất cao. Sau hơn 4 tháng nuôi, trừ hết chi phí, gia đình thu lãi trên 80 triệu đồng. Nuôi tôm quảng canh cải tiến không khó, chỉ cần xây dựng đầm nuôi đúng kỹ thuật, có ao lắng nước, sử dụng chế phẩm sinh học và cho ăn đúng thời điểm.

Thời gian qua, nuôi tôm quảng canh cải tiến được huyện Phú Tân đẩy mạnh nhân rộng. Trong 25 điểm triển khai, mô hình đều cho kết quả khả quan với năng suất bình quân đạt trên 500 kg/ha/vụ nuôi.

Ông Võ Trường Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Tân, cho biết, bên cạnh việc khích lệ các hộ dân có đủ điều kiện về kinh tế cũng như khoa học - kỹ thuật đầu tư nuôi tôm công nghiệp thì huyện còn ưu tiên phát triển, nhân rộng mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến. Hiện nay, hình thức nuôi này đang phát triển nhanh và hứa hẹn mang lại nhiều thành công cho người dân.

Bước đệm cho tôm công nghiệp

Với tiềm lực kinh tế cũng như sự hiểu biết về khoa học - kỹ thuật hiện nay của nông dân, mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến có thể xem là bước đệm cho mục tiêu phát triển diện tích nuôi tôm công nghiệp vào năm 2015.

Bởi lẽ, qua quá trình nuôi tôm quảng canh cải tiến, từng bước sẽ trang bị thêm kiến thức, sự am hiểu về khoa học - kỹ thuật cho người nông dân. Đây là mô hình giúp nông dân tích lũy về vốn và kỹ thuật khi bắt tay vào nuôi tôm công nghiệp.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thành Tươi chỉ đạo, các địa phương cần nhanh chóng nhân rộng mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến trong nhân dân. Từng bước thay thế hình thức nuôi quảng canh truyền thống, phấn đấu đạt diện tích 100.000 ha vào năm 2020. Song song đó, khuyến khích những hộ có đủ điều kiện phát triển nuôi tôm công nghiệp.

Hiện nay, tổng sản lượng tôm nuôi bình quân của tỉnh tuy có tăng hằng năm nhưng không đáng kể, chưa đáp ứng đủ nhu cầu của các nhà máy trên địa bàn. Nếu đạt được diện tích 100.000 ha thì chỉ riêng sản lượng tôm nuôi từ mô hình quảng canh cải tiến có thể đạt đến con số 50.000 tấn so với khoảng 115.500 tấn tổng sản lượng tôm nuôi.

Như vậy, với sản lượng trên cùng nhiều hình thức nuôi trồng và khai thác khác, cơ bản đáp ứng đủ công suất của các nhà máy chế biến thủy sản trên địa bàn.

Trên cơ sở hiệu quả mang lại của nuôi tôm quảng canh cải tiến, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Tranh nhận định, trong thời gian tới, sở tiếp tục chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho người dân.

Đồng thời, kết hợp với các ngành có liên quan tiếp tục nhân rộng mô hình, cũng như tăng cường công tác quản lý dịch bệnh và nguồn tôm giống trong và ngoài tỉnh. Tạo điều kiện giúp người dân nắm vững khoa học - kỹ thuật, từng bước tiếp cận với loại hình cho năng suất cao là tôm công nghiệp.

Có thể bạn quan tâm

Cần Quan Tâm Hơn Đến Người Trồng Lúa Cần Quan Tâm Hơn Đến Người Trồng Lúa

Đó là kiến nghị của các đại biểu tại Hội nghị giao ban khu vực miền Tây Nam Bộ 6 tháng đầu năm 2012 tại TP.Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp ngày 11.6 do Phó Chủ tịch Thường trực T.Ư Hội NDVN Hà Phúc Mịch chủ trì.

14/06/2012
Dòng Tộc Làm Chè Sạch Dòng Tộc Làm Chè Sạch

Dựa trên mối quan hệ dòng tộc, mô hình SX chè an toàn tại xóm Khuôn Gà Vân Long (xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, Thái Nguyên) được các cơ quan chức năng cũng như người làm chè đánh giá cao về chất lượng giám sát cộng đồng và tính tự giác thực hiện quy trình SX.

05/03/2012
Thanh Long Vụ Nghịch Rộng Đầu Ra Thanh Long Vụ Nghịch Rộng Đầu Ra

Năm ngoái, có những lúc dân trồng thanh long méo mặt vì giá rớt thảm hại. Nhưng vào thời điểm này, những người thu hoạch thanh long vụ nghịch ở Long An,Tiền Giang, Bình Thuận lại đang vui lớn khi trúng mùa, được giá.

06/03/2012
Bất Lực Với Bệnh Chổi Rồng Bất Lực Với Bệnh Chổi Rồng

Trong vòng 8 tháng qua, đã có 7 tỉnh, thành ở khu vực ĐBSCL công bố dịch bệnh chổi rồng tàn phá cây nhãn trên phạm vi toàn tỉnh, với tổng diện tích nhiễm bệnh là 24.469ha.

14/06/2012
Người Nuôi Cút Điêu Đứng Người Nuôi Cút Điêu Đứng

Hiện nay, nhiều người nuôi cút ở huyện Đông Hòa (Phú Yên) bắt đầu thải mạnh đàn, bỏ nghề nuôi vì không còn đủ sức cầm cự. Nhiều hộ nuôi cút đang phải đối mặt với túng thiếu, nợ nần…

15/06/2012