Nuôi tôm ở Sóc Trăng: Thành công từ hợp tác, liên kết
Tỉnh Sóc Trăng có ngành thủy sản khá phát triển với diện tích nuôi tôm thâm canh lớn nhất nước, năm 2017 đi qua đạt nhiều chỉ tiêu tăng trưởng cao. Một nguyên nhân là nhờ đẩy mạnh hợp tác, liên kết trong ngành và với ngành khác.
Hiện ở Sóc Trăng có 27 HTX nuôi tôm Ảnh: Mai Trường
Kết quả tăng trưởng
Bà Quách Thị Thanh Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Sóc Trăng cho biết: “Tổ chức lại sản xuất để nâng cao chất lượng mọi mặt, bằng việc phát triển hợp tác, liên kết chuỗi giá trị sản phẩm là hoạt động trọng tâm của ngành thủy sản trong cả năm 2017”. Hiện nay, Sóc Trăng có 27 HTX với 1.160 thành viên và 2.658 ha nuôi trồng thủy sản; 162 THT với 3.262 thành viên và 3.341. Hợp tác trong sản xuất để thực hành nuôi trồng thủy sản tốt, đạt các tiêu chuẩn VietGAP, ASC, BAP. Còn liên kết giữa HTX/THT với doanh nghiệp để chia sẻ lợi ích, bảo vệ môi trường, đảm bảo vật tư đầu vào và sản phẩm đầu ra có chất lượng.
Trong hoạt động liên kết, có sự phối hợp của các dự án của Trung tâm Hợp tác quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS), WWF, Đại học Nông Lâm. Kết quả, đến cuối năm 2017, có 7 HTX/THT với diện tích 302 ha liên kết các nhà cung ứng vật tư đầu vào (thức ăn, thuốc, chế phẩm sinh học, giống); 11 HTX/THT với diện tích 337 ha ký kết tiêu thụ sản phẩm cho các doanh nghiệp thu mua tại tỉnh, giá cao hơn so với thị trường. Kết nối giữa doanh nghiệp chế biến xuất khẩu với HTX/THT nuôi tôm theo các tiêu chuẩn chứng nhận, có giá cao hơn thị trường.
Số liệu của UBND tỉnh Sóc Trăng, đến 31/12/2017, nuôi tôm nước lợ đạt 54.361 ha, tăng 16,9% so năm 2016. Trong đó, tôm thẻ chân trắng 34.098 ha, tăng 30%; diện tích nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh đạt 48.128 ha, tăng 45,2%.
Diện tích tôm nước lợ đã thu hoạch 47.873 ha, sản lượng 134.184 tấn, tăng 20,9% so năm 2016. Năng suất bình quân: Tôm thẻ chân trắng 4 tấn/ha; tôm sú 1,40 tấn/ha (thâm canh 3,5 tấn/ha, bán thâm canh 1,5 tấn/ha, quảng canh cải tiến 0,5 tấn/ha). Thủy sản nước ngọt và lợ khác, chủ yếu phát triển ở ao mương vườn, ruộng lúa và xen canh trong các ao nuôi tôm nước lợ. Tổng diện tích thả nuôi 19.780 ha, sản lượng 52.868 tấn.
Khuyến nông, chống dịch bệnh
Theo Chi cục Thủy sản Sóc Trăng, năm qua, nhiều mô hình khuyến nông triển khai, duy trì có kết quả. Trong nuôi tôm nước lợ là các mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn kết hợp với cá các loại (nhất là cá rô phi), theo hệ thống nuôi cá rô phi lấy nước sang nuôi tôm; nuôi tôm sú kết hợp với cá các loại. Trong nuôi tôm càng xanh là nuôi tôm toàn đực trên vùng đất chuyển đổi, tôm càng xanh toàn đực và tôm thẻ chân trắng. Bên cạnh là mô hình tôm - lúa. Hiện có 15 cơ sở với 800 ha đã áp dụng VietGAP và các tiêu chuẩn ASC, BAP.
Trong chống dịch bệnh, Sóc Trăng chú trọng công tác quan trắc môi trường nước. Với hệ thống quan trắc đã lắp đặt, trong năm 2017, thu và phân tích 11.048 mẫu tại 28 điểm kênh tự nhiên và 8 ao nuôi đại diện cho 4 vùng nuôi trọng điểm. Kết quả phân tích và cảnh báo được truyền thông rộng rãi đến các vùng nuôi, trực tiếp đến hộ nuôi, góp phần thắng lợi cho vụ tôm năm 2017.
Giám sát chủ động và bị động 854 mẫu, giám sát cơ sở an toàn dịch bệnh tôm ở 22 cơ sở, giám sát dịch bệnh trên cá tra với 20 mẫu. Còn giám sát dịch bệnh trên tôm và cá tra phục vụ xuất khẩu với 728 mẫu tôm và bùn, nước.
Quản lý tôm giống, kiểm dịch 6,6 tỷ tôm giống nhập tỉnh, giám sát dịch bệnh tại các trại sản xuất và ương dưỡng tôm giống với 280 mẫu. Còn tuần tra kiểm dịch vận chuyển giống thủy sản lưu thông nhập tỉnh, phát hiện 36 trường hợp vi phạm (không có giấy chứng nhận kiểm dịch).
Quản lý vật tư đầu vào, thanh tra 192 lượt cơ sở, phát hiện 58 trường hợp vi phạm, xử phạt 980.245.000 đồng. Nội dung vi phạm chủ yếu là kinh doanh hàng giả không có giá trị sử dụng; hàng ngoài danh mục được phép lưu hành; hàng hóa không đạt chất lượng, sai nhãn hàng hóa. Kiểm soát dư lượng, thu 72 mẫu thức ăn bổ sung và sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường để kiểm tra chất lượng, kết quả có 27 mẫu không đạt và 15 mẫu đang chờ kết quả. Bên cạnh, thu 470 mẫu thủy sản kiểm tra chỉ tiêu chất lượng an toàn thực phẩm thủy sản, phát hiện 15 mẫu vượt giới hạn cho phép.
Đánh giá của UBND tỉnh Sóc Trăng, các hoạt động quản lý có sự chuyển đổi trong phương thức, chỉ đạo. Nhất là bố trí cán bộ gần dân, sát thực tế nên đã hỗ trợ kịp thời cơ sở nuôi ứng phó với diễn biến tình hình. Chuyển giao khoa học kỹ thuật đổi mới nên nhận được sự quan tâm của nông dân, nhiều mô hình thành công. Trong đó, thành công nhất là thúc đẩy phát triển theo hướng kinh tế tập thể, xây dựng chuỗi liên kết và sản xuất có trách nhiệm với cộng đồng.
>> Ngày 1/2/2018, Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh đã tổ chức hội thảo với chủ đề: “Chia sẻ mô hình nuôi tôm gắn với phát triển chuỗi liên kết”. Tại đây, các đại biểu đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm, giải pháp và biện pháp kỹ thuật cần áp dụng trong nuôi tôm, đặc biệt là xây dựng chuỗi liên kết để nâng cao giá trị. Cùng những kỹ thuật nuôi như: cải tạo ao, xử lý nước, chất lượng con giống, chăm sóc và quản lý ao nuôi… >> Ngày 1/2/2018, Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh đã tổ chức hội thảo với chủ đề: “Chia sẻ mô hình nuôi tôm gắn với phát triển chuỗi liên kết”. Tại đây, các đại biểu đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm, giải pháp và biện pháp kỹ thuật cần áp dụng trong nuôi tôm, đặc biệt là xây dựng chuỗi liên kết để nâng cao giá trị. Cùng những kỹ thuật nuôi như: cải tạo ao, xử lý nước, chất lượng con giống, chăm sóc và quản lý ao nuôi…
Có thể bạn quan tâm
Để ứng phó với những trận mưa lũ nhằm hạn chế thiệt hại, nhiều người nuôi cá lồng, bè ven sông Trà Khúc đã sử dụng inox và nhựa làm lồng, bè, đạt hiệu quả cao
Mô hình nuôi tôm hai giai đoạn có thu tỉa của ông Tăng Văn Xúa- thị xã Vĩnh Châu thực hiện từ năm 2016 đã rất thành công, lợi nhuận mỗi năm từ 1,5 đến 2 tỷ đồng
Đây là kết quả của dự án đánh giá sử dụng sản phẩm phụ vi tảo từ ngành công nghiệp nhiên liệu sinh học làm protein thay thế trong thức ăn nuôi cá hồi