Nuôi Tôm Nước Lợ 2012 - Áp Dụng Tiêu Chuẩn An Toàn
Những hạn chế trong công tác kiểm soát tôm giống, liên kết trong sản xuất… là chuyện không mới trong nuôi trồng thủy sản. Tại hội thảo đánh giá nuôi trồng thủy sản năm 2009- 2011 vừa được Sở NN&PTNT tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng áp dụng những tiêu chuẩn an toàn, bền vững trong nuôi tôm sẽ tháo gỡ được những hạn chế trên.
“Nhất giống nhì ao”
Trong khi nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát đem lại hiệu quả kinh tế cao trong những năm gần đây thì nuôi tôm nước lợ tại vùng triều lại gặp rất nhiều khó khăn. Theo thống kê, sản lượng thu hoạch tôm thẻ chân trắng tại vùng triều năm 2011 chỉ đạt 7.572 tấn so với mức hơn 11.000 tấn năm 2009. Những năm gần đây, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng tăng lên ở nhiều địa phương, sản xuất tôm thẻ giống cũng tăng theo. Để đáp ứng nhu cầu tôm thẻ giống lên đến 2,3 tỷ con (tăng 1,3 tỷ con so với năm 2009), 36 trại tôm thẻ giống trên địa bàn tỉnh đã thu mua giống tôm thẻ chân trắng từ các tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên… về lưu giữ, ương nuôi rồi xuất bán. Do tâm lý ham giá rẻ của người nuôi nên các con giống không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không được kiểm định chất lượng sản phẩm khiến cho hiệu quả sản xuất thấp.
Chi cục Nuôi trồng thủy sản Quảng Nam cho biết, nhằm quản lý tốt chất lượng con giống, nhiều năm nay chi cục đã triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền, phổ biến các quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh; quy định về kiểm dịch tôm giống, kiểm tra vệ sinh thú y; phân công cán bộ đứng điểm tại các vùng sản xuất, kinh doanh tôm giống. Tuy nhiên, do các trại giống không nằm trong quy hoạch sản xuất giống thủy sản, các chủ cơ sở thiếu quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, cải tiến quy trình sản xuất nên chất lượng giống không cao. Quan trọng hơn, do khan hiếm con giống có chất lượng, người nuôi dễ chấp nhận mua tôm giống mà không cần kiểm tra các chỉ tiêu mầm bệnh.
Chất lượng giống thấp, môi trường nước cho tôm nuôi không đảm bảo cộng thêm yếu tố thời tiết thất thường là nguyên nhân của dịch bệnh hoành hành khiến tôm chết hàng loạt, người nuôi thua lỗ. Tại hội thảo đánh giá nuôi trồng thủy sản 2009-2011, nhiều ý kiến cho rằng có những vùng nuôi người dân không thực hiện đúng lịch thời vụ nhưng tôm nuôi phát triển tốt, trong khi nhiều nơi thả nuôi đúng lịch lại xảy ra dịch bệnh, vậy có nên thả nuôi đúng lịch? Một số ý kiến khác cho rằng, muốn người nuôi thả tôm đúng lịch, chỉ cần khống chế con giống, bởi không có tôm giống trên thị trường trước lịch thời vụ người nuôi sẽ không sản xuất. Sự phát triển của tôm nuôi phụ thuộc chủ yếu vào mức độ thích nghi của tôm giống đối với sự biến động của môi trường nước. Theo ngành chức năng, thả nuôi đúng lịch thời vụ giúp tôm giống thích nghi với môi trường tốt hơn, hạn chế dịch bệnh. Hiện rất khó “khống chế” con giống trên thị trường trước lịch thời vụ bởi ngoài nuôi tại vùng triều (2 vụ), việc nuôi tôm thẻ trên cát quanh năm sẽ không cho phép ngành chức năng cấm con giống lưu hành trước lịch thời vụ.
Nuôi an toàn
Hạ tầng vùng nuôi sơ sài, kiểm soát chất lượng con giống khó khăn, bất cập trong áp dụng lịch thời vụ… là những khó khăn cần có biện pháp tháo gỡ, trong đó tiếp cận hướng nuôi thủy sản bền vững là giải pháp tối ưu. Theo Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh, để dần nhân rộng các mô hình nuôi này, ngành chức năng cần tiếp tục hướng dẫn người nuôi áp dụng các tiêu chí an toàn thực phẩm trong nuôi tôm, cải tiến quy trình kỹ thuật nhằm từng bước hình thành các vùng nuôi áp dụng BMP (thực hành nuôi tốt), GAP (thực hành quản lý tốt hơn) và theo hướng dựa vào cộng đồng. Ngoài ra, tăng cường phòng chống dịch bệnh cho tôm nuôi.
Dựa vào các hướng dẫn nuôi tôm nước lợ đã ban hành, ngành nông nghiệp và các địa phương cần tăng cường giám sát vùng nuôi, ngăn ngừa và có biện pháp xử lý thích hợp đối với các trường hợp thả nuôi trước lịch mùa vụ. Công tác giám sát môi trường và bệnh trên tôm nuôi để kịp thời thông báo và hướng dẫn cho người nuôi áp dụng các biện pháp kỹ thuật hạn chế bệnh lây lan cần được tổ chức thường xuyên và kịp thời hơn. “Các ngành, địa phương, đơn vị liên quan cần xây dựng ngay các phương án phòng chống dịch bệnh trên tôm nuôi, hạn chế bệnh lây lan trên diện rộng. Việc xây dựng các mối liên kết để kịp thời nắm bắt tình hình nuôi trồng nhằm có biện pháp chỉ đạo sản xuất kịp thời cũng hết sức cần thiết” - bà Phạm Thị Hoàng Tâm, Phó Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Quảng Nam nói.
Về quản lý tôm giống, theo Sở NN&PTNT, ngoài việc tăng cường kiểm tra điều kiện sản xuất, kinh doanh của các cơ sở sản xuất giống thủy sản đóng trên địa bàn tỉnh, các ngành cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tổ chức tốt công tác kiểm dịch, kiểm tra chất lượng con giống lưu thông từ bên ngoài vào địa bàn tỉnh và kiên quyết xử lý các trường hợp tôm giống nhập tỉnh xuất bán không đảm bảo chất lượng. Ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết thêm, năm 2012, ngoài chế tài xử phạt các trường hợp thả nuôi tôm thẻ trước lịch, sở cũng sẽ có biện pháp giám sát chặt chẽ, hạn chế hoạt động sản xuất và kinh doanh tôm giống diễn ra trước quy định thả tôm nuôi đúng lịch thời vụ. Đồng thời chú trọng giám sát việc sử dụng các chất hóa học trong quá trình thả nuôi. Ngoài ra, cần tạo sự liên kết giữa các tổ nuôi tôm cộng đồng với doanh nghiệp thu mua sản phẩm nhằm bình ổn giá, hạn chế cảnh được mùa mất giá trước sức ép của tư thương…
Có thể bạn quan tâm
Đưa chúng tôi đến tận chân đê bao, ông Nguyễn Văn Khâm - Chủ tịch HTX Thanh Phong (xã Tân Thuận, huyện Hàm Thuận Nam - Bình Thuận) tỏ vẻ phấn khởi khi nói về mô hình muối - tôm
Cá lăng chấm (Hemibagrus guttatus) là loài cá quý hiếm hoang dã sống trên hệ thống sông Hồng. Thịt cá mềm, thơm ngon, ít xương dăm, giàu chất dinh dưỡng, được liệt vào hàng đặc sản. Cá lăng chấm sống ở những vùng nước sạch, có dòng chảy nhẹ. Hiện nay, cá lăng chấm bị khai thác rất mạnh đến mức cạn kiệt
Theo Viện trưởng Lê Quốc Doanh thì lạc dại (Arachis pintoi) là cây họ đậu thuộc loại thân bò, sinh trưởng vô hạn, hoa có màu vàng tươi, hạt nhỏ (8-12mm x 4-6mm), màu nâu nhạt, rễ có nhiều nốt sần có khả năng cố định đạm từ nitơ khí trời rất tốt. Lạc dại dễ trồng, sinh trưởng, phát triển nhanh, có thể thích ứng với nhiều loại đất từ đất xấu bạc màu, nghèo dinh dưỡng, đất đồi núi dốc đến đất cát, đất chua mặn ven biển.
Thế nhưng khi về huyện Cẩm Mỹ (Đồng Nai), chúng tôi mới biết rằng "di chứng" của cơn sốt gạo ấy vẫn còn gây lo lắng cho người nông dân nơi này, nhất là với những hộ lâu nay sinh sống chủ yếu nhờ vào cây bắp.
Mùa nước nổi năm nay có rất nhiều mô hình làm giàu từ lũ được nhân rộng ở các địa phương vùng ĐBSCL như: nuôi tôm càng xanh, nuôi cá chình, lươn, cá lóc, cá bông... ở các huyện: Tân Châu (An Giang), Hồng Ngự, Tân Hồng (Đồng Tháp), Tân Hưng (Long An)...