Trang chủ / Tin tức / Tin thủy sản

Nuôi tôm ngày càng khó thành công

Nuôi tôm ngày càng khó thành công
Tác giả: TRẦN HIẾU
Ngày đăng: 18/07/2016

Năng suất giảm

Cà Mau là tỉnh có diện tích nuôi tôm lớn nhất cả nước. Đời sống người dân nơi đây từng “lên hương” với con tôm. Nhiều hộ làm được nhà, mua thêm được đất cát… cũng nhờ con tôm. Tuy nhiên, thời gian qua nuôi tôm khó có lời, thậm chí bị thua lỗ nặng.

Đang chăm chú vá lưới để chặn miệng cống vuông tôm, ông Út Chính (Nguyễn Minh Chính, ấp 3, xã Tân Lộc Đông, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau), cho biết: Đang chuẩn bị chặn cửa cống bơm nước ra, cải tạo lại vuông tôm để thả lại xem có khả quan hơn không. Từ đầu năm đến nay, gia đình thu không đủ vốn, lượng tôm bắt được chỉ ướm tính từng con.

Gia đình ông Út có hơn 2 ha ao nuôi tôm theo hình thức quảng canh, đầu năm đến nay đã 3 lần thả giống. Hơn chục triệu đồng vốn đầu tư cho 200 ngàn con giống cùng tiền cải tạo coi như mất hết. Theo chia sẻ của lão nông này thì năm nay nắng hạn gây khó khăn đã đành rồi. Nhưng mấy năm trước cũng không khá hơn nhiều lắm. Bà con địa phương nuôi tôm vụ được vụ không, ráng lo được cho cuộc sống gia đình, chứ không có dư như trước đây.

Nhớ lại thời gian nuôi tôm khoảng năm 2000, ông Út nói: Hồi đó đi đổ lú tôm sú xách cả xô, bữa kiếm chục kg là chuyện thường. Cái nhà tường khang trang vợ chồng ông xây được cũng nhờ trúng tôm mấy năm liền. Sau đó chẳng bao lâu, tình hình ngày càng khó khăn, đặc biệt 3 năm trở lại đây, lượng tôm bắt được ít hơn hẳn.

Ở cách đó vài nhà, anh Sáu Rành cùng chung tâm sự. Không nói đâu xa, trên diện tích 5 ha đất của gia đình từ chỗ “hái” ra tiền, đến làm đủ ăn và giờ đây mất trắng, phải treo ao vì không có vốn đầu tư lại. Đến mức, bốn anh em trai của anh phải bung đi Bình Dương, người lên các công trình xây dựng trên Sài Gòn làm phụ hồ, người ở lại địa phương làm đất mướn để trang trải cuộc sống.

Theo tính toán của anh Sáu Rành: Mỗi năm người làm vuông phải sên vét (lấy đi mặt bùn bồi lắng dưới đáy vuông) một lần, mỗi công đất thuê hết trên dưới 100 ngàn đồng. Chiều dài đất vuông của gia đình hơn 800 m, bằng khoảng 22 công đất (36m/công). Với 5 đường kênh lớn, mỗi đường kênh sên hết hơn 2 triệu đồng tức mỗi năm riêng tiền sên vuông đã ngốn của gia đình hơn 10 triệu. Cứ khoảng 2 – 3 năm, người dân lại phải đưa máy cuốc vào cải tạo lại ao đầm, gia cố bờ bao mỗi lần không dưới 5 - 7 triệu đồng/ha.

Đối với nuôi tôm quảng canh, nếu thả theo đúng khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, mỗi m2 lần đầu thả 2 con, cứ 1,5 tháng sau thả thêm 1 con. Tính ra mỗi ha đầu tư khoảng 100 ngàn con giống/năm, giá trung bình 500 – 700 đồng/con. Tiền vôi, tiền dầu bơm nước khoảng 2 triệu đồng/ha/năm...

Anh Rành chốt lại, chưa tính chi phí phát sinh thêm như máy móc, thả giống cua…, mỗi năm trên 5 ha của gia đình đầu tư không dưới 60 triệu đồng. Trong khi, ước tính tổng thu năm 2015 của gia đình anh không nổi 150 triệu đồng. “Nuôi tôm mấy năm gần đây phải lấy công làm lời, nếu hạch toán luôn cả công lao động thì lỗ chắc. Còn riêng năm 2016 thì gia đình tôi đang rất muốn cải tạo thả lại, nhưng cũng đành chịu do không có thu nên chưa có tiền đầu tư.

Cảnh khổ với những người nuôi tôm quảng canh đã vậy, đối với những người làm tôm – lúa cũng khó khăn không kém. Tại Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, thời vụ tôm – lúa của bà con tiến hành từ đầu năm kéo dài đến khoảng tháng 7 (âm lịch), hình thức thả nuôi cũng như quảng canh.

Sau đó, vào thời gian giữa mùa mưa trở đi, người dân tận dụng lượng nước mưa để rửa mặn và tiến hành làm một vụ lúa. Hình thức nuôi này được đánh giá là bền vững và giúp cải tạo môi trường. Tuy nhiên, thực tế không phải lượng mưa năm nào cũng đủ để rửa mặn và không phải 7 tháng nuôi tôm lúc nào cũng cho thu nhập ổn định.


Bài toán nâng cao năng suất tôm đang đặt ra không phải dễ giải

Đã mấy năm liền bấp bênh với mô hình tôm – lúa, ông Nguyễn Văn Nhân (xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước, Cà Mau) cho biết: Bà con vùng đất mình làm ăn phụ thuộc vào nước trời, năm nào mưa nhiều, rửa được mặn thì trồng lúa được. Như vụ lúa 2014, trồng lúa được, nuôi tôm cũng đỡ. Còn vụ lúa cuối năm 2015, cấy lúa không lên nổi, ông tiến hành sạ thêm lần nữa cũng không được. Trong gần 3 ha đất tôm – lúa của gia đình mình, năm 2015 gia đình ông Nhân còn có khoản ra khoản vô từ con tôm nhờ “lộc” từ vụ lúa năm 2014, mặc dù chỉ được vụ ngay sau mùa lúa. Còn vụ lúa 2015, mất trắng không cho thu hoạch, đến vụ tôm cũng bị nắng nóng “thiêu đốt”, chỉ bắt được vài mươi con không đủ tiền mua gạo nuôi gia đình.

Môi trường xuống cấp

Đánh giá về nguyên nhân năng suất tôm nuôi ngày càng giảm, ông Đoàn Văn Chính, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cái Nước cho biết: Tại địa phương, người dân đã chuyển đổi qua nuôi tôm hơn chục năm qua. Khi mới nuôi tôm trên vùng đất mới màu mỡ, giàu thức ăn, môi trường sạch, bà con chỉ cần thả giống rồi chờ thu hoạch thôi.

Tuy nhiên, qua nuôi một thời gian môi trường nuôi bị ô nhiễm, thức ăn tự nhiên dần cạn kiệt. Trong khi bà con mình đã quen dần với cách làm truyền thống, chậm tiếp thu hình thức nuôi tiến bộ nên dễ hiểu tại sao mấy năm nay người nuôi gặp nhiều khó khăn.

Ông Mã Huy, Phó Giám đốc Trung tâm KN-KN Cà Mau nói: Thời tiết không thuận lợi cũng là yếu tố tác động tiêu cực tới tình hình nuôi tôm hiện nay. Theo ông Huy, đối với diện tích nuôi tôm quảng canh khoảng 200 ngàn ha của Cà Mau, hiện nay chủ yếu là nuôi theo cách truyền thống.

“Qua mùa hạn mặn vừa qua chúng ta thấy thiệt hại đối với người nuôi quảng canh truyền thống là rất nặng nề. Từ lâu chúng tôi đã định hướng là phải áp dụng các kỹ thuật nuôi mới, phù hợp hơn với điều kiện để nâng cao năng suất, sản lượng tôm. Hiện nay chúng tôi đang cho nhân rộng mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến kết hợp ít thay nước tại nhiều địa phương. Tuy nhiên, khó khăn nhất là bà con mình rất khó thay đổi tư duy. Đặc biệt, ý thức cộng đồng để liên kết phát triển theo tổ, theo chuỗi còn rất kém”, ông Huy nói.


Có thể bạn quan tâm

Có phương pháp vận động tốt, nguồn lực hỗ trợ nông dân tăng Có phương pháp vận động tốt, nguồn lực hỗ trợ nông dân tăng

Cao Bằng là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, nhưng các cấp Hội ND trong tỉnh đã sáng tạo, có nhiều phương pháp vận động xây dựng, phát triển Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND). Báo NTNN đã có cuộc trao đổi với bà Hoàng Thanh Bình – Chủ tịch Hội ND tỉnh Cao Bằng về vấn đề này.

18/07/2016
Ngư dân Quảng Bình quyết vươn khơi bám biển Ngư dân Quảng Bình quyết vươn khơi bám biển

Sự cố cá biển chết hàng loạt trong thời gian vừa qua đã ảnh hưởng đến đời sống sản xuất của bà con ven biển miền Trung. Thế nhưng, sự hỗ trợ ban đầu của Chính phủ và địa phương phần nào giúp ngư dân vượt qua khó khăn tiếp tục ra khơi, bám biển.

18/07/2016
Cá lồng nuôi tiếp tục chết, dân mất trắng hàng tỷ đồng Cá lồng nuôi tiếp tục chết, dân mất trắng hàng tỷ đồng

Hôm nay (15.7), cá nuôi lồng trên Phá Tam Giang của các hộ dân ở gần khu vực cửa biển thuộc xã Hải Dương, thị xã Hương Trà (Thừa Thiên- Huế) vẫn tiếp tục chết khiến nhiều hộ nuôi trắng tay.

18/07/2016