Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nuôi tôm hùm như đánh bạc!

Nuôi tôm hùm như đánh bạc!
Ngày đăng: 14/04/2015

Từ mờ sáng, ông Nguyễn Chí Lem (ngụ xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) lại tất bật lo thức ăn cho 7.000 con tôm trong 90 lồng bè thả ở vùng biển thuộc xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh. Chi phí thức ăn mất từ 7 - 9 triệu đồng/ngày nhưng giá tôm giảm mạnh khiến ông Lem như ngồi trên đống lửa

Người nuôi điêu đứng

Ông Lem cho hay giá tôm cuối năm 2014 từ 1,8 - 2 triệu đồng/kg tôm loại 1, đầu năm 2015 còn ở ngưỡng 1,7 - 1,8 triệu đồng/kg thì đến nay rớt xuống còn khoảng 1,2 - 1,25 triệu đồng/kg. Như vậy, mỗi kg tôm mất giá từ 400.000 - 750.000 đồng. Với giá này, những ai mua con giống từ 500.000 - 520.000 đồng/con cầm chắc lỗ vốn. Còn ai mới nuôi, giá giống dao động từ 250.000 - 450.000 đồng/con thì phập phồng, bất an. Đau khổ nhất là tôm đã đến kỳ xuất bán nhưng lại bỏ ăn, chết vì các bệnh đỏ thân, sữa, đen mang...

Còn gia đình ông Lê Ngoan (ngụ thôn Đầm Môn, xã Vạn Thanh) thả 3.000 tôm giống từ đầu năm với chi phí gần 1,5 tỉ đồng nhưng đã bị chết gần 1/3. Mỗi buổi sáng, ông lặn cho ăn, kiểm tra, vớt được khoảng 4 - 5 con bị bệnh, vị chi mất trắng 4 - 5 triệu đồng mà thấy xót xa.

“Nuôi tôm như đánh bạc. Vụ được, vụ mất nhưng 2 năm trở lại đây, tôm chết liên tục, tỉ lệ hao hụt lớn làm nhiều người điêu đứng” - ông Ngoan nói. Như trường hợp gia đình bà Huỳnh Thị Thiền (ngụ xã Vạn Thắng) vay ngân hàng gần 500 triệu đồng để nuôi tôm nhưng giá tôm hạ rồi tôm bệnh nhiều khiến gia đình lỗ nặng. Ngân hàng nhiều lần đòi tịch biên tài sản buộc bà Thiền phải bán đất trả nợ.

Theo thống kê sơ bộ của Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh Khánh Hòa, thời gian gần đây, tôm bị nghi bệnh sữa, đỏ thân chết rải rác với mật độ 1 - 3 con/lồng, trung bình mỗi tháng có từ 250 - 400 con chết. Tôm chết cỡ 0,3 - 0,6 kg giá chỉ 300.000 - 500.000 đồng/kg. Nghề tôm hùm còn gọi là nghề nuôi khơi vì phụ thuộc dòng hải lưu. Nếu gặp dòng hải lưu nóng, tôm rất dễ bệnh nên ngư dân phải canh con nước để đưa lồng lên xuống tránh nóng.

Bà Trần Thanh Thúy, Phó trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh Khánh Hòa, cho biết năm 2007, nghề nuôi tôm hùm ở Khánh Hòa gặp “địa chấn” bệnh sữa khiến 60% tôm chết. Từ đó, bệnh này thường xuyên trở lại, năm nào cũng gây thiệt hại cho ngư dân.

Đỏng đảnh như... thương lái Trung Quốc

Năm 2014, Khánh Hòa có khoảng 19.000 lồng tôm với sản lượng trên 900 tấn; tập trung chủ yếu ở Vạn Ninh gần 9.000 lồng, TP Cam Ranh trên 7.000 lồng và TP Nha Trang khoảng 3.000 lồng. Thị trường chủ yếu là Trung Quốc, xuất theo đường tiểu ngạch nên rất khó để quản lý về giá cả. Điển hình vào năm 2012, nghề nuôi tôm lại lỗ nặng khi rớt giá gần 3 lần, từ 2,4 triệu đồng còn 800.000 đồng/kg vì thị trường Trung Quốc ngừng tiêu thụ.

Trong khi đó, người dân hoàn toàn mù mờ về thị trường, tất cả phụ thuộc vào chủ vựa, đầu nậu. Bà Huỳnh Thị Hường, có 90 lồng tôm ở xã Vạn Thạnh, cho biết hiện đang là thời gian chính vụ thu hoạch tôm hùm nên người nuôi bị chủ đầu nậu ép giá. Giá chỉ còn 1,2 triệu đồng nhưng muốn lấy tiền liền thì phải mất thêm 20.000 - 30.000 đồng, còn lấy đúng số tiền thỏa thuận thì phải đợi vài ngày, có khi cả tuần.

“Mỗi lần bán tôm ai cũng hồi hộp, lo âu. Khi bắt tôm, họ chê nhỏ, to đủ kiểu. Giá cả thì một tay chủ nậu hô. Khi dân bán tôm loại 2, loại 3 thì họ nói thị trường Trung Quốc cần tôm loại 1. Dân để tôm nuôi lớn mới bán thì họ lại nói cần loại 2, loại 3. Chúng tôi không biết thị trường như thế nào nên họ nói sao nghe vậy” - bà Hường kể.

Theo một chủ vựa ở xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh, giá tôm hùm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc nên dịp Tết Nguyên đán nhu cầu lớn thì giá tôm cao. Ngược lại, bây giờ nhu cầu giảm nên giá thấp. Bên cạnh đó, chính ngư dân tự làm khó mình khi thấy năm nay tôm giống nhiều, giá rẻ hơn 150.000 - 200.000 đồng/con nên đua nhau bán non tôm để mua giống nuôi vụ mới, dẫn đến lượng tôm tồn rất nhiều. Ngoài ra, một số nước trong khu vực cũng đang nhập khẩu vào Trung Quốc với giá thấp hơn giá tôm Việt Nam nên phải hạ giá tôm để cạnh tranh.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Người Lao Động, ở huyện Vạn Ninh có 3 vựa lớn chuyên thu mua tôm hùm xuất khẩu đi Trung Quốc, thị xã Ninh Hòa có 1 vựa, TP Nha Trang 2 vựa, TP Cam Ranh 3 vựa. Xung quanh vựa lớn có hàng chục đầu nậu nhỏ vệ tinh. Chính khâu trung gian nhiều nên chủ vựa, đầu nậu thường ép giá ngư dân để kiếm lời. Các chủ vựa thường ít hợp tác với cơ quan quản lý nhà nước nên rất khó biết được chính xác đường dây xuất khẩu tiểu ngạch như thế nào.

Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh Khánh Hòa đã nhiều lần đề xuất các sở - ngành cần quản lý chặt chẽ các nậu vựa, hạn chế khâu trung gian; thành lập trung tâm đấu giá thủy sản để bảo đảm quyền lợi cho ngư dân; khuyến khích các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu chính ngạch, đứng ra liên kết với người nuôi, thu mua tôm trực tiếp từ hộ nuôi để ổn định giá cả.

Bên cạnh đó, tuyên truyền người nuôi tôm nên giãn thời gian nuôi, tránh dồn vào một vụ bởi khi sản lượng thu hoạch nhiều rất dễ bị ép giá. Cùng với đó, ngư dân có thể nuôi thêm tôm tre là loài ít bệnh và tiêu thụ nội địa lớn, giá bán cũng rất cao...

Cẩn thận bị giật nợ

Ông Trần Đại Dũng - một doanh nghiệp xuất khẩu chính ngạch thủy sản đi Trung Quốc ở TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa - cho biết xuất khẩu chính ngạch sẽ bảo đảm được giá cả ổn định vì có ký hợp đồng rõ ràng. Thuế suất xuất khẩu thủy sản của nước ta là 0%. Sản phẩm chất lượng, đạt tiêu chuẩn kiểm dịch. Trong khi đó, nhiều chủ vựa xuất khẩu tiểu ngạch thường bị phía Trung Quốc giật nợ. Thời gian đầu họ trả tiền đàng hoàng nhưng sau đó khất nợ hoặc không trả tiền.

Cái khó để việc xuất khẩu chính ngạch phát triển là các chủ nậu thường kém, lười tìm hiểu, nghiên cứu các đối tác, thị trường, những rào cản pháp lý ở phía Trung Quốc nên họ chọn cách đưa hàng đến cửa khẩu rồi phó thác cho thương lái nước bạn nhập hàng.


Có thể bạn quan tâm

Bình Định Lắp Đặt 238 Thiết Bị Công Nghệ Movimar Cho Các Tàu Cá Khai Thác Xa Bờ Bình Định Lắp Đặt 238 Thiết Bị Công Nghệ Movimar Cho Các Tàu Cá Khai Thác Xa Bờ

Bà Mai Kim Thi, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản thuộc Sở NN-PTNT, cho biết: Đến nay, đơn vị đã phối hợp với Đài Thông tin Duyên hải Quy Nhơn tiến hành lắp đặt 238 thiết bị công nghệ Movimar (còn gọi là thiết bị quan sát tài cá qua vệ tinh) cho các tàu cá khai thác xa bờ trên địa bàn toàn tỉnh Bình Định.

23/04/2014
Cái Nước (Cà Mau) Báo Động Tai Nạn Điện Cái Nước (Cà Mau) Báo Động Tai Nạn Điện

Kể từ khi phong trào nuôi tôm công nghiệp tự phát tăng cao, nhu cầu về điện phục vụ sản xuất và thắp sáng “nóng” lên hơn bao giờ hết. Bên cạnh đó, tình trạng sử dụng điện không an toàn đang là vấn đề đáng báo động.

23/04/2014
Trai Phố Thành Nông Dân Sản Xuất Giỏi Trai Phố Thành Nông Dân Sản Xuất Giỏi

165ha mặt nước nuôi thuỷ sản ở phường Hà An (TX Quảng Yên, Quảng Ninh) đã được đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng từ năm 2010 với tổng mức đầu tư trên 30 tỷ đồng, trong đó người dân đóng góp hơn 10 tỷ đồng. Do được đầu tư đồng bộ nên nhiều hộ dân trên địa bàn phường đã đầu tư kinh phí nuôi nhiều giống thuỷ sản mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình phải kể tới là hộ anh Nguyễn Hữu Phước.

23/04/2014
Hiệu Quả Từ Mô Hình Hiệu Quả Từ Mô Hình "Đa Cây, Đa Con"

Thay vì chỉ trồng và nuôi một loại cây, con như trước, những năm gần đây, nhiều nông dân đã chọn cách trồng nhiều loại cây, nuôi nhiều loại con đem lại hiệu quả kinh tế cao, đồng thời giảm thiểu rủi ro về mất vốn.

23/04/2014
Giá Heo Tăng Cao, Người Chăn Nuôi Phấn Khởi Giá Heo Tăng Cao, Người Chăn Nuôi Phấn Khởi

Nhiều ngày qua giá heo trên thị trường tăng mạnh khiến người chăn nuôi rất phấn khởi. Từ giá 46-47 ngàn đồng/kg vào tháng trước, hiện giá heo hơi tại huyện Trảng Bom (Đồng Nai) đã tăng lên 53-54 ngàn đồng/kg, cao nhất trong vòng 2 năm trở lại đây.

23/04/2014
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng vượt trội, bọt khí mịn, kháng khuẩn. Ống Nano-Tube là lựa chọn sục khí được ưa chuộng nhất trên thị trường để tăng cường oxy đáy trong ao nuôi tôm …
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng hoàn toàn vượt trội, sử dụng hộp số giảm tốc vỏ gang, một trải nghiệm vô cùng mới. Oxy hoà tan cao, tạo dòng lưu thông mạnh giữ cho đáy ao luôn sạch.