Nuôi tôm công nghiệp trong bể xi măng tại Nam Định
Mô hình được anh Nguyễn Văn Cường, xóm Hợp Thành, xã Hải Đông (huyện Hải Hậu) thực hiện thành công, mở ra phương pháp mới trong nuôi tôm công nghiệp.
Năm 2008, anh Cường đầu tư 1.000 m2 nuôi tôm thẻ chân trắng. Nhờ đầu tư bài bản, anh đã thu hoạch và xuất bán 1,2 tấn tôm, lãi 30 triệu đồng sau 75 ngày. Vụ tiếp theo, anh lãi thêm 50 triệu đồng. Tiếp đó, anh Cường đã đầu tư 4 ao nuôi, mở rộng diện tích nuôi lên 5.000 m2. Sau 3 năm thành công liên tiếp (2009 - 2011), từ năm 2012, anh Cường lại gặp khó khăn do tôm bị chết hàng loạt.
Trước những khó khăn khi nuôi tôm ngoài ao, anh nảy ra sáng kiến nuôi tôm trong bể xi măng và đem lại thành công không ngờ. Năm 2013, anh Cường xây 6 bể xi măng, diện tích mỗi bể là 25 m2 để nuôi ương giống, khi tôm đạt kích cỡ lớn anh mới chuyển xuống ao nuôi để tôm tăng trưởng nhanh. Không ngờ, mặc dù nuôi trên bể tôm sinh trưởng rất tốt nhưng khi thả xuống ao thì tôm vẫn mắc bệnh và chết. Anh suy đoán hiện tượng này là do môi trường nước ở ao nuôi dễ làm tôm nhiễm bệnh nên tìm cách khắc phục. Anh nuôi thử nghiệm ở 6 bể nhỏ với mật độ 100 con/m2 và thả một ít xuống ao để làm đối chứng. Kết quả, nuôi ở bể tôm chậm lớn hơn ở dưới ao nhưng độ an toàn cao hơn, không hao hụt nên tổng kết chung vẫn cho thu nhập tốt hơn. Vì vậy, anh quyết định chọn phương thức nuôi trên bể, đầu tư san lấp ao và xây thêm bể xi măng.
Chia sẻ về mô hình nuôi tôm trong bể xi măng, anh Cường cho biết, mỗi bể nuôi tôm được thiết kế 25 m2, chiều cao hơn 1 m. Trên các bể nuôi, anh đầu tư khung thép hình chóp lắp đặt dàn mái che để đảm bảo ổn định nhiệt độ môi trường nuôi và chủ động về thời vụ như: mùa đông phủ nilon giữ ấm, mùa hè thay mái che bằng lưới tạo độ thoáng và che mát cho tôm. Nuôi trong bể, anh Cường thả tôm với mật độ khá dày, khoảng 400 con/m2 (gấp 5 - 6 lần so với mật độ ở ao nuôi). Sau 40 - 60 ngày khi tôm có kích cỡ lớn hơn, anh san tỉa giảm mật độ chỉ để 200 con/m2 để tôm có môi trường rộng tăng kích cỡ nhanh. Khi thu hoạch, anh Cường áp dụng cách “thu tỉa” bắt tôm làm 2 lần vừa đảm bảo kích cỡ năng suất tôm, vừa không bị áp lực tiêu thụ số lượng lớn. Áp dụng cách nuôi này, mỗi bể sau 3 tháng nuôi có thể đạt sản lượng 80 - 120 kg tôm. Với phương thức nuôi gối lứa, doanh thu trang trại mỗi năm đạt 1,8 tỷ đồng. Từ năm 2014 đến nay, mỗi năm đều đặn anh Cường có thu nhập thực tế 900 triệu đồng. Đến nay, trang trại của anh Cường có 80 bể xi măng nuôi tôm siêu thâm canh trải qua hơn chục vụ nuôi, không vụ nào gặp rủi ro.
Anh Cường lưu ý, mô hình nuôi siêu thâm canh mật độ dày nên mỗi bể đều phải được lắp đặt hệ thống sủi ôxy và chạy liên tục. Ngoài ra, các bể đều có hệ thống cấp, thoát nước riêng biệt, sử dụng xi phông đáy để làm vệ sinh bể: hút chất thải, xác tôm nổi, thức ăn dư thừa ra mỗi khi thay nước giúp môi trường ao nuôi sạch hơn, đảm bảo an toàn cho tôm sinh trưởng, phát triển tốt.
Theo anh Cường, ưu điểm của mô hình nuôi tôm trong bể xi măng là giúp người nuôi dễ dàng kiểm soát và xử lý dịch bệnh tôm. Khi thấy tôm bị bệnh, với diện tích mỗi bể chỉ vỏn vẹn 25 m2 người nuôi có thể cách ly và tiêu hủy tôm nhanh chóng, không để lây lan ra diện rộng như nuôi thả ngoài ao. Khi thu hoạch chỉ cần mở van để tháo cạn nước rồi đặt túi lưới thu tôm nên tiết kiệm được nhiều công lao động. Đặc biệt, không cần phải có diện tích lớn, hộ gia đình cũng có thể nuôi tôm siêu thâm canh tăng thu nhập.
Có thể bạn quan tâm
Doanh số và giá bán mặt hàng tôm đã bắt đầu phục hồi tại các vùng NTTS chính tại Trung Quốc từ đầu tháng 4. Các thương lái tại đây phải cạnh tranh gay gắt mới
Thách thức lớn nhất của ngành tôm nước ta hiện nay là giá thành sản phẩm đầu vào quá cao, vì vậy sau khi thu hoạch, người nuôi không có lãi.
Các kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ sống của TTCT Thái Bình Dương đã cải thiện rõ rệt khi thay dầu cá bằng dầu vi tảo trong khẩu phần dinh dưỡng.