Trang chủ / Hải sản / Tôm càng xanh

Nuôi Tôm Càng Xanh Trong Vườn Dừa

Nuôi Tôm Càng Xanh Trong Vườn Dừa
Ngày đăng: 23/07/2011

Bến Tre có hệ thống sông ngòi chằn chịt, nguồn nước cung cấp dồi dào và có hơn 50.000ha trồng dừa, trong đó khoảng 15.000ha mặt nước từ vườn dừa. Nếu tận dụng mặt nước sẵn có từ vườn dừa, đồng thời áp dụng cải tiến một số phương pháp như cải tạo mương vườn, chọn giống, quản lý, chăm sóc tốt thì hàng năm chúng ta sẽ có một lượng tôm càng xanh thương phẩm khá lớn, góp phần tăng thu nhập đáng kể và giải quyết một lượng lao động tại địa phương.

Trong những năm gần đây, giá tôm càng xanh ổn định và luôn ở mức cao, bà con đã tận dụng mương vườn của mình để nuôi. Nhưng chủ yếu nuôi theo phương pháp truyền thống như nuôi nhử, đắp đập tràn, với phương pháp trên có lãi nhưng hiệu quả kinh tế chưa cao. Xin giới thiệu một số kinh nghiệm nuôi tôm càng xanh trong mương vườn dừa để tham khảo:

1. Phương pháp cải tạo mương vườn:

Đối với mương vườn dừa có đặc điểm chiều ngang nhỏ từ 2-5m; chiều dài lớn từ 50-200m, mặt vườn thì lớn. Do đó khi mưa thường phèn từ hai bên rò rỉ dồn về mương vườn, làm sói bờ gây nước đục, nên khi cải tạo mương chú ý:

+ Vét hết bùn đáy ao lên, và trên líp vườn đắp bờ cho dốc hướng ra ngoài mương để tránh trời mưa đổ xuống mương và bón vôi lúc cải tạo từ 10-20kg/100m2 (tùy theo mương cũ hay mới) mương có hệ thống cống, hoặc bọng đảm bảo độ sâu mương từ 0,6-0,8m.

+ Nếu có điều kiện bà con nên chia mương vườn thành nhiều lô có thể từ 50-200m2 tùy theo thực tế mương vườn, cũng có thể dùng lưới mùng hoặc đăng tre để chắn chia lô. 

Mục đích của việc chia lô là: Tôm thả đều cỡ, hạn chế tôm ăn thịt lẫn nhau; ít cạnh tranh thức ăn; dễ thu hoạch;

+ Xung quanh bờ ao nên dùng lưới rào tránh địch hại cho tôm (như chuột,…).

+ Nước lấy vào ao qua hệ thống lọc kỹ, tránh cá vào mương, có thể ăn tôm, hoặc cạnh tranh thức ăn tôm sau này.

+ Nước lấy vào 3-5 ngày mới được thả tôm nuôi.

2. Chọn tôm giống:

Bến Tre có 4 cửa giáp biển và sông ngòi rất nhiều. Nên có lượng tôm giống phong phú và quanh năm. Đây là điều kiện thuận lợi cho người nuôi. Tuy nhiên, do khâu vận chuyển và khâu bảo quản tôm giống tự nhiên chưa tốt, nên tôm khi thả nuôi bị xay xát nhiều, dẫn đến tỉ lệ sống thấp. Do đặc điểm tôm giống tự nhiên thường có kích cỡ lớn và không đều nhau.

+ Chọn lựa những con khỏe mạnh còn đầy đủ các phụ bộ để mua.

+ Cách vận chuyển: Dùng túi lưới buộc lại tránh tôm va chạm vào nhau, ít xay xát trong quá trình vận chuyển (không buộc quá chặt), sau đó cho vào xô hoặc thùng nhựa đã đổ nước và có thổi khí. Khi vận chuyển tôm đến nơi, để cho tôm nghĩ 15 phút, sau đó dùng Iodine nồng độ 200 ppm, thời gian tắm 3-5 phút, rồi mới thả tôm xuống mương.

+ Chọn những con tôm đồng cỡ thả theo từng lô hoặc từng mương.

+ Mật độ thả tối đa từ 1-2 con/m2.

3. Thức ăn và chăm sóc quản lý:

Chúng ta biết rằng sự tăng trọng của tôm càng xanh là thông qua quá trình lột xác. Muốn vậy thì khi nuôi tôm cần cung cấp dinh dưỡng đầy đủ để tạo vỏ mới và môi trường nuôi phải được đảm bảo.

-Các yếu tố môi trường:

+ pH: 7-8,5.

+Oxy: >3mg/lít.

+Các chất khí độc như NH3,H2S,… phải đảm bảo dưới mức cho phép.

- Thức ăn cho tôm có hai loại: thức ăn công nghiệp và thức ăn tự chế biến.

+ Thức ăn công nghiệp: chọn loại có nồng độ đạm lớn hơn 30%.

+ Thức ăn tự chế biến như ốc, cua, cá biển, còng,…

+ Ngày cho ăn 2 lần, buổi sáng từ 8giờ, chiều khoảng 17giờ.

Chú ý: Thức ăn tự chế biến phải còn tươi, khi cho ăn không được dư dễ làm dơ đáy ao, có thể cắt thành từng khúc vừa cỡ tôm để cho ăn.

Lượng thức ăn hàng ngày:

+ Thức ăn công nghiệp từ 3-5% trọng lượng thân.

+ Thức ăn tự chế biến: từ 5-7% trọng lượng thân.

Chú ý: Để tôm mau lột xác khi cho tôm ăn cần bổ sung thêm khoáng và vitamin, liều dùng 3-5g/kg thức ăn.

- Quản lý mương nuôi.

+ Hàng ngày kiểm tra màu nước, cống bọng lưới chắn, chú ý những ngày nước kém hoặc trời mưa lớn dùng vôi từ 1-2 kg/100m2 hòa với nước tạt xuống mương để ổn định pH giúp tôm chống sốc.

+ Kiểm tra lượng thức ăn hàng ngày để điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp.

+ Giảm lượng thức ăn khi tôm sắp lột và tăng lên khi tôm lột xác xong.

+ Kiểm tra đáy ao, nếu thấy đáy ao dơ có mùi hôi thì dùng vi sinh để xử lý, đồng thời kết hợp thay nước.

4. Thu hoạch:

Sau 4-5 tháng nuôi, tôm đạt kích cỡ > 100g thì tiến hành thu hoạch, những tôm chưa đạt kích cỡ thu hoạch thì thả lại tiếp tục nuôi.

Phương pháp thu hoạch: dùng lưới kéo hoặc chài.

Tiếp tục cải tạo mương và tiến hành thả vụ sau.


Có thể bạn quan tâm

Quản lý môi trường ao nuôi ban đêm tại Thái Lan - Phần 2 (Phần cuối)) Quản lý môi trường ao nuôi ban đêm tại Thái Lan - Phần 2 (Phần cuối))

Quản lý môi trường ao nuôi ban đêm tại Thái Lan - Phần 2 (Phần cuối))

01/04/2016
Xử lý bệnh EMS bằng các hợp chất polyphenol Xử lý bệnh EMS bằng các hợp chất polyphenol

Thuốc kháng sinh không phải cách lựa chọn tốt trong việc sử dụng xử lý bệnh chết sớm, vấn đề thuốc kháng sinh lưu tồn trong tôm.

01/04/2016
Các trường hợp bệnh đốm trắng trên tôm nuôi - Phần 1 Các trường hợp bệnh đốm trắng trên tôm nuôi - Phần 1

Vào giai đoạn giao mùa như hiện nay, tôm nuôi bắt đầu bước vào giai đoạn xuất hiện bệnh đốm trắng.

01/04/2016
Các trường hợp bệnh đốm trắng trên tôm nuôi - Phần 2 (Phần cuối) Các trường hợp bệnh đốm trắng trên tôm nuôi - Phần 2 (Phần cuối)

Các trường hợp bệnh đốm trắng trên tôm nuôi - Phần 2 (Phần cuối)

01/04/2016
Giải pháp kỹ thuật đối phó với hạn, mặn trong nuôi thủy sản - Phần 1 Giải pháp kỹ thuật đối phó với hạn, mặn trong nuôi thủy sản - Phần 1

Để giảm thiểu các tác động tiêu cực cho sản xuất, người nuôi cần thực hiện các giải pháp kỹ thuật như sau:

02/04/2016