Nuôi Tôm Càng Xanh Trong Ruộng Lúa – Luân Canh Nuôi Tôm Sú Cho Thu Nhập Cao Ở Cà Mau

Hiện nay phong trào nuôi tôm càng xanh xen canh trồng lúa đang phát triển mạnh tại xã Biển Bạch - huyện Thới Bình - tỉnh Cà Mau, bởi việc nuôi tôm càng xanh rủi ro ít hơn nuôi tôm sú, tiêu thụ sản phẩm dễ, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi.
Trước đây bà con nuôi tôm ở xã Biển Bạch chỉ nuôi được 1 vụ tôm sú và cấy 1 vụ lúa trong năm. Khi mùa mưa đến là bà con tập trung cho công tác rửa mặn, cải tạo đất để chuẩn bị trồng vụ lúa trên đất nuôi tôm. Trong khoảng thời gian sản xuất vụ lúa thì việc thả nuôi tôm sú không đạt kết quả cao, vì tôm sú không thích hợp phát triển trong môi trường nước ngọt. Một số người dân địa phương đã nuôi xen canh cá, cua với trồng lúa, nhưng hiệu quả không cao. Trong khi đó, một số hộ lại chọn hình thức nuôi tôm càng xanh xen lẫn với trồng lúa và đã cho kết quả rất tốt.
Nhận thấy nuôi tôm càng xanh cho lợi nhuận cao nên 2 năm nay, anh Lê Minh Tài ở ấp Trương Thoại, xã Biển Bạch, huyện Thới Bình chọn nuôi tôm càng xanh xen canh trong vụ lúa. Với diện tích 2 ha, anh đã đào ao xung quanh và mương giữa thửa đất tạo thành 6.000 m2 mặt nước. Phần đất còn lại anh trồng lúa (mặt trảng với diện tích 1 ha). Cách làm này giúp anh dễ cải tạo, sên vét vuông nuôi sau mỗi vụ tôm, giảm phèn đáng kể; đồng thời tạo sự thông thoáng, giúp tôm sinh trưởng tốt. Để xử lý ao nuôi cũng như khử khuẩn, phòng mầm bệnh, anh Tài rải vôi và phơi đất trong thời gian 5 ngày rồi mới thả tôm giống.
Năm 2012, anh thả 40.000 con giống tôm càng xanh. Hai tháng sau, khoảng đầu tháng 8 âm lịch, anh cấy lúa trên diện tích còn lại. Trong quá trình canh tác lúa, anh được cán bộ khuyến nông xã Biển Bạch hướng dẫn và áp dụng kỹ thuật IPM - phân bón, thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng đảm bảo an toàn cho tôm. Sự phối hợp giữa việc nuôi tôm càng xanh xen trong ruộng lúa đã mang lại hiệu quả rất lớn, lúa ít bị sâu bệnh hại, tôm càng xanh phát triển tốt, tỷ lệ sống cao, đồng thời giảm đáng kể chi phí thức ăn cho tôm. Hiện lúa đang trong giai đoạn làm đòng và ngậm sữa, hứa hẹn cho năng suất cao. Qua 4 tháng thả nuôi, tỷ lệ sống của tôm trong mô hình đạt trên 70%. Kích cỡ tôm hiện đạt khoảng 30 con/kg. Thức ăn chủ yếu của tôm càng xanh là cá phi mồi, thức ăn công nghiệp.
Vụ Mùa năm 2011, anh cũng thả 20.000 con tôm càng xanh giống, cuối vụ (sau gần 6 tháng nuôi), anh Tài thu hoạch được hơn 60 triệu đồng từ bán tôm càng xanh. Năm nay, anh Tài còn dự tính sẽ trồng thêm khoai mì (sắn) trên bờ để cho tôm ăn dặm thêm khi tôm lớn.
Anh Lê Minh Tài cho biết: “Mô hình này có thể nhân rộng được bởi tôm càng xanh rất dễ nuôi lại ít bị dịch bệnh. Tuy nhiên, giá con giống hơi cao (200 đồng/con) và rất khó khăn để chọn được con giống chất lượng. Người nuôi không khéo sẽ chọn phải giống tôm lóng (khi còn nhỏ, tôm lóng rất giống tôm càng xanh), nhưng khi nuôi thì tôm lóng chỉ đạt trọng lượng khoảng 1/2 con tôm càng xanh. Nuôi tôm càng xanh kết hợp với trồng lúa rất hiệu quả, bởi tôm sẽ lẩn tránh dưới gốc lúa khi lột xác, từ đó tỷ lệ hao hụt sẽ giảm”.
Hiện tại, xã Biển Bạch có hơn 40 hộ nuôi tôm càng xanh trong ao nuôi tôm sú với diện tích trên 50 ha. Ông Trang Duy Triết, Bí thư Đảng ủy xã Biển Bạch, cho biết: Chính quyền địa phương đang phát động người dân nuôi thêm vụ tôm càng xanh xen canh trong ruộng lúa để tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Chủ trương này đang được người dân nhiệt tình hưởng ứng. Tuy nhiên, lo lắng lớn nhất hiện nay là chất lượng con giống kém nên việc mở rộng sản xuất cũng gặp không ít khó khăn”.
Việc luân canh một vụ tôm sú, một vụ tôm càng xanh xen trồng lúa là một thành công trong quá trình chinh phục đồng ruộng. Bà con nông dân trong khu vực có thể áp dụng mô hình này vào canh tác để tăng hiệu quả kinh tế cho gia đình.
Có thể bạn quan tâm

Đây là địa phương có truyền thống sản xuất rau, củ, quả quanh năm với diện tích và quy mô lớn. Với kinh nghiệm trồng rau hàng hóa, nông dân Hoằng Hợp đã đạt hệ số quay vòng đất bình quân 3,5 lứa/năm, nhiều gia đình đã gieo trồng tới 4 đến 6 lứa rau/năm. Theo tính toán, một năm, mỗi ha đất vùng chuyên canh rau cho tổng thu nhập bình quân từ 150 đến 160 triệu đồng.

Dự án có quy mô 450 m3 bể nuôi với 2.000 con giống, thả làm 2 đợt. Tổng kinh phí thực hiện hơn 1,2 tỷ đồng (gồm mua con giống, thức ăn, thiết bị máy móc, hỗ trợ công nghệ). Dự kiến sau thời gian 1 đến 2 năm nuôi sẽ bắt đầu cho thu hoạch, trọng lượng bình quân đạt từ 1,5 đến 2 kg/con.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đề xuất bổ sung ngành điện tử - tin học thuộc nhóm ngành công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển thay vì trước đây chỉ có 5 ngành là dệt may; da giày; sản xuất lắp ráp ôtô; cơ khí chế tạo; các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao.

Ngày 21/11, bà Nguyễn Thị Ánh Hồng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam (VITAS) cho biết, việc xuất khẩu chè của Việt Nam sang Đài Loan, Trung Quốc vẫn không bị ảnh hưởng nhiều sau tin đồn thất thiệt chè Việt Nam nhiễm dioxin.

Ngoài ra, ông Tuyến còn nuôi thêm cá thát lát cườm, cá sặc rằn bằng thức ăn công nghiệp. Hiện, cá thát lát cườm thương phẩm giá từ 59.000 - 62.000 đ/kg, cá sặc rằn loại 6 con/kg giá 65.000 đ/kg, mỗi đợt thu hoạch ông bán ra thị trường hàng chục tấn sản phẩm.