Trang chủ / Tin tức / Tin thủy sản

Nuôi thủy sản theo hướng VietGAP và câu trả lời từ thực tế

Nuôi thủy sản theo hướng VietGAP và câu trả lời từ thực tế
Tác giả: Thanh Huyền
Ngày đăng: 20/12/2019

Khi hai nông dân đầu tiên của mô hình là ông Nguyễn Duy Hùng và Nguyễn Văn Lâm lên bục của hội trường xã Trung Tú, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội nhận giấy chứng nhận VietGAP về thủy sản, một hướng đi mới, an toàn, bền vững hơn được mở ra…

Quăng chài kiểm tra cá.

Tiềm năng còn bỏ ngỏ

Tính đến nay, diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản của Hà Nội là 23.400 ha, sản lượng đạt 78.482 tấn/năm với phương thức nuôi dần thay đổi sang bán thâm canh và thâm canh.

Tuy nhiên, ở các vùng nuôi vẫn còn xảy ra sự lạm dụng thuốc kháng sinh và hóa chất trong phòng trị bệnh và cải tạo môi trường dẫn đến sự kháng thuốc đối với các động vật nuôi và tồn dư thuốc trong các sản phẩm thủy sản, gây suy giảm môi trường nuôi, ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

VietGAP chính là một lối đi mới với những ưu điểm như: chú trọng xử lý môi trường, phòng bệnh bằng các chế phẩm sinh học, hạn chế việc sử dụng thuốc và hóa chất, ghi chép quá trình sản xuất để có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Chính vì thế, năm 2019, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã xây dựng mô hình nuôi thủy sản theo hướng Vietgap với quy mô 25 ha trên 5 huyện: Ứng Hòa, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Ba Vì, Phú Xuyên.

Bởi cần trình độ khá, cần điều kiện tương đối sạch nên không phải ai, nơi nào cũng có thể nuôi thủy sản theo VietGAP được. Các tiêu chí cơ bản được đưa ra để lựa chọn các hộ tham gia là:

- Các hộ tự nguyện tham gia, có nguyện vọng áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và giúp đỡ các hộ khác.

- Cam kết thực hiện tốt qui định của việc xây dựng mô hình, các hoạt động phục vụ cho việc nhân rộng mô hình và nghiêm túc tiếp thu các tiến bộ khoa học kỹ thuật được chuyển giao.

- Cơ sở nuôi phải nằm trong vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản của địa phương và được xây dựng ở những nơi không bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm.

- Cơ sở nuôi phải có quyền sử dụng đất/mặt nước để nuôi trồng thủy sản theo quy định hiện hành.

- Không có chất thải, nước thải trong chăn nuôi và sinh hoạt thải xuống ao nuôi, không chăn thả gia súc, gia cầm trong cùng diện tích nuôi thủy sản.

- Diện tích ao nuôi từ 0,5 ha trở lên, mực nước ao 1,5 – 2m, có bờ bao chắc chắn.

- Có nguồn nước sạch đáp ứng yêu cầu nuôi trồng thủy sản, nguồn điện ổn định, giao thông thuận tiện và tách biệt với khu vực dân cư, xa các nhà máy công nghiệp, hóa chất và chế biến thực phẩm…

Máy cho ăn tự động.

Kết quả, đã chọn được 24 hộ/6 xã tham gia mô hình với quy mô 25 ha tại các huyện Phú Xuyên (05 ha), Ứng Hòa (05 ha), Chương Mỹ (05 ha), Ba Vì (05 ha), Mỹ Đức (05 ha).

Từ cuối tháng 4, các hộ tham gia mô hình đã được Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cấp cá chép giống V1 số lượng: 375.000 con/25 ha (trong đó hỗ trợ 50%, các hộ đối ứng 50%). Được nhận hỗ trợ 50% chế phẩm sinh học (1.600 kg/25 ha) Aqua clear – S dùng để xử lý môi trường định kỳ trong ao nuôi. Ngoài ra, các hộ còn được hỗ trợ 50% thức ăn (216.000 kg).  

Hạch toán chi tiết

Việc xử lý môi trường nước định kỳ nhằm phân hủy các chất cặn bã, thức ăn dư thừa và chất thải của cá, tránh hiện tượng tăng khí độc đột ngột do quá trình phân hủy gây ra làm ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của cá.

Chính vì thế nên các yếu tố môi trường nước vẫn được duy trì ở ngưỡng phù hợp với sự sinh trưởng và phát triển của cá. Chỉ số pH luôn được duy trì từ 7,5-9,5 không làm cá bị mất nhớt, phù hợp với hoạt động của cá; hàm lượng oxy hòa tan đạt trên 3 mg/l đảm bảo cá hoạt động tốt, không bị nổi đầu; hàm lượng khí độc NH3 – NH4 và NO2 luôn ở dưới ngưỡng gây độc nên trong suốt quá trình nuôi cá không xảy ra dịch bệnh, khỏe mạnh và tăng trưởng tốt.

Người nuôi không sử dụng các hóa chất, chất cấm trong việc xử lý môi trường và cho cá ăn nên chất lượng cá đảm bảo an toàn với người tiêu dùng. Bên cạnh đó, các hộ đã kịp thời bổ sung các loại vitamin C, men tiêu hóa cho cá ăn tăng cường sức đề kháng và giúp cá hấp thu thức ăn tốt, kiểm soát lượng thức ăn, giảm hệ số tiêu tốn thức ăn, từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nuôi.

Mặc dù thời tiết nắng nóng kéo dài, có nhiều đợt mưa lớn gây ảnh hưởng đến quá trình tăng trưởng của cá nhưng nhờ có cán bộ kỹ thuật đã hướng dẫn kịp thời nên cá sinh trưởng phát triển tốt, đạt khối lượng bình quân 1,19 kg/con, tỷ lệ sống đạt 80,3%, cho năng suất trên 14 tấn/ha. Ước tính đến khi thu hoạch cá đạt trung bình 1,5 kg/con, cho năng suất trên 18 tấn/ha, lãi trên 80 triệu/ha, cao hơn 15% so với nuôi ao thông thường.

Mô hình đã góp phần nâng cao ý thức quản lý môi trường nước, phòng và trị bệnh trong quá trình nuôi bằng các chế phẩm sinh học giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo vùng nuôi bền vững, nhằm tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng.

Mô hình là nơi để các hộ nông dân, chủ trang trại trong vùng cũng như các tỉnh bạn đến thăm quan, học tập và trao đổi kinh nghiệm, từ đó nâng cao nhận thức cho người nuôi về việc sản xuất sản phẩm an toàn.

Ông Nguyễn Duy Hùng tâm sự: “Năng suất thủy sản bình quân của xã mới chỉ đạt 8-10 tấn/ha/vụ, cho lãi trung bình 40-50 triệu đồng. Tuy nhiên, môi trường nước càng ô nhiễm, thời tiết diễn biến phức tạp, cá nuôi xuất hiện bệnh khó kiểm soát thậm chí gây chết hàng loạt, giá cả bấp bênh nên các hộ nuôi bị thiệt hại lớn về kinh tế. Người dân chúng tôi cũng trăn trở tìm các cách để nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm thiểu tác hại đến môi trường nuôi và tạo ra sản phẩm an toàn cho mọi người để xây dựng vùng nuôi bền vững".

Ông Hùng cười tươi bên thành quả sau khi áp dụng VietGAP.

Tham gia mô hình khuyến nông, ông Hùng sử dụng chế phẩm sinh học xử lý môi trường và ủ men tỏi cho cá ăn định kỳ suốt thời gian nuôi nên cá lớn nhanh, đều con, ăn khỏe, tiêu tốn ít thức ăn hơn so với hình thức nuôi trước đây, không cần dùng kháng sinh để phòng, trị bệnh nữa. Ao nuôi ít xuất hiện tảo lam, màu nước đẹp, cá không có hiện tượng nổi đầu dù có bị trở thời. Không xảy ra dịch bệnh nên giảm được tiền mua thuốc, chất lượng thịt tốt hơn. Điều này đã làm thay đổi cách nuôi rất nhiều bởi trước đây ông cứ nghĩ áp dụng các tiêu chí của VietGAP gây tốn kém mà cá lại chậm lớn.

STT Thời gian nuôi Khối lượng (Kg/con)
Hộ ông Hùng Hộ nuôi thông thường
1 Khi thả giống 0.006 0.006
2 Tháng thứ 1 0.25 0.15
3 Tháng thứ 2 0.55 0.35
4 Tháng thứ 3 0.95 0.65
5 Tháng thứ 4 1.2 0.88
6 Tháng thứ 5 1.75 1.1
7 Tháng thứ 6 2.2 1.45
Tăng trưởng trung bình hàng tháng 0.37 0.24

Có thể bạn quan tâm

Cá lồng nuôi tiếp tục chết, dân mất trắng hàng tỷ đồng Cá lồng nuôi tiếp tục chết, dân mất trắng hàng tỷ đồng

Hôm nay (15.7), cá nuôi lồng trên Phá Tam Giang của các hộ dân ở gần khu vực cửa biển thuộc xã Hải Dương, thị xã Hương Trà (Thừa Thiên- Huế) vẫn tiếp tục chết khiến nhiều hộ nuôi trắng tay.

18/07/2016
Nuôi tôm ngày càng khó thành công Nuôi tôm ngày càng khó thành công

Theo đánh giá của người dân nhiều địa phương vùng ĐBSCL, nuôi tôm ngày càng khó thành công. Năng suất tôm vài năm qua giảm, có vụ mất trắng.

18/07/2016
Cá chết do nước thiếu ôxi trầm trọng Cá chết do nước thiếu ôxi trầm trọng

Chỉ trong vòng hai ngày, tại xã Hải Dương (TX Hương Trà, tỉnh Thừa thiên Huế) có hơn 10 tấn cá nuôi lồng bị chết, ước thiệt hại hơn 1,5 tỷ đồng.

18/07/2016
Kiên Giang tháo gỡ khó khăn cho các doanh nhiệp nuôi tôm công nghiệp Kiên Giang tháo gỡ khó khăn cho các doanh nhiệp nuôi tôm công nghiệp

Ngày 13/7, Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang đã tổ chức buổi làm việc với các doanh nghiệp nuôi tôm công nghiệp có quy mô lớn trên địa bàn tỉnh để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong hoạt động. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Vũ Hồng chủ trì buổi làm việc. Cùng tham dự có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Anh Nhịn và lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

18/07/2016
Phú Thiện (Gia Lai) chú trọng phát triển nuôi trồng thủy sản Phú Thiện (Gia Lai) chú trọng phát triển nuôi trồng thủy sản

Công trình thủy lợi Ayun Hạ không chỉ góp phần cung cấp nước tưới cho hơn 6.000 ha lúa nước 2 vụ mà còn là điều kiện hết sức thuận lợi để huyện Phú Thiện (Gia Lai) phát triển nuôi trồng thủy sản, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

18/07/2016