Nuôi Thủy Sản Ở Gò Găng Có Ăn, Nhưng Còn Bấp Bênh
200/223 hộ dân ở thôn Gò Găng, xã Long Sơn (TP.Vũng Tàu) sống bằng nghề nuôi trồng thủy sản trên sông Chà Và. Những bè cá bồng bềnh trên sông nước, những cọc hàu cắm sâu vào lòng sông đã và đang đem lại cho người dân nơi đây cơ hội kiếm sống, nuôi con ăn học, xây nhà…
Khoanh mặt nước nuôi hàu
Sáng sớm, anh Nguyễn Văn Nhàn dùng chiếc ghe te đi từ bến Ăn Thịt chở mấy bó tre ra sông Chà Và. Anh Nhàn giải thích, tre này dùng để cắm xung quanh khu vực thả cọc nuôi hàu. Nước ròng, cọc bày ra lô nhô còn nhận biết “chướng ngại vật”. Chứ khi triều cường thì mênh mông biển nước, không ngăn chắn thì ghe đi trên sông dễ càn qua lắm.
Nhà anh Nhàn nuôi hàu với gần 3ha mặt nước. Mùa thuận là tháng 3 và tháng 6 âm lịch, anh xuống cọc, để hàu tự bám vào. Nói là cọc nhưng thực ra giá thành đúc cọc xi măng khá lớn, nên hầu hết người dân ở đây dùng tôn để thay cọc. Cứ mỗi tấm tôn phi brô xi măng 0,8m x 1,6mcắt ra làm 8 miếng, chờ nước ròng đi ghe ra cắm sâu xuống 20cm, cách nhau 30 - 40cm, thành hàng dài tắp. Để tiết kiệm hơn nữa, nhiều nhà còn rửa sạch vỏ hàu, đục lỗ cột vào dây thừng se lại cho chắc, thành từng dây dài chừng 80cm, cột vào bè gỗ, thả xuống nước. Vậy mà hàu cũng bám.
Mỗi dây bám được chừng 7 - 8 con hàu là thành công. Tất nhiên, cọc đắt hơn tôn, tôn đắt hơn dây thừng nên độ bám của hàu vào cọc tốt hơn tôn hoặc dây và việc chăm sóc hàu khi đang phát triển trên dây khó hơn trên tôn và trên cọc. “Ít tiền thì phải nhiều công. Cứ nước ròng là anh em bơi ghe ra kiểm tra, dựng, cột lại giàn tôn, dây cho chắc. Gỡ bỏ bớt rong rêu để hàu có chỗ bám và bám chắc mới có ăn. Trời thương đừng cho mưa nắng thất thường, nước sông ô nhiễm thì cực mấy cũng làm được” – anh Nhàn nói.
Vợ chồng anh Võ Thành Lâm, chị Phùng Thị Kiều thì tậu hẳn mấy cái bè vừa nuôi hàu vừa nuôi cá trên sông Chà Và. Trên bè có cái nhà con con để núp mưa, trốn nắng, nghỉ trưa và ngủ canh bè về ban đêm. Anh Lâm hiện có 9 bè hàu, 2 bè cá, 600 cọc, 500 miếng tôn nuôi hàu cắm bãi. Ngày nào anh chị cũng dậy từ sáng sớm để cho cá ăn, làm vệ sinh từng dây hàu, kiểm tra sửa lại các trụ cột yếu thường bị nghiêng theo chiều nước chảy.
Bè cá thì cũng phải thường xuyên cạo bỏ rong bám phía dưới dàn lưới vây quanh bè. Lúc rảnh thì cột lại dây, đóng lại cọc bè cho vững. Tới đợt thu hoạch cũng chỉ hai vợ chồng cùng làm, không phải thuê mướn lao thêm lao động. “Tiện một chỗ là mình thu hoạch thì có vựa cho ghe tới cân liền. Vì con hàu của Long Sơn rất ngon, ngọt, chắc thịt, du khách rất thích. Bán lúc nào, bao nhiêu tạ cũng có người mua” – anh Lâm nói.
Hàu là “con thoát nghèo”
Anh Nguyễn Văn Nhàn tận dụng vỏ hàu và dây thừng làm dây nuôi hàu thay cho việc đóng cọc xuống lòng sông. Ảnh: Đỗ Hoàng
Đơn cử như gia đình anh Nguyễn Trung Tâm trước đây thuộc diện hộ nghèo. Hai năm 2006 - 2007, gia đình anh được vay 2 đợt, mỗi đợt 15 triệu đồng làm vốn nuôi hàu. Ban đầu anh chịu khó cặm tre, thả dây. Mỗi năm có được tiền bán hàu, anh dồn tiền mua xi măng, gạch cát đúc cọc nên độ bám của hàu dày hơn, chắc hơn và sản lượng thu hoạch cũng cao hơn. Năm 2008, gia đình anh Tâm được công nhận thoát nghèo. Anh xây lại nhà, tuy nhà cấp 4 thôi nhưng sạch sẽ, khang trang.
Có tiền, anh thuê nhà trọ cho con trai, cháu Nguyễn Trung Hiếu để học ở trường THPT Trần Hưng Đạo (huyện Tân Thành). Năm nay Hiếu dự thi ngành Cơ khí, trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh. Hiện giờ, anh Tâm gầy dựng được 300 cọc nuôi hàu. Thu hoạch năm 2012 chỉ tính riêng con hàu là 200 triệu đồng.
“Tui nằm mơ cũng không thấy tiền triệu mà bây giờ có tới vài trăm triệu đồng/năm, thiệt là ngoài tưởng tượng. Tui nghĩ, nếu thời tiết thuận lợi, nguồn nước trong lành, thêm mình chịu khó làm ăn thì không chỉ vượt nghèo mà còn khấm khá lên nữa” – anh Tâm nói.
Gia đình anh Nguyễn Phương Thảo cũng cắm tôn nuôi hàu trên diện tích 2ha và làm ao gần 1ha vây lưới nuôi tôm sú, tôm tít lấy giống từ thiên nhiên. Tôm vài ngày lưới một mẻ bán chợ, chi tiêu hàng ngày. Còn hàu thì cứ 12 tháng thu hoạch 1 đợt, anh để trọn số tiền đó mua tôn, xi măng, gầy dựng thêm dàn cọc nuôi hàu.
Con gái anh, Nguyễn Phượng Cầm cũng vừa tốt nghiệp THPT. Anh Thảo nói: “Con Cầm nhà tui học khá thôi, nhưng tui cũng cố dành tiền cho nó học cho có cái nghề với người ta. Năm nay cháu nó thi Cao đẳng Sư phạm của tỉnh. Nó mà đậu được là gì tui cũng cho.
Nói thiệt là ao ước của tui là có con làm cô giáo, để ít nữa nó về dạy học ở Gò Găng này, cho con em ở đây đỡ phải đi học xa. Nhà nghèo mà phải đi học xa là thất học như chơi. Gò Găng muốn giàu lên không khó, nhưng muốn con cái học lên tới cấp III là khó lắm”.
Anh Lâm, chị Kiều thì vừa mới xây ngôi nhà khang trang 105m2. Chị Kiều nói: “Hồi cưới nhau, ảnh chỉ có cái nhà lá với mấy tay lưới ghẹ. Khổ cực mưa nắng với cái nghề nuôi cá trên khúc sông Chà Và này riết thì em cũng xây được cái nhà hết 200 triệu đồng.
Má ảnh cho mượn được 40 triệu, kỳ này em bán đợt hàu nữa là trả hết cho má. Vợ làm, chồng làm, hổng ăn chơi phung phí gì, chỉ gom tiền nuôi con, xây nhà được là em mừng lắm rồi. Bây giờ làm ăn khó, tụi em cứ ráng bám sông nước mà sống”.
ÔNG NGUYỄN VĂN TRINH, TRƯỞNG THÔN GÒ GĂNG, CHỦ NHIỆM HTX NUÔI TRỒNG THỦY SẢN HIỆP THÀNH:
Đầu tư quy mô thì chắc chắn thu lợi sẽ cao hơn
Theo quy hoạch chung thì Gò Găng được bố trí là vùng nuôi trồng thủy sản, kéo dài chừng 10km, từ sông Chà Và vô Mũi Dụi qua tới cầu Long Sơn. Diện tích mặt nước khoảng 700ha. Tới bây giờ, chủ yếu là người dân tự vây chiếm mặt nước và nuôi hàu, nuôi cá bè tự do theo chủ ý của mình chớ chưa có sự hướng dẫn, đầu tư theo quy hoạch chính thức của nhà nước. Dòng nước ở đây rất thuận lợi cho phát triển con hàu, cá bớp, cá hường, cá mú…
Và bà con nhờ đó mà khấm khá hẳn lên. Nhưng nó cũng có cái dở là, tuy con hàu, con cá phát triển tốt, nhưng lại cũng hay xảy ra dịch bệnh. Nhất là khi nước xả thải từ các nhà máy chế biến hải sản bên Tân Hải (huyện Tân Thành) không thực hiện đúng quy trình xử lý nước xả thải, cá, hàu chết hàng loạt. Mỗi lần như vậy có hộ mất trắng cả trăm triệu đồng.
Hơn nữa, do người dân không có vốn, việc đầu tư thiết bị: bè, cọc và việc khoanh vùng bảo vệ, xử lý vệ sinh khu nuôi trồng thủy sản cũng tạm bợ, tùy tiện. Thu hoạch vì vậy rất bấp bênh. Nhà nước nên có kế hoạch quy định vùng mặt nước được nuôi trồng chứ không phải chỗ nào tiện là nuôi với mật độ dày đặc.
Rồi cũng nên hỗ trợ tiền vốn, tập huấn kỹ thuật cho dân và tổ chức cho bà con nuôi trồng theo tiêu chuẩn, bảo đảm vệ sinh môi trường thì chắc chắn nguồn thu từ nghề nuôi trồng thủy sản ở Gò Găng đạt kết quả cao hơn và ổn định hơn rất nhiều.
Có thể bạn quan tâm
Để chủ động về giá cả và giảm thiểu chi phí, tăng lợi nhuận, các DN chế biến và ngư dân đánh bắt thủy sản cần xây dựng và quản trị chuỗi cung ứng hiệu quả. Nếu làm được điều đó, DN sẽ đáp ứng tốt nhu cầu của khách hàng về chất lượng sản phẩm, chủng loại và nguồn gốc; ngư dân cung cấp sản phẩm nguyên liệu chất lượng, qua đó sẽ phân phối lợi nhuận công bằng hơn cho các bên tham gia chuỗi cung ứng.
Ngày 22- 4, hệ thống siêu thị Co opMart và BigC đã vào cuộc thu mua hành tím cho bà con nông dân. Một doanh nghiệp sản xuất mì gói cũng đã liên hệ với chính quyền địa phương đặt vấn đề tiêu thụ hành tím - một tín hiệu đáng mừng ban đầu của hành trình “giải cứu” hành tím.
Toàn huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) có hơn 40ha trồng sen. Hiện nay nông dân trong huyện bắt đầu thu hoạch rộ. Tuy nhiên, càng vào chính vụ sen càng rớt giá so với cách đây gần 1 tháng. Ông Nguyễn Văn Hải ở ấp 6, xã Tân Hội Trung có hơn 3 công sen.
Bây giờ là thời điểm nông dân trong tỉnh Quảng Ngãi rộn ràng thu hoạch lúa đông xuân. Lúa được mùa mang niềm vui đến những cánh đồng. Và vụ lúa mới lại sắp bắt đầu với bao nỗi lo không hề nhỏ…
Nhờ biết luân canh cây trồng nên gia đình ông Đỗ Thế Năng (thôn Cẩm Sơn, xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa) có thu nhập bình quân 200 triệu đồng/năm.