Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nuôi Sò Huyết Xen Canh Khẳng Định Hiệu Quả

Nuôi Sò Huyết Xen Canh Khẳng Định Hiệu Quả
Ngày đăng: 21/09/2013

Thời gian qua, người dân Đầm Dơi (Cà Mau) khốn đốn mỗi khi tôm nuôi bị dịch bệnh. Nhưng nay họ đã tìm được mô hình nuôi ổn định, mang tính bền vững, đó là mô hình nuôi sò huyết thương phẩm xen canh với cua, tôm. Nhiều hộ nông dân ở xã Quách Phẩm khá lên từ mô hình này.

Sau nhiều năm nuôi tôm, cua kết hợp, cuộc sống gia đình anh Bùi Văn Dũng, ở ấp Ngã Oát, xã Quách Phẩm, thu nhập chỉ tạm đủ nuôi sống gia đình. Năm 2009, anh bắt đầu nuôi thử nghiệm mô hình tôm, cua, sò huyết kết hợp, bước đầu cho hiệu quả.

Từ đó đến nay, với diện tích 1,5 ha, mỗi năm anh Dũng thả nuôi từ 1,3-1,5 tấn sò huyết giống, giá dao động từ 70.000-100.000 đồng/kg, thời gian nuôi từ 6-8 tháng. Mỗi năm anh thu hoạch gần 5 tấn sò huyết thương phẩm, thương lái đến tận nhà mua với giá từ 60.000-80.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, gia đình có thu nhập hơn 100 triệu đồng.

Bình quân mỗi năm từ mô hình nuôi tôm - cua - sò huyết, gia đình anh Dũng thu nhập hơn 400 triệu đồng. Riêng năm 2013, gia đình anh thả nuôi hơn 1,3 tấn sò giống, đến nay đã được gần 5 tháng. Sò đạt trọng lượng khoảng 100 con/kg, hứa hẹn một vụ mùa bội thu.

Anh Dũng cho biết: "Nuôi sò huyết ít xảy ra dịch bệnh và khi có dịch thì hộ nuôi vẫn lấy được vốn và có lãi bởi dịch bệnh thường xảy ra ở giai đoạn sò đã lớn từ 4-5 tháng tuổi. Để hạn chế dịch bệnh, người nuôi nên thả thưa và cũng để sò huyết mau lớn”.

Từ kết quả mô hình nuôi sò huyết thương phẩm của anh Dũng, đến nay ấp Ngã Oát có 100/218 hộ tham gia nuôi sò huyết thương phẩm xen canh với tôm, cua. Trong đó có 45 hộ thực hiện nuôi xen canh với diện tích từ 1 ha trở lên.

Gia đình anh Lâm Thanh Nguyên là hộ nghèo ở ấp Bào Hầm, xã Quách Phẩm. Khi lập gia đình, cha mẹ cho được 2 công đất để sản xuất. Năm 2012, anh thả 15 kg sò huyết giống, sau 10 tháng nuôi, anh thu hoạch 60 kg sò huyết thương phẩm, thu lãi hơn 5 triệu đồng.

Năm 2013, anh tiếp tục thả 50 kg sò huyết giống, hiện nay sò đang phát triển tốt. Dự kiến sau 8 tháng sẽ cho thu hoạch 200 kg sò thương phẩm, thu nhập hơn 15 triệu đồng. Kết hợp với nguồn thu từ tôm, cua, mỗi năm gia đình có thu nhập hơn 50 triệu đồng. Năm 2013 anh Nguyên đã làm đơn tình nguyện xin thoát nghèo.

Đến nay, toàn xã Quách Phẩm có hơn 400 hộ nuôi sò huyết thương phẩm xen canh tôm, cua kết hợp. Để duy trì và phát triển mô hình này, tháng 4/2013, Hội Nông dân Đầm Dơi thành lập 2 tổ hợp tác nuôi sò huyết thương phẩm.

Vụ mùa năm 2013, 2 tổ hợp tác này đã thả hơn 3,5 tấn sò giống. Năm 2013, từ nguồn vốn hỗ trợ nông dân của Hội Nông dân tỉnh, 2 tổ hợp tác này được đầu tư hơn 300 triệu đồng, bình quân mỗi hộ vay từ 10-20 triệu đồng để mua sò giống.

Theo tính toán của người dân, bình quân thả 1 tấn sò huyết giống sau 6-8 tháng cho thu hoạch 10 tấn sò thương phẩm, sau khi trừ chi phí người dân sẽ thu lãi hơn 600 triệu đồng.

Kỹ sư Lê Thanh Đăng, cán bộ kỹ thuật Phòng NN&PTNT Đầm Dơi, cho biết: “Đây là mô hình cho hiệu quả đem lại giá trị kinh tế cao. Bởi khi nuôi xen canh, sò có tính năng lọc các chất bùn bã hữu cơ dưới đáy ao, nhằm cải thiện môi trường giúp cho các loài thuỷ sản như tôm, cua phát triển”.

Trước đây bà con ở xã Quách Phẩm nuôi sò huyết chỉ thu gom nguồn con giống tự nhiên, nhưng hiện nay nguồn giống này không ổn định. Và anh Lâm Thanh Điền, ấp Bào Hầm đã ươm vèo thành công con giống từ sò cám lên sò giống tại địa phương.

Sau khi mua sò giống ở Cái Đôi Vàm về vèo trong vuông tôm khoảng 5-6 tháng, sò khoảng 2.000 con/kg, bán với giá 100.000 đồng/kg.

Do sò được thuần dưỡng tại địa phương, phù hợp với nguồn nước, chất lượng con giống bảo đảm, sò nuôi lớn nhanh, vừa giảm chi phí cho bà con. Vì thế, từ đầu năm 2013 đến nay, gia đình anh đã cung cấp hơn 6 tấn sò giống cho bà con trong vùng.

“Thời gian tới, Hội Nông dân huyện sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này, điều tra những hộ nghèo, cận nghèo ít đất, tổ chức đi tham quan mô hình, rút kinh nghiệm để vận dụng cho từng gia đình”, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đầm Dơi Nguyễn Hoàng Em cho biết.


Có thể bạn quan tâm

Hướng Đi Mới Cho Người Trồng Rau An Toàn Vietgap? Hướng Đi Mới Cho Người Trồng Rau An Toàn Vietgap?

Rau không trồng trên đất, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học, được tưới bằng hệ thống bơm nước mạch ngầm đạt tiêu chuẩn. Đó là mô hình trồng rau ăn lá theo phương pháp thủy canh hồi lưu của gia đình anh Hoàng Phú Hội ở thôn Bình Điền, xã Bình Sơn (Bù Gia Mập - Bình Phước). Tuy sản phẩm được đánh giá cao nhưng vẫn còn không ít băn khoăn của người trong nghề - đây có phải là hướng đi mới cho việc trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn Vietgap?

04/11/2013
Nuôi Gà Đông Tảo Lai Nuôi Gà Đông Tảo Lai

Khác với những loại gà phổ thông, trên thị trường cao cấp ở phía Bắc hiện nay có hai giống gà thịt rất đắt là gà Hồ (Bắc Ninh) và Đông Tảo (Hưng Yên). Gà Hồ khả năng sinh sản kém, tốc tăng trưởng chậm (nuôi 1 - 1,5 năm khi nặng tới 4 - 5 kg giết mổ mới đạt tiêu chuẩn), giá bán mỗi kg 300.000 - 400.000đ mà cũng phải đặt trước cả tháng.

26/04/2013
Thử Nghiệm Trồng Nấm Cao Cấp Kim Châm, Ngọc Châm Thử Nghiệm Trồng Nấm Cao Cấp Kim Châm, Ngọc Châm

Đơn vị chủ trì thuộc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ (thuộc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre) vừa tổ chức hội thảo sơ kết đề tài “Nghiên cứu nhân giống và nuôi trồng thí nghiệm nấm cao cấp kim châm, ngọc châm trên cơ chất bã mía và bã mía phối trộn”.

04/11/2013
Trên 3.000 Tấn Ngao Trắng Bến Tre Chưa Có “Đầu Ra”, Nông Dân Lo Lắng Ở Nga Sơn (Thanh Hóa): Trên 3.000 Tấn Ngao Trắng Bến Tre Chưa Có “Đầu Ra”, Nông Dân Lo Lắng Ở Nga Sơn (Thanh Hóa):

Trung tuần tháng 4-2013, chúng tôi có mặt tại vùng bãi bồi ven biển huyện Nga Sơn, anh Trần Văn Đạo, xóm 5, xã Nga Liên (chủ đồng ngao 30 ha) và nhiều nông dân nuôi ngao trong vùng, cho biết: hiện nay đang vào mùa thu hoạch ngao thương phẩm, thời điểm này các năm trước giá ngao đạt từ 23 đến 25.000 đồng/1 kg, nay giảm xuống còn 11.000 đồng/1kg (tại bãi).

27/04/2013
Nhiều Hộ Thu Thập 70 - 300 Triệu Đồng/năm Từ Trồng Thanh Long Nhiều Hộ Thu Thập 70 - 300 Triệu Đồng/năm Từ Trồng Thanh Long

Trong năm 2013, huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) phát triển mô hình trồng cây thanh long tập trung chủ yếu ở 2 xã: Minh Thanh, Thái Học, với 39 hộ tham gia, trên diện tích 7,68 ha.

04/11/2013