Nuôi rạm trong ruộng lúa
Rạm là loài giáp xác đặc trưng của vùng nước lợ. Rạm cùng loài với cua nhưng nhỏ hơn cua đồng, vỏ mỏng hơn, mình dẹp và tính “hiền” hơn cua đồng. Rạm có giá trị dinh dưỡng cao, được người sành ăn ưa chuộng hơn cua đồng vì nhiều gạch, thịt ngọt và béo, vỏ lại mềm.
Ông Lâu kể, trước đây vùng cửa sông này rạm nhiều vô kể. Rạm đồng thường ra các khu rừng sú vẹt để sinh đẻ. Đến khi những chú rạm con to bằng đầu que diêm (dân gian gọi là con cốm) thì cốm lại vào đồng, tìm ruộng vừa gặt còn nguyên gốc rạ để chui vào ống rạ sống.
Cứ đến mùa sinh sản, nhất là khoảng ngày rằm, mồng một tháng 4, tháng 5 âm lịch, rạm cặp đôi, kết thành bè, rủ nhau ra cửa sông. Vào những dịp ấy, với những chiếc lờ, đó, vợt, có ngày gia đình ông bắt được hàng tấn rạm trưởng thành. Rồi rạm ít dần vì người đồng ruộng ngày càng nhiều thuốc trừ sâu.
Ruộng lúa, nơi lý tưởng nuôi rạm
Với kinh nghiệm của một lão nông suốt đời gắn bó với vùng cửa sông nước lợ này, ông Lâu bắt đầu mua cốm (rạm con) về nuôi trong ruộng lúa.
Các ruộng nuôi được bố trí thành một dải dài bên ngoài đê, áp sông Văn Úc, thuận lợi cho việc cung cấp nước trong quá trình nuôi. Hằng năm, trên diện tích này, gia đình ông Lâu luân phiên một vụ cấy lúa, một vụ nuôi rạm.
Sau khi gặt, gốc rạ sẽ trở thành chỗ trú lý tưởng cho rạm sinh sống và tránh nguy hiểm. Bởi quá trình sinh trưởng của rạm phải trải qua 4 - 5 lần lột vỏ, khi lột, con rạm mềm và thơm trở thành mồi ngon cho các loại cá dữ.
Ông chỉ chọn duy nhất giống lúa nếp Thái Bình. Giống này thân to, sinh trưởng khỏe, cứng cây. Vì thế, sau mùa gặt, gốc rạ sẽ là chỗ trú tốt cho rạm.
Sau vụ gặt, ông bắt đầu cải tạo ruộng, chuẩn bị ao nuôi. Trước hết, ruộng được bơm cạn nước, rắc vôi bột với liều lượng 7 -10 kg/100 m2. Vôi rải khắp khu vực ương rạm và xung quanh bờ. Chất đáy ao là bùn pha cát dày 15 - 20 cm, không bị chua phèn. Phơi đáy ao từ 3 - 4 ngày rồi lấy nước vào ruộng qua lưới lọc nhằm hạn chế cá tạp, cá dữ vào khu vực nuôi. Sau đó bón phân gây màu nước liều lượng 30 - 40 kg/100m2, phân chuồng được ủ mục và rải đều khắp đáy ao.
Độ sâu mực nước trong ao duy trì từ 0,5 - 1,5 m. Ông Lâu chia sẻ: “Ao nuôi rạm vừa cần có chỗ nông khoảng 30 - 50 cm, vừa cần có nơi sâu đến 1,5 m. Rạm chỉ lột vỏ ở chỗ nước nông, nhưng quá trình sinh sống, rạm lại thích những hang hốc sâu dưới nước”.
Ngoài ra, ao phải có hệ thống bờ bao quanh chắc chắn, không bị rò rỉ để rạm không bò ra ngoài. Con giống ông mua từ những người đơm lờ ở khắp các vùng rừng ngập mặn ven cửa sông, với giá khoảng 70.000 đ/kg. Khi đó, rạm nhỏ bằng đầu que diêm, khoảng 200 con/kg. Cứ mỗi kg, ông cẩn thận lọc chọn được 400 - 500 gr con giống tốt, tức là đồng đều, khỏe mạnh, nhanh nhẹn.
Chọn lúc sáng sớm, trời mát mẻ, không mưa, ông thả giống xuống ao với mật độ khoảng 20 con/m2. Trên 9 mẫu ao, ông thả tổng cộng gần 1 tấn con giống, chia thành nhiều đợt để thu rải vụ. Loài dễ nuôi
Thức ăn cho rạm là cá biển tươi xay nhỏ, trộn với cám và men vi sinh, ủ 3 - 5 ngày. “Cá tươi là món ăn tốt nhất cho rạm. Ở đây gần cửa sông, gần bến tàu cá nên tôi thường liên hệ những tàu cá xa bờ mới về bến để mua cá tươi với số lượng lớn, giá lại rẻ - ông Lâu nói - Nhưng nếu không tiện mua cá biển thì ta cũng có thể tận dụng cá tạp hay ốc bươu vàng… xay nhỏ rồi trộn cám cho rạm ăn cũng rất tốt”.
Rạm được cho ăn ngày 2 lần vào sáng sớm và chiều tối. Về quản lý ao nuôi, theo ông Lâu, cần định kì bón vôi liều lượng 2 - 3 kg/100 m2 mỗi tháng 2 lần nhằm ổn định pH, định kì bón phân chuồng ủ mục tạo màu nước làm thức ăn tự nhiên cho rạm.
Ông Sinh cũng cho biết, con giống hiện phụ thuộc hoàn toàn vào việc thu gom từ tự nhiên nên cỡ giống không đồng đều, tỷ lệ sống không cao, lại phải mua nhiều đợt mới đủ số lượng giống. Vì thế, rất cần nghiên cứu cho sinh sản nhân tạo để chủ động nguồn giống cung cấp cho người nuôi.
Ông Lâu kể: “Ruộng nuôi nhà tôi gần sông Văn Úc, nước ra vào thường xuyên nên không phải mất công thay nước. Hằng ngày, tôi thăm ruộng nuôi, kiểm tra lượng thức ăn thừa thiếu để điều chỉnh phù hợp, tránh để rạm đói hoặc thừa thức ăn gây ô nhiễm ao”.
Có một điều đặc biệt là rạm nhà ông Lâu chưa bao giờ bị dịch bệnh. Tuy thế, ông vẫn chú trọng phòng bệnh cho rạm bằng cách trộn thuốc Tiên đắc vào thức ăn của rạm, bổ sung vitamin C mỗi tháng một lần trong 3 ngày liên tục để tăng sức đề kháng cho rạm.
Nói về kinh nghiệm nuôi rạm, ông Lâu cho biết, môi trường nuôi rạm phải sạch, vùng nuôi cần tách biệt với đồng ruộng để tránh thuốc trừ sâu. “Nếu ruộng nhà mình nuôi rạm mà ruộng bên cạnh phun thuốc trừ sâu thì thuốc ngấm vào đất lan sang ruộng nhà mình, rạm cũng chết hết”.
Sau khoảng 4 tháng nuôi, rạm đạt cỡ thương phẩm (40 - 50 con/kg) thì có thể thu hoạch. Nhờ thả giống nhiều đợt nên ông có thể thu hoạch rải vụ trong vòng 3 tháng. Mỗi tháng chỉ có hai đợt thu hoạch là 2 - 3 ngày quanh ngày rằm và mùng một âm lịch.
Vào hai thời điểm đó, những con rạm trưởng thành, tức gạch, thịt vào chắc bắt đầu nổi lên mặt nước (nông dân vẫn gọi là ngày “rạm trôi” hay “rạm bay”). Thương lái đến mua tận ao với giá dao động từ 130.000 - 150.000 đ/kg.
Với năng suất đạt gần 2,5 tấn/ha, gia đình ông Lâu thu lãi gần 350 triệu đồng từ 9 mẫu (32.400 m2) ao nuôi.
Ông Nguyễn Sỹ Sinh, Trạm trưởng Trạm KN-KN huyện Kiến Thụy đánh giá, rạm là đối tượng dễ nuôi, phù hợp với các bãi bồi ven sông, chân đê. Huyện Kiến Thụy hiện có một số hộ áp dụng mô hình này, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
“Các khu nuôi thường là những vùng bãi ven sông ven biển do nông dân khai hoang phục hóa, chúng tôi rất mong các ngành chức năng có kế hoạch giao đất lâu dài cho nông dân để họ yên tâm đầu tư mở rộng sản xuất”, ông Sinh chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
Huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) nằm giữa hai con sông lớn là sông Ninh Cơ và sông Đáy, lại có 12km bờ biển nên thuận lợi cho việc phát triển nuôi thủy sản. Để đẩy mạnh phát triển nuôi thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững, huyện đã chỉ đạo triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, từ quy hoạch vùng sản xuất, xác định cơ cấu con nuôi phù hợp với trình độ thâm canh của các hộ nuôi và đặc điểm tự nhiên của từng vùng.
Vào những năm 1990, phong trào nuôi trăn ở Cà Mau rất phát triển, đem lại thu nhập khá cao và ổn định cho người nuôi. Tuy nhiên, về sau giá trăn bấp bênh, thị trường tiêu thụ yếu, khó bán, có người phải mang trăn con thả vào rừng, nhiều hộ đã nghỉ nuôi hoặc nuôi cầm chừng. Trong 2 năm trở lại đây, phong trào nuôi trăn thịt và trăn đẻ đã phát triển trở lại trên địa bàn tỉnh.
Những năm qua, nhất là từ khi triển khai thực hiện Đề án tôm - lúa, diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến trong huyện Phú Tân (Cà Mau) không ngừng tăng lên. Phát triển nuôi tôm quảng canh cải tiến góp phần đáng kể trong việc tăng sản lượng tôm nuôi, nâng cao thu nhập trên cùng đơn vị diện tích.
Chẳng hiểu do thời tiết hay sâu bệnh mà na Chi Lăng (Lạng Sơn) năm nay ra hoa ít hơn hẳn, thậm chí có diện tích không ra hoa. Bằng biện pháp kỹ thuật, người dân vùng na đã tuốt lá để kích thích cây ra hoa đợt hai, nhưng câu hỏi đặt ra là tại sao lại có hiện tượng bất thường này?
Sau 3 năm triển khai thực hiện “Cánh đồng mẫu lớn”, tổng diện tích lúa đạt trên 10.000 héc-ta của trên 6.400 lượt nông dân tham gia. Kỹ sư Châu Ngọc Thi, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Châu Thành (An Giang) tâm đắc: Mô hình liên kết hợp tác sản xuất và tiêu thụ nông sản cho nông dân mang lại hiệu quả kinh tế cao nên diện tích lúa “Cánh đồng mẫu lớn” đang ngày càng mở rộng.