Nuôi Ong Một Vốn Đôi Lời
Mấy năm gần đây, nghề nuôi ong trên địa bàn thị trấn Mậu A (Văn Yên, Yên Bái) phát triển mạnh. Tuy là nghề mới nhưng lợi nhuận được cho là “một vốn đôi lời” từ vật nuôi này đang mở hướng phát triển kinh tế bền vững cho người dân trong vùng.
Nói về nghề nuôi ong, ông Đoàn Văn Oanh - Phó chủ tịch UBND thị trấn Mậu A phấn khởi cho biết: “Hiện toàn thị trấn đang có khoảng gần 500 đàn ong mật, tập trung nhiều trong các gia đình hội viên Câu lạc bộ (CLB) Nuôi ong của thị trấn. Với nghề nuôi ong, rủi ro thấp, thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định, đặc biệt nhu cầu về giống nuôi của người dân trong và ngoài huyện khá lớn đang là những điều kiện thuận lợi để người nuôi ong trên địa bàn thị trấn đầu tư phát triển kinh tế theo hướng này.
Đến thăm gia đình ông Chu Văn Soạn – Trưởng khu 2, hiện là Phó chủ nhiệm CLB Nuôi ong thị trấn, được biết đến là người có kinh nghiệm lâu năm và kỹ thuật cao trong nhân giống đàn ong, với số lượng đàn ong hiện có lên đến gần 100 đàn, ông Soạn bộc bạch: “Nghỉ hưu rồi, tìm đến con ong trước chỉ nghĩ nuôi chơi nhưng bây giờ nó thực sự trở thành vật nuôi để phát triển kinh tế đem lại nguồn thu nhập chính cho gia đình.
Nuôi ong không khó, cái chính là phải nắm được kỹ thuật nuôi, khó nhất là kỹ thuật nhân đàn. Một hai năm nay, nhu cầu nuôi ong lấy mật của người dân trong vùng khá lớn. Trên 100 đàn ong mật của gia đình nuôi chủ yếu là để bán giống, chỉ giữ lại gần 30 đàn lấy mật.
Một đàn ong giống loại tốt cũng có giá triệu bạc, còn trung bình thì giá vào khoảng 700 nghìn đồng/đàn. Thời điểm này, người dân một số huyện lân cận vẫn tìm đến mua giống nhưng gia đình không bán nữa phải giữ lại để nhân đàn cho năm sau. Trên 200 lít mật vụ hoa nhãn vừa rồi cũng chỉ còn độ hai chục lít. Chỉ riêng cho chỗ thân quen thì từ giờ đến mùa hoa tới nhà cũng không còn đủ mật để bán... ”.
Được biết, gia đình ông Soạn đang có 60 đàn ong đặt nuôi tại 2 điểm trên địa bàn thị trấn là khu 2 và thôn Hồng Phong. Dẫn chúng tôi tới khu vườn sau nhà, nơi đặt trên 30 đàn ong, ông Soạn giải thích: “Đã hết mùa hoa rồi nên mấy tháng tới phải đầu tư thức ăn để giữ đàn. 60 đàn ong theo tính toán sẽ phải đầu tư cho chúng cỡ chừng 1 tấn đường. Đây là giai đoạn khó nhất để ong không chuyển đàn bỏ tổ mà đi. Sang xuân, thu hoạch mật vụ hoa nhãn xong lại phải chuyển đàn ong đi các xã có nhiều rừng như: Đông An, Lang Khay, Lang Thíp... để lấy mật hoa rừng. 60 đõ ong này khả năng sẽ nhân được 150 đàn. Thường vào mùa hoa, số lượng đàn ong của gia đình sẽ tăng lên và duy trì ở con số trên 100 đàn”.
Hiện nay, CLB Nuôi ong thị trấn Mậu A đang có trên 20 thành viên tham gia. Đây là những hộ nuôi tập trung và có số lượng đàn ong lớn. Ông Hà Như Chù - Chủ nhiệm CLB cho biết: Người dân trên địa bàn thị trấn tìm đến với nghề nuôi ong ngày một nhiều hơn, nhất là trong vài năm trở lại đây. Con ong đang là một trong số không nhiều vật nuôi đem lại hiệu quả kinh tế bền vững khi mà lợi nhuận từ nó mang lại được xem là “một vốn đôi lời”, lại ít chịu rủi ro thất thoát vốn, do vậy kinh tế và thu nhập của nhiều thành viên trong CLB hiện nay được cho là rất khá.
Thông qua việc cung cấp đàn ong giống phục vụ phát triển nghề này thì thấy, xu hướng hướng người dân trong vùng, đặt biệt là nhân dân các xã ngoài huyện đang tìm đến với nghề nuôi ong mật đang ngày càng nhiều hơn.
Nắm bắt nhu cầu này, các thành viên trong CLB rất tích cực chia sẽ kinh nghiệm nhân đàn, nâng cao chất lượng con giống và các dịch vụ khác, đáp ứng tốt nhu cầu phát triển nghề nuôi ong trong nhân dân. Hiện nay, nhiều thành viên trong CLB đang hướng đầu tư mở rộng quy mô, tăng số lượng đàn ong mật, lấy đó làm hướng phát triển kinh tế mũi nhọn, cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho gia đình.
Cũng theo ông Đoàn Văn Oanh - Phó chủ tịch UBND thị trấn thì định hướng khuyến khích phát triển đa dạng hóa các ngành nghề trong lĩnh vực phát triển kinh tế với sự góp mặt của các loại cây, con có hiệu quả kinh tế cao là điều kiện và cơ sở vững chắc để thị trấn xóa nghèo bền vững, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống cho người dân khu vực nông thôn.
Có thể bạn quan tâm
Nên bón lót lân nung chảy (Ninh Bình, Văn Điển) để ém phèn ngay từ đầu và cung cấp lân cho cây lúa HT phát triển tốt. Lượng bón từ 200-400kg/ha tùy độ phèn của đất. Nên xử lý hạt giống bằng K-Humate (1/2 lít cho 100kg giống) làm tăng sức nảy mầm, tỷ lệ nảy mầm, tăng sức sống hạt giống (sử dụng loại có hàm lượng K-Humate cao như Vina Super Humate của Hoa Kỳ).
Rắn mối là động vật sống hoang giả, để nuôi loại động vật này, người nuôi phải am hiểu về tập tính sống của chúng- đó là lời tâm sự của anh Dương Tấn Lạc ở ấp Phú Lợi, xã Bình Phú, thành phố Bến Tre.
Từ bài viết về “Nuôi cá bống tượng mùa lũ” (Nguồn: Báo Nông Nghiệp Việt Nam, 12/10/2011), mô hình nuôi cá bống tượng lồng bè của anh Sáu Công (xã Vĩnh Lợi, huyện Châu Thành) đã mang lại lợi nhuận nhất định. Tuy nhiên vẫn có nhiều hộ trong vùng đã không thể tiếp tục nuôi loài cá này vì thua lỗ, mặc dù giá cá loại 1 dao động từ 350.000 - 450.000đ/kg, rất hấp dẫn (thương lái thu mua tại hộ nuôi). Đã nhiều bài viết về kỹ thuật nuôi cá bống tượng trong ao, lồng, bè, bể.., Nhưng mấu chốt về kỹ thuật, chính là con giống và và biện pháp thuần dưỡng.
Những ngày gần đây, nhiều nông dân trồng cà phê ở huyện Tân Phú (Đồng Nai) đã bước vào vụ hái cà phê, sớm hơn gần tháng so với mọi năm. Năm nay do nhiều nguyên nhân dẫn tới cà phê chín sớm, khiến nhiều chủ vườn khổ vì hái cà phê trong khi thời tiết đang mưa nhiều.
Nguyên nhân bước đầu được xác định do nguồn giống tôm thả nuôi của các hộ không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có giấy chứng nhận kiểm dịch. Mặt khác, nước cấp vào ao nuôi được lấy trực tiếp từ sông vào không qua xử lý; trong ao nuôi tôm còn có một số loài giáp xác tự nhiên như tôm rảo, cua, còng..