Nuôi Nghêu Bông Trong Đùng: Mô Hình Cho Bạc Tỷ
Dẫn chúng tôi lội xuống đùng để kiểm tra tốc độ tăng trưởng của nghêu, ông Nguyễn Văn Luân, chủ một đùng nuôi ở phường 12 (TP. Vũng Tàu) cho biết, với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, chỉ chưa đầy 2 tháng nữa, đùng nghêu này sẽ cho thu nhập hơn 10 tỉ đồng.
Dưới lớp cát chừng vài cm, những con nghêu mập tròn xanh óng ánh đóng dày đặc... Mô hình nuôi nghêu xanh của ông Luân đã làm cho nhiều người trong đoàn chúng tôi thay đổi suy nghĩ về hướng đi cho nghề nuôi trồng thủy sản của tỉnh. Bởi từ trước đến nay, nói đến việc nuôi nghêu, nhiều người chỉ biết có bãi nghêu giống tự nhiên ở cầu Cửa Lấp, cửa Lộc An chứ việc nuôi nghêu trong đùng thì… từ lâu không còn ai bàn đến, vì rất nhiều người đã thất bại với hình thức nuôi này.
Ông Luân cho biết, trong một lần đi thu mua nghêu ở Kiên Giang, ông phát hiện ra khả năng sinh tồn và phát triển vượt trội của con nghêu bông so với loại nghêu trắng thông thường. Một suy nghĩ táo bạo trong ông: “Phải đưa giống nghêu này về Bà Rịa - Vũng Tàu”. Do có nhiều kinh nghiệm trong nuôi thủy sản, ông Luân chọn cách thử nghiệm nuôi giống nghêu bông trên một số khu vực của tỉnh, và kết quả thử nghiệm ấy đã giúp ông mạnh dạn quyết định thực hiện mô hình này.
17 tấn nghêu bông mua về từ các tỉnh miền Tây và Thái Lan được ông Luân thả nuôi trong đùng rộng 15 ha. Ông Luân cho biết, khi mới thả, kích cỡ giống chỉ 1.000 con/kg, vậy mà sau hơn 2 tháng nuôi, nghêu đã đạt trọng lượng 120 con/kg, “Chừng 2 tháng nữa nghêu sẽ đạt trọng lượng 70 con/kg” - ông Luân nói. Theo tính toán của ông Luân, nếu duy trì tốc độ tăng trưởng như vậy, dự kiến sản lượng thu hoạch đạt gần 200 tấn, với giá 60 nghìn đồng/kg như hiện nay thì đùng nghêu của ông cho thu nhập hơn 10 tỉ đồng.
Theo ông Luân, trong quá trình nuôi nghêu quan trọng nhất là khâu chọn giống. Nguồn giống mua về từ Thái Lan hiện nay vẫn tốt nhất, tốc độ tăng trưởng và tỉ lệ sống cao hơn so với nguồn giống mua từ các nơi khác. Chọn ao nuôi phải có nền đáy chủ đạo là cát pha bùn, trong đó tỉ lệ cát thích hợp nhất là khoảng 60%. Cải tạo ao và lấy nước nên tuân thủ theo đúng quy trình kỹ thuật nuôi công nghiệp, nhằm tránh hoặc hạn chế các loài giáp xác ăn nghêu giống làm giảm tỉ lệ sống của nghêu.
Hạn chế sự phát triển của rong trong đùng nuôi cũng là việc làm hết sức quan trọng. Ông Luân cho biết, rong phát triển nhiều sẽ làm giảm lượng oxy trong ao. Theo các cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư, để hạn chế sự phát triển của rong, ngoài việc cải tạo phơi đáy ao thật kỹ trước khi thả giống, cần bảo đảm lượng nước trong ao cao, nên nuôi ghép với một số đối tượng ăn rong nhiều như cá măng biển, cá dìa để hạn chế sự phát triển của rong biển.
Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng hơn 500 ha diện tích có điều kiện thích hợp cho phát triển nuôi nghêu bông, phân bố chủ yếu ở khu vực phường 12 (TP. Vũng Tàu); phường Long Hương, Kim Dinh (TX Bà Rịa); xã Lộc An (huyện Đất Đỏ)… Thành công của mô hình nuôi nghêu bông trong ao đất hy vọng sẽ giúp nhiều người nuôi thủy sản có điều kiện tham quan, học tập áp dụng vào ao nuôi của mình.
Có thể bạn quan tâm
Chiều ngày 4/7, đại diện phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) cho biết, tại một số vùng nuôi ngao của người dân trên địa bàn đang xảy ra hiện tượng ngao chết hàng loạt, nổi trắng trên bờ.
Ngày 3/7, tại UBND xã An Ninh Đông, Ban quản lý dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững tỉnh (Sở NN-PTNT) phối hợp với UBND xã An Ninh Đông (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) tổ chức hội nghị thành lập Tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ xã An Ninh Đông. Tham dự hội nghị có lãnh đạo Sở NN-PTNT, UBND huyện Tuy An và gần 200 ngư dân tham gia tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ trên địa bàn xã.
Với lợi thế đất đai của gia đình, ông Võ Huy Lọng, thôn Nội Mai, xã Hưng Thủy (Lệ Thủy - Quảng Bình) đã chịu khó tìm tòi, học hỏi và đã áp dụng thành công mô hình nuôi các loại cá giống nước ngọt như cá trắm, cá rô phi, cá mè... thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho gia đình. Ông là tấm gương tiêu biểu về phát triển kinh tế của địa phương.
Từ đầu năm đến nay, các cơ sở cung ứng giống thủy sản trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã xuất bán ra thị trường hơn 3,5 triệu con cá giống các loại, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm 2014.
Khoảng 10 năm trở lại đây, nhiều hộ dân chuyên “săn” cá còi (hay còn gọi là cá thòi lòi) ở xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa ăn nên làm ra bởi luôn trong tình trạng “cháy hàng”. Loài cá này được thương lái thu gom rồi xuất sang thị trường Trung Quốc.