Nuôi Hươu Sao Lấy Nhung

Năm 2011, gia đình chị Nguyễn Thúy Hoa, tổ 1, phường Nông Tiến (TP Tuyên Quang) đầu tư gần 400 triệu đồng xây dựng chuồng trại nuôi hươu sao lấy nhung..
Tận dụng hơn 2.000 m2 sườn đồi sau nhà, vợ chồng chị trồng cỏ voi, cỏ ghinê làm thức ăn cho hươu. Hươu sao là loài vật ít bị nhiễm bệnh nếu khu vực chuồng trại thường xuyên được vệ sinh, cách ly với môi trường bên ngoài. Khu vực nuôi hươu của gia đình chị Hoa được xây nền xi măng, đóng quây bằng gỗ. Ngoài ra, sân chơi của hươu còn được làm mát, giữ ẩm và dễ vệ sinh.
Với 4 cặp hươu giống ban đầu, đến nay, đàn hươu của gia đình chị đã phát triển được 13 con, trong đó có 7 con đực thường xuyên cho nhung. Mỗi lần cắt lấy nhung, 1 con hươu sẽ cho từ 3 - 8 lạng. Tuy mới triển khai mô hình nuôi hươu, nhưng bình quân hàng năm, gia đình chị Hoa thu 100 triệu đồng từ bán nhung hươu.
Chị Hoa cho biết, hươu sao tương đối dễ nuôi. Hươu sống sạch sẽ, thường ăn các loại lá sung, mít, khoai lang, dây lạc, ngô, cỏ voi, cỏ ghinê, cỏ sữa và nhiều loại củ quả như khoai lang, chuối... Mỗi ngày, 1 con hươu trưởng thành ăn 10 kg thức ăn. Thức ăn phải được rửa sạch sẽ, tránh nhiễm thuốc bảo vệ thực vật, và không nên cho hươu ăn lá cây bị ướt, vì dễ gây đau bụng.
Chị Hoa cho biết, hươu sao sinh sản 1 lứa/năm. Mùa giao phối từ tháng 5 đến tháng 9. Hơn 7 tháng sau hươu sinh sản, số lượng thường là 1 con, hiếm khi sinh đôi. Hiện hươu sao giống trên thị trường có giá khoảng 20 triệu đồng/cặp. Kinh nghiệm nuôi hươu của chị Hoa là khâu chọn con giống. Hươu đực giống cần chọn con khỏe mạnh, lông mượt, vầng trán to, thân hình vạm vỡ, bốn chân chắc chắn đều đặn; là những con được sinh ra từ con bố có đặc điểm tốt, đã có khả năng cho nhung từ 1 - 1,5 kg/năm trở lên.
Hươu cái giống cũng phải chọn con khỏe mạnh, lông mượt, cổ dài, đầu thanh, mông nở, các bộ phận sinh dục nổi rõ. Chọn con được sinh ra từ con mẹ đẻ ổn định hàng năm, nuôi con khỏe không bị bệnh truyền nhiễm. Chọn hươu được sinh ra từ lứa thứ 2 đến thứ 7, không nên lấy các lứa sau.
Có thể bạn quan tâm

Những năm gần đây, mô hình nuôi chồn hương được các hộ nông dân trên địa bàn tỉnh đầu tư, nhưng nếu chỉ nuôi đơn thuần chồn hương lấy thịt thì hiệu quả không cao. Tại xã Minh Lập (Chơn Thành - Bình Phước), anh Đặng Ngọc Tuân đã gây dựng mô hình nuôi chồn hương lấy thịt, giống, đặc biệt kết hợp sản xuất cà phê chồn mang lại tiền tỷ.

Điều kiện môi trường bất lợi, hàng trăm người nuôi tôm ở phường 12 (TP. Vũng Tàu) đã bỏ nghề, nhưng nhiều năm nay, tại ao nuôi của ông Lê Quang Hùng guồng quay máy sục khí vẫn hoạt động bền bỉ. Ao nuôi tôm của ông là một trong số ít những điểm sáng trên vùng đất nuôi thủy sản đã bỏ hoang nhiều năm của khu vực này.

Sở Khoa học và Công nghệ Long An vừa tổ chức hội nghị nghiệm thu kết quả điều tra “Tình hình chăn nuôi, đặc điểm ngoại hình gà tàu và đề xuất quy trình chăn nuôi gà tàu theo hướng an toàn sinh học sẽ thực hiện từ nay đến tháng 10/2013 tại huyện Châu Thành, tỉnh Long An” đây là giai đoạn 1 của đề tài nghiên cứu khoa học “Nghiên cứu xây dựng mô hình chăn nuôi gà tàu theo hướng an toàn sinh học tại huyện Châu Thành, tỉnh Long An” do phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Châu Thành đăng ký chủ trì thực hiện; tiến sĩ Đoàn Đức Vũ giám đốc Trung tâm Công nghệ Sinh học Nông nghiệp thuộc Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam và kỹ sư Nguyễn Thị Đậm trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Châu Thành làm chủ nhiệm đề tài.

Từ lâu, các nhà khoa học đã khuyến cáo nông dân nên chuyển sang trồng các loại rau màu hoặc luân canh lúa màu trên đất lúa kém hiệu quả.

Nghề nuôi cá mú lồng dọc cửa sông Đầm đã có từ nhiều năm nay, và thực tế đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân ở thôn Tuyết Diêm 2, xã Bình Thuận (Bình Sơn - Quảng Ngãi). Thế nhưng, nhiều ngày nay cá chết hàng loạt khiến nông dân khốn đốn…