Nuôi Gà Tây Ở Đa Lộc - Hưng Yên
Xã Đa Lộc (Ân Thi) là địa phương có nghề nuôi gà tây từ trước những năm 1945, từ đó đến nay, nghề chăn nuôi gà tây vẫn được người dân địa phương duy trì. Từ năm 2005 đến nay, nghề chăn nuôi gà tây ở đây đã từng bước được phục hồi, tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước, sản phẩm được tiêu thụ rộng rãi trên phạm vi toàn quốc, một phần đã được xuất qua các quốc gia láng giềng: Lào, Campuchia. Người nuôi đã tiếp cận được một số tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi mới, nhiều giống gà tây mới năng suất, chất lượng cao đã được nhà nông đưa vào sản xuất, các hộ gia đình không chỉ thuần nuôi gà tây thương phẩm mà còn phát triển nuôi gà sinh sản, đầu tư mua máy ấp nở trứng gia cầm cung ứng con giống cho người chăn nuôi trong và ngoài tỉnh.
Ông Trần Duy Cải, chủ nhiệm HTX dịch vụ Nông nghiệp xã cho biết: Năm 2010 vừa qua, tổng lượng đàn gà tây toàn xã đạt trên 10 nghìn con các loại, trong đó có hơn 600 con là gà bố mẹ sinh sản, nuôi tập trung nuôi chủ yếu ở 2 thôn Bình Nguyên và Trắc Điền, giá trị sản lượng ước trên 6 tỷ đồng. Năm 2011 này dự kiến địa phương sẽ đưa ra thị trường hơn 50 nghìn con gà tây giống chất lượng tốt và 50 -70 tấn gà tây thương phẩm.
Đáng chú ý mặc dù là vùng chuyên nuôi gà tây lâu năm, nhưng địa phương chưa năm nào để xảy ra dịch cúm gia cầm và các dịch bệnh lớn khác, công tác tiêm phòng, phổ biến kỹ thuật chăn nuôi an toàn bền vững luôn được địa phương quan tâm, thường xuyên tuyên truyền, người chăn nuôi có ý thức tuân thủ chặt chẽ qui trình chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, nên các sản phẩm chăn nuôi xuất ra từ đây có thể coi là an toàn dịch bệnh và vệ sinh thú y.
Anh Đoàn Văn Hợi (thôn Bình Nguyên) là chủ trang trại chuyên chăn nuôi gà tây từ hơn 20 năm nay. Gia đình anh thường xuyên nuôi hơn 300 gà bố mẹ và hàng nghìn con gà tây lấy thịt khác, mỗi năm sau khi trừ mọi chi phí đầu tư vẫn còn lãi thuần 200 - 250 triệu đồng. Toàn bộ gà hậu bị, gà bố mẹ đều được anh tiêm vắc xin phòng đủ các bệnh cơ bản: H5N1, tả, sưng gan... trước khi cung ứng ra thị trường. Theo anh Hợi, gà tây là giống gia cầm khoẻ, thể trọng lớn, dễ nuôi, mau lớn, ít bị dịch bệnh, thích ứng rộng với các điều kiện sinh thái, có thể nuôi theo nhiều hình thức: Chăn thả, nuôi công nghiệp (cho ăn toàn bộ bằng thức ăn công nghiệp) và nuôi bán công nghiệp (cho ăn công nghiệp kết hợp các chất hữu cơ: rau, bèo, cám, cỏ), mỗi cách nuôi có ưu điểm, nhược điểm riêng, nhưng trung bình hiệu suất đầu tư đạt 40 - 70% tuỳ từng cách nuôi. Nghề nuôi gà tây của gia đình anh đã qua 3 đời, hiện thế hệ thứ 4, con gái lớn của anh tiếp tục đầu tư, học kinh nghiệm từ ông, cha, các cụ để phát triển chăn nuôi gà tây.
Anh Nguyễn Văn Mỹ, thôn Trắc Điền, người nuôi gà tây từ những năm 1966 - 1967 đến nay cho biết: Nuôi gà tây theo lối bán công nghiệp là hiệu quả nhất, vì các loại phụ phẩm hữu cơ: cỏ, lá rau đặc biệt là bèo tây trên đồng ruộng rất sẵn, với định lượng khẩu phần ăn 30% bèo tây thái nhỏ và 70% thức ăn công nghiệp, có thể bảo đảm sau 6 tháng từ 1 con gà tây mới ấp nở có thể tăng trọng lên 14 - 15kg, trừ mọi chi phí đầu tư vẫn còn có giá trị tương đương gần 50kg gạo bắc thơm 7 tại thời điểm, đủ lương thực cho cả gia đình 4 người ăn trong suốt tháng.
Xã Đa Lộc là địa phương vùng sâu vùng xa của huyện Ân Thi, không có lợi thế phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ như nhiều địa phương khác trong tỉnh. Để bảo đảm đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao thì trọng tâm phát triển kinh tế theo hướng đẩy mạnh thâm canh tăng năng suất lúa, chất lượng, hiệu quả cao và khai thác các tiềm năng lợi thế để phát triển ngành chăn nuôi, chủ yếu là chăn nuôi gia cầm, thuỷ cầm, đưa chăn nuôi thành ngành sản xuất chính là hướng đi hoàn toàn đúng của đảng bộ và chính quyền sở tại. Trong đó cần ưu tiên đầu tư, mở rộng gia tăng nhanh đàn gà tây giống bố mẹ và gà thịt nuôi thương phẩm, vì gà tây khá dễ nuôi so với các loại gia cầm khác, hiệu quả chăn nuôi cao, tiềm năng thị trường còn rất lớn, hầu hết người dân giàu kinh nghiệm, có truyền thống chăn nuôi gà tây. Để đạt được các mục tiêu này, địa phương cần bằng nhiều giải pháp đồng bộ: Tăng cường thông tin tuyên truyền, quảng bá chất lượng sản phẩm, con giống; hỗ trợ xây dựng mô hình, trình diễn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới chăn nuôi an toàn, sinh học theo tiêu chuẩn VietGap, ưu đãi vốn vay tín dụng cho các chủ trang trại chăn nuôi lớn…
Từ hiệu quả chăn nuôi gà tây ở Đa Lộc và tiềm năng thị trường sản phẩm, có thể nhân rộng mô hình sản xuất ra toàn tỉnh, tận dụng thu vớt các loại bèo tây trên các trục thủy nông cho phát triển chăn nuôi gà tây rất hiệu quả vừa tăng thu nhập trong chăn nuôi vừa giảm chi phí đầu tư thu vớt rau bèo khơi thông dòng chảy
Có thể bạn quan tâm
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương cho biết năm nay giá vải quả bình quân cao hơn năm ngoái khoảng 20%.
Vừa qua, tại lễ “Tôn vinh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu năm 2014” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương tổ chức có 145 sản phẩm nông nghiệp được tôn vinh, trong đó đặc sản quýt hồng Lai Vung (Đồng Tháp) được vinh danh “Chứng nhận sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu năm 2014”.
Mặc dù hiện nay thương lái đã dừng mua hoa thanh long, nhưng cách nay không lâu, nhiều nông dân trồng thanh long ở các xã Bông Trang, Xuyên Mộc, Bưng Riềng (huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu) đua nhau hái hoa thanh long bán cho thương lái với giá 2.000 đồng/kg mặc dù không ai biết thương lái thu mua hoa thanh long để làm gì. Đây là một hiện tượng người nông dân cần cảnh giác.
Đồng Nai nổi tiếng với các loại đặc sản trái cây hè, như: măng cụt, sầu riêng, chôm chôm nhãn, bơ sáp... Nhờ được thị trường ưa chuộng, trái cây Đồng Nai, đặc biệt là ở các vùng Long Khánh, Xuân Lộc, Thống Nhất... luôn được thương lái săn đón thu mua với giá cao, mang lại lợi nhuận tốt cho người trồng.
Thời gian qua, nhiều loại trái cây như mãng cầu ta, thanh long ruột đỏ, bưởi da xanh Sông Xoài, nhãn xuồng cơm vàng tại BR-VT được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng, nhưng thị trường tiêu thụ của các loại trái cây này còn chưa ổn định.