Nuôi chó kiểng, chồn hương thu nhập khá
Ông Ngô Thanh Nguyên (52 tuổi) ở xã Đông Lợi, huyện Châu Thành (Hậu Giang) có mô hình nuôi chó kiểng và chồn hương (cầy vòi hương) cho thu nhập 400 triệu đồng/năm.
Ông Nguyên chia sẻ kỹ thuật nuôi chó kiểng
Ông Nguyên cho biết hiện trại nuôi của ông có gần 10 giống cho kiểng được giới yêu động vật cảnh rất thích thú như chó Bắc Kinh, Phốc Sóc, Chihuahua, Pug (mặt xệ), Nhật… với số lượng hơn 100 con bố mẹ. Trước khi nuôi chó kiểng thì ông nuôi chồn hương. Vì hay bị trộm chồn nên ông nuôi chó để canh. Dần dà, đàn chó phát triển, thấy thích nên ông đã quyết định nhập thêm một số giống chó.
Ông Nguyên chia sẻ, mỗi chó con có giá bán từ 800.000 đồng đến 5 triệu đồng/con, tùy giống. Hàng tháng thu nhập từ việc bán chó con khoảng 25 triệu đồng. Đàn chồn hương khoảng 70 con, trong đó 25 con nái sinh sản. Với giá bán chồn thương phẩm từ 1,1 - 1,3 triệu đồng/kg, cho thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng.
Thức ăn cho chồn hương và chó giống nhau, rất đơn giản dễ tìm như đầu gà, phổi heo, cá... được nấu chín, xay nhuyễn cộng với một số vitamin và thuốc bổ khi chúng vô mùa sinh sản.
Còn lão nông Lê Quốc Dũng (78 tuổi) ở ấp Long Phụng A, xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) cũng được bà con xung quanh biết đến bởi ông có đàn chồn hương 20 con bố mẹ sinh sản, cho thu lời từ 120 - 130 triệu đồng/năm.
Ông Lê Quốc Dũng có đàn chồn hương 20 con bố mẹ sinh sản, cho thu lời từ 120 - 130 triệu đồng/năm
Ông Dũng cho biết: “Chồn hương là loại động vật hoạt động về đêm nên chúng ngủ ngày và hay đùa vào ban đêm. Chuồng nuôi đặt trong bóng râm, ít ánh sáng để chúng ngủ. Khẩu phần ăn sáng của chồn là 1 trái chuối, hay ít thịt. Chiều tối thì lượng thức ăn tăng gấp 3 lần buổi sáng để chúng có năng lượng hoạt động. Nuôi thương phẩm hay nuôi sinh sản thì khẩu phần dinh dưỡng phải khác nhau thì chúng mới phát triển theo ý muốn của người nuôi”.
Mỗi năm chồn sinh sản hai lứa, mỗi lứa chừng 4 - 6 con và thời gian con cái mang thai khoảng 2 tháng như chó hoặc mèo. Khi con cái sinh sản thì cho chúng ở một cái tổ bằng gỗ hoặc thùng nhựa to, tránh tình trạng con non rơi ra ngoài hay bị các con khác “khều” ăn thịt.
Đến hỏi thăm nhà ông Dũng nuôi chồn hương, một người hàng xóm của ông nói: “Mới đợt Tết vừa rồi, ông ấy bán được gần 60 triệu tiền chồn con đấy. 1 con chồn của ông Dũng bây giờ còn hơn 1 công mía nhà tôi”.
Thấy ông Dũng nuôi thành công nhiều bà con ở dọc kinh Long Phụng A, kể cả một số tỉnh khác như Cà Mau, Bạc Liêu cũng đến tham quan học tập. Hiện điều kiện và thủ tục chăn nuôi rất thoáng, bà con chỉ cần đến đăng kí nuôi tại Chi cục Kiểm lâm tỉnh là được.
Chồn hương dễ nuôi, dễ bán
Hiện giá mỗi cặp chồn giống khoảng 5 triệu đồng, còn chồn thịt các mối lái, nhà hàng, resort ở TP.HCM, các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cần Thơ… thu mua giá khoảng 1,3 triệu đồng/kg.
Có thể bạn quan tâm
Bệnh đạo ôn lá nặng nhất là trên những diện tích xanh tốt, bón thừa đạm, trên các giống nhiễm. Bệnh đạo ôn cổ bông gây hại trên diện tích lúa trỗ sớm
Về xã Lộc Nam, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng, hỏi thăm “ông Phi dúi” tức Đào Duy Phi, gần như ai cũng biết.
Trong chương trình tái canh cây cà phê của Bộ NN-PTNT, nếu đơn vị ,địa phương nào có nhu cầu, Biffa xin hợp tác để tư vấn công nghệ SX biochar và bao tiêu