Ông Phi dúi
Về xã Lộc Nam, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng, hỏi thăm “ông Phi dúi” tức Đào Duy Phi, gần như ai cũng biết.
Ông không chỉ là một chủ tịch Hội nông dân năng động mà còn là người đi tiên phong nuôi dúi.
“Do có thâm niên làm công tác hội, tôi được đi thăm quan nhiều mô hình chăn nuôi ở các tỉnh phía Nam như nuôi nhím, chồn hương, kỳ đà, tắc kè… nhưng giá cả lúc lên, lúc xuống không ổn định, thức ăn hầu hết vẫn phải đi mua. Trong khi nuôi dúi ở địa phương mình, nguồn thức ăn rất dồi dào, giá rẻ nhưng chưa có ai nuôi. Từ đó tôi có ý tưởng nuôi loài đặc sản này”, ông Phi cho biết.
Theo ông, tình cờ trong một lần đi làm rẫy cà phê thấy người đồng bào dân tộc gạ bán mấy con dúi con mới đẻ. Không mua thì chúng có nguy cơ bị chết, bỏ thì thương, vương thì tội, ông đánh liều mua về nuôi thử. Do thiếu kinh nghiệm, chưa có kỹ thuật, hơn nữa dúi mới bắt ở rừng về chưa quen thức ăn và môi trường mới, chúng ngày một yếu dần.
Không nản chí ông lặn lội tìm kiếm thông tin trên sách báo, mạng Internet... và đã học hỏi rất nhiều kiến thức và nhanh chóng áp dụng vào đàn dúi của mình. Do chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật chẳng mấy chốc mấy con dúi èo ọt đã trưởng thành, con nào con nấy mũm mĩm, lông bóng mượt.
Dần dà đàn dúi của ông lên tới 50 cặp bố mẹ và 100 con giống. Giống dúi sinh sản ra không đủ cung cấp cho thị trường. Ông Phi tâm sự, ở Lâm Đồng rất nhiều mô hình chăn nuôi, mỗi mô hình nuôi một con vật khác nhau, nhưng chưa thấy nuôi con gì dễ bằng nuôi dúi, ai cũng nuôi được, không ảnh hưởng môi trường, chi phí thức ăn thấp.
Theo tính toán của ông Phi, 1 con dúi nuôi từ lúc mới đẻ tới khi trưởng thành là 6 tháng, trọng lượng đạt từ 1,2-1,5 kg, tiêu tốn khoảng 90.000 đồng (tiền thức ăn). Giá bán giống tùy theo thời gian nuôi ngắn hay dài, tùy theo trọng lượng từng con (từ 900.000 - 1,2 triệu đồng/cặp; dúi thương phẩm từ 450.000-500.000 đ/kg.
Sau khi nuôi và cho sinh sản giống dúi thành công, một con vật nuôi mới đạt hiệu quả kinh tế cao, ông Phi mạnh dạn xây dựng đề án nuôi dúi cho 20 hộ nông dân trong xã và đã được Quỹ hỗ trợ Nông dân tỉnh phê duyệt với mức hỗ trợ 15 triệu/hộ.
Có thể bạn quan tâm
Vườn mai của ông Lê Thanh Lộc (56 tuổi, phường Long Thạnh Mỹ, quận 9, TPHCM) với diện tích 3.000m2 luôn cho thu nhập ổn định.
Nhiều nhà vườn ở Sa Đéc (Đồng Tháp) và Chợ Lách (Bến Tre) đã làm giàu từ các loại kiểng bông như đại phát tài, phát lộc hoa, xác pháo; kiểng treo (hoa treo)
Bệnh đạo ôn lá nặng nhất là trên những diện tích xanh tốt, bón thừa đạm, trên các giống nhiễm. Bệnh đạo ôn cổ bông gây hại trên diện tích lúa trỗ sớm