Nuôi cá trên sông lãi 600 triệu đồng/năm
Ông Thiều Minh Thế, khu 4 xã Xuân Lộc, huyện Thanh Thủy (Phú Thọ) là người vốn có kiến thức về làm kinh tế, lại hăng hái muốn khám phá tìm tòi, áp dụng mô hình mới.
Ông là một trong những người đi đầu trong xã làm lồng nuôi cá trên sông.
Trước khi nuôi cá, ông đã bỏ công đi tham quan học hỏi kinh nghiệm một số nơi trong và ngoài tỉnh.
Năm 2010, ông bắt tay vào làm lồng nuôi cá trên sông Đà đoạn chảy qua địa phận xã Xuân Lộc.
Để lồng cá chắc chắn, sử dụng được lâu dài, ông Thế dùng nguyên liệu khung nhôm, sắt và quây lưới bên ngoài.
Mỗi lồng cá có diện tích từ 30-35m2, độ cao 2,5m trở lên.
Để có nguồn cá thả lồng, ông Thế chuẩn bị 1 ao nuôi cá giống rộng 1.000m2.
Nguồn cá giống ông mua từ Hải Phòng, Nam Định về ương nuôi trong ao, khi đạt trọng lượng 1kg thì ông cho sang lồng nuôi trên sông.
Mỗi lồng như vậy ông thường thả 200 con cá.
Mỗi lồng lại được thả 1 loại cá riêng như trắm cỏ, chép, rô phi đơn tình, cá lăng, diêu hồng…
Thức ăn cho cá được ông Thế kết hợp giữa cám viên và cỏ, phụ phẩm trong nông nghiệp.
Gia đình ông Thế gây dựng được tổng cộng 30 lồng cá.
Sản lượng thu hoạch mỗi lồng đạt 3-4 tấn cá/năm.
“Bình quân mỗi năm gia đình tôi xuất bán khoảng 100 tấn cá các loại, trừ chi phí còn lãi 600 triệu đồng…”- ông Thế cho hay.
Không những làm giàu cho gia đình mình, ông Thế còn khuyến khích, giúp đỡ cho nhiều hộ làm lồng nuôi cá ven sông.
Tới nay ven sông Đà thuộc địa bàn xã Xuân Lộc đã có hàng trăm lồng cá tạo một không khí làm ăn kinh tế sôi nổi.
Cứ buổi chiều tà, người dân ra bờ sông nghỉ mát, lên lồng tham quan, ngắm những con cá trọng lượng từ 3-4kg tranh nhau nổi lên mặt nước ăn mồi thật là thích mắt…
Có thể bạn quan tâm
Ngày 25.12, tại Hội nghị tổng kết nhiệm vụ 2015 và triển khai kế hoạch 2016 của Tổng cục Thuỷ sản, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát đã chỉ đạo, phải tập trung kiên quyết xử lý dứt điểm 2 điểm yếu cốt tử là khả năng cạnh tranh và tính bền vững cho ngành thuỷ sản.
Thời tiết thuận lợi nên năm 2015, thực sự là một năm bội thu của ngư dân xã Bảo Ninh (Đồng Hới, Quảng Bình).
Sau gần 4 năm hoạt động, những người trực tiếp làm việc tại các nghiệp đoàn nghề cá (NĐNC) ở Phú Yên vẫn cứ là người vác tù và hàng tổng, đi làm không công.