Nuôi Cá Trắm Đen Công Nghiệp Lãi 200 Triệu Đồng Mỗi Ha

Cá trắm đen có thị trường tiêu thụ rộng nên đạt hiệu quả kinh tế cao gấp gần 4 lần so với các loại cá truyền thống.
Trung tâm Giống Thủy sản Hà Nội cho biết, mô hình nuôi cá trắm đen tại hai huyện Ba Vì và Chương Mỹ (Hà Nội) với tổng quy mô 2 ha bước đầu đã đem lại hiệu quả rõ rệt, ước tính đạt năng suất từ 10-11 tấn/ha cho lợi nhuận 200 triệu đồng/ha.
Nuôi cá trắm đen, theo phương pháp công nghiệp dễ nuôi và mang lại hiệu quả kinh tế cao, chất lượng thịt thơm ngon, thị trường tiêu thụ rộng nên đạt hiệu quả kinh tế cao gấp gần 4 lần so với các loại cá truyền thống.
Trắm đen là một trong số các loại cá đặc sản nước ngọt không những có chất lượng thịt thơm ngon, hàm lượng dinh dưỡng cao mà còn có một số tác dụng tốt trong y học nên được người dân ưa chuộng. Với tốc độ tăng trưởng nhanh, giá thành trên thị trường cao, từ 120.000-140.000 đồng/kg, các mô hình nuôi cá trắm đen đã đem lại hiệu quả cao cho người nuôi.
Kỹ sư Vũ Thị Ngân - Trung tâm Giống thủy sản Hà Nội cho biết, cá trắm đen sống trong môi trường nước sạch, được thả với mật độ 0,4 con/m2 với tỷ lệ thả ghép 99% cá trắm đen, 1% cá mè, quy cỡ cá 1,0-1,2 kg/con.
Trong suốt quá trình nuôi cần thường xuyên theo dõi, kiểm tra các yếu tố môi trường cũng như các hoạt động của cá để có biện pháp chăm sóc thích hợp. Thức ăn cho cá chủ yếu là thức ăn công nghiệp với hàm lượng đạm ≥ 35%, ngoài ra có thể cho cá ăn thêm ốc để tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên có sẵn.
Theo kinh nghiệm của các hộ, để nuôi cá trắm đen đạt hiệu quả kinh tế cao cần lưu ý cá trắm đen có nhu cầu ô xy cao hơn các loài cá khác. Nếu không đủ ôxy cá chậm phát triển, dễ bị bệnh và chết.
Do đó, môi trường ao nuôi luôn sạch, bề mặt ao thoáng. Mực nước trong ao luôn giữ khoảng 1,5-2m, khi cá lớn hơn 2 kg cần duy trì mức nước sâu trên 2m. Hàng tuần bơm thêm nước mới để kích thích sinh trưởng và thay nước nếu thấy cần thiết.
Để phòng trừ dịch bệnh cho cá, định kỳ 10-15 ngày bón vôi bột với liều lượng 2 kg/100m2. Sau khi nuôi khoảng 1 năm cá đạt kích cỡ từ 2-3 kg/con (có con vượt cỡ đạt 3,5-4 kg/con), lúc này có thể tiến hành thu tỉa để giảm mật độ.
Theo Trung tâm Giống Thủy sản Hà Nội, mô hình nuôi cá trắm đen hứa hẹn mang lại hiệu quả cao góp phần tăng thêm thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho người dân. Hiện nay, sản lượng cá nuôi được rất ít trong khi nhu cầu của thị trường nội địa với cá trắm đen thương phẩm tương đối lớn.
Có thể bạn quan tâm

Hiện nay, thị trường Sơn La xuất hiện rất nhiều loại củ, quả có xuất xứ từ Trung Quốc, trong đó có tỏi củ. Nếu so sánh thì tỏi Trung Quốc là sản phẩm đẹp về hình thức, dễ bóc, giá rẻ nhưng chất lượng thua xa các giống tỏi trồng tại Sơn La vừa có chất lượng hơn hẳn, nguồn gốc rõ ràng, lại an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng... Vậy tại sao tỏi Trung Quốc giá rẻ lại lấn át được tỏi địa phương...?

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, tình trạng thiếu nguyên liệu cá tra cho chế biến xuất khẩu vào những tháng cuối năm có thể xảy ra do diện tích mặt nước nuôi cá tra nguyên liệu hiện nay giảm, cùng với đó, giá cá tra giống đang tiêu thụ chậm.

Nhu cầu mua của khách hàng tăng, nguồn cung trong nước hạn chế, lợi thế cạnh tranh về giá so với Ấn Độ và Thái Lan được xác định là những yếu tố giúp xuất khẩu gạo thơm của Việt Nam sôi động trở lại trong thời gian gần đây.

Tại tỉnh Tiền Giang, giá bưởi da xanh thương lái thu mua tại vườn từ 50.000-60.000 đồng/kg, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, đem lại lợi nhuận lớn cho bà con.

Khi hầu hết các vườn vải thiều ở huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đã thu hoạch xong, thì những vườn vải thiều ở hai thôn Hóa và Hả, xã vùng cao Tân Sơn của huyện lại bắt đầu chín đỏ. Nhờ thế mà giá bán cũng cao gấp hai, gấp ba lần so với vải thiều chính vụ, giúp bà con kiếm được bội tiền từ quả vải thiều…